4.3.2.1. Số lượng và một số chỉ tiêu sinh trưởng của cây cao
Trong một quần xã thực vật rừng, tầng cây cao không chỉ đóng vai trò cung cấp hạt giống cho quá trình tái sinh mà còn góp phần điều tiết các nhân tố tiểu hoàn cảnh từ đó ảnh hưởng tới số lượng, thành phần loài cũng như khả năng sinh trưởng và chất lượng của cây tái sinh (cả dưới tán và lỗ trống). Tuy nhiên, khác với dưới tán rừng khi lượng ánh sáng trực xạ chiếu xuống đất chủ yếu được điều tiết bởi độ tàn che của toàn bộ tầng cây cao, ở các lỗ trống nhân tố sinh thái quan trọng này thay đổi cùng với sự thay đổi của diện tích lỗ trống được giới hạn bởi các cây cao xung quanh. Vì vậy, bên cạnh diện tích lỗ trống, xác định số lượng cây cao và nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng của chúng có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra chỉ tiêu có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh trưởng của cây tái sinh ở các lỗ trống trong rừng. Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong bảng 4.9.
Bảng 4.9. Một số chỉ tiêu của tầng cây cao xung quanh lỗ trống
STT Chỉ tiêu Trạng thái rừng
IIB IIIA1 IIIA2
1 n ± SD (cây) 8,75±1,47a 8,20±2,61a 7,90±2,65a 2 D1.3±SD (cm) 13,06±4,44a 14,92±1,29b 18,63±1,77c 3 ΣG±SD (dm2) 12,0±0,85a 14,30±4,83a 21,69±8,31c 4 Hvn±SD(m) 11,58±0,85a 12,36±0,83b 13,89±1,19c 5 Hdc ±SD(m) 6,27±0,56a 6,35±0,65a 8,23±0,48c 6 Dt ±SD(m) 4,21±0,56a 4,58±0,61a 4,21±0,46a
Ghi chú: a,b,c là các ký tự biểu thị mức độ đồng nhất, sai khác của các đại lượng quan sát được kiểm tra bằng tiêu chuẩn U Mann-Whitney với xác xuất p < 0,05; SD là sai tiêu chuẩn của đại lượng quan sát, n là số cây cao xung quanh lỗ trống.
Số lượng cây cao trung bình xung quanh các lỗ trống ở các trạng thái nghiên cứu biến động từ 7,90 cây (trạng thái IIIA1) đến 8,75 cây (trạng thái IIB). Mặc dù kết quả kiểm tra bằng tiêu chuẩn U của Mann-Whitney với xác xuất p < 0,05 cho thấy mức độ sai khác này không rõ rệt nhưng chỉ số sai tiêu chuẩn cho thấy mức độ biến động mạnh về mặt số lượng của cây cao giữa các lỗ trống trong trạng thái IIIA1 và IIIA2 so với trạng thái IIB. Sự biến động này có liên quan chặt chẽ tới sự biến động về diện tích của các lỗ trống như đã phân tích trong bảng 4.8 (đặc điểm lỗ trống tại khu vực nghiên cứu).
Khác với số lượng cây, sinh trưởng đường kính ngang ngực và chiều cao vút ngọn trung bình của tầng cây cao xung quanh lỗ trống giữa các trạng thái có sự khác nhau rõ rệt, lớn nhất ở trạng thái IIIA2 với đường kính 18,63cm, chiều cao 13,89m; nhỏ nhất ở trạng thái IIB với đường kính 13,06cm, chiều cao 11,58m.
Các chỉ tiêu sinh trưởng còn lại bao gồm tổng tiết diện ngang, chiều cao dưới cành và đường kính tán của cây cao xung quanh lỗ trống giữa hai trạng thái IIB và IIIA1 chưa có sự khác nhau rõ rệt. Trong khi chúng nhỏ hơn rõ rệt so với tiết diện ngang và chiều cao dưới cành của cây cao trạng thái IIIA2.
4.3.2.2. Cấu trúc tổ thành của tầng cây cao xung quanh lỗ trống
Bên cạnh các chỉ tiêu sinh trưởng, tổ thành của tầng cây cao xung quanh lỗ trống được xác định dựa trên số lượng cá thể, tổng tiết diện ngang và tần số xuất hiện trong 30 lỗ trống có liên quan chặt chẽ tới năng lực phát tán hạt giống góp phần tạo lập lớp cây tái sinh không chỉ khác về số lượng mà còn đặc thù về thành phần loài. Tại khu vực nghiên cứu, tổ thành tầng cây cao xung quanh 30 lỗ trống thuộc mỗi trạng thái theo chỉ số IVI% được thể hiện trong bảng 4.10.
Bảng 4.10. Cấu trúc tổ thành tầng cây cao xung quanh lỗ trống
STT Trạng thái rừng Công thức tổ thành theo chỉ số IVI%
1 IIB 20,6Ba + 10,6So + 9,8Ma + 5,8Ho + 5,7Ng + 47,5Lk
(29 loài)
2 IIIA1 21,6Kha + 11,2Ho + 9,0Chap + 5,6So + 52,6Lk (23
loài)
3 IIIA2 21,7Ho + 9,5Tra + 9,5Go + 8,8So + 50,5Lk (27 loài)
Ghi chú: Xem phụ lục 4.6 để biết tên loài cây
Xung quanh các lỗ trống tại khu vực nghiên cứu, trạng thái IIB có số lượng loài xác định nhiều nhất (29loài) so với 27 loài ở trạng thái IIIA2 và 23 loài ở trạng thái IIIA1. So sánh với các ô tiêu chuẩn, số lượng loài xung quanh lỗ trống đều giảm từ 4 đến 14 loài. Tuy nhiên, khác với việc lập ô có diện tích xác định, số lượng loài cũng như số lượng cây mỗi loài phụ thuộc rất lớn vào diện tích lỗ trống. Lỗ trống có diện tích lớn số lượng cây cao xung quanh được xác định có xu hướng nhiều hơn lỗ trống có diện tích nhỏ hơn.
Bên cạnh số lượng loài, mức độ tham gia của các loài có chỉ số IVI% lớn hơn 0,5% trong công thức tổ thành lượng các loài khác nhau giữa các trạng thái nghiên cứu, biến động từ 4 loài (trạng thái IIIA1, IIIA2) đến 5 loài (trạng thái IIB). Mặc dù số lượng loài trong tổ thành ít hơn tầng cây cao trong các ô tiêu chuẩn, tổ thành cây cao xung quanh lỗ trống ít phức tạp hơn, các loài đứng vị trí đầu tiên gồm
Ba bét (trạng thái IIB), Kha thụ chẻ (trạng thái IIIA1), Hoàng đàn giả (trạng thái IIIA2) có mức độ ưu thế vượt trội so với các loài khác.
Bên cạnh Hoàng đàn, loài chịu bóng có giá trị cả về kinh tế và bảo tồn, các loài tham gia vào công thức tổ thành trạng thái IIB và IIIA1 chủ yếu là những loài trung tính hoặc ưa sáng, có giá bảo tồn không cao. Một số loài có giá trị như Giổi lá láng, Thông tre từng xuất hiện trong tổ thành cây cao khi lập ô tiêu chuẩn đã vắng mặt xung quanh các lỗ trống.
Tóm lại: công thức tổ thành cây cao xung quanh lỗ trống của cả 3 trạng thái không quá phức tạp, các loài tham gia thể hiện mức độ ưu thế rõ ràng so với các loài khác (Lk). Xung quanh lỗ trống chủ yếu là các loài trung tính và ưa sáng có giá trị bảo tồn không cao.