Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến tái sinh rừng

Một phần của tài liệu Đặc điểm tái sinh tự nhiên của thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới tại vườn quốc gia bạch mã thừa thiên huế (Trang 26)

1.2.3.1. Các nhân tố ảnh hưởng tới tái sinh dưới tán

(+) Ánh sáng: Thái Văn Trừng (1978) [40] trong công trình nghiên cứu thảm thực vật rừng Việt Nam đã kết luận ánh sáng là nhân tố sinh thái khống chế và điều khiển quá trình tái sinh tự nhiên trong thảm thực vật rừng. Nếu các điều kiện khác của môi trường như đất rừng, nhiệt độ, độ ẩm dưới tán rừng chưa thay đổi thì tổ hợp các loài cây tái sinh không có những biến đổi lớn và cũng không diễn thế một cách tuần hoàn trong không gian và theo thời gian mà diễn thế theo những phương thức tái sinh có qui luật nhân quả giữa sinh vật và môi trường.

(+) Độ tàn che biểu thị mức độ che kín mặt đất của tầng cây cao, là nhân tố quan trọng trong việc phân bố lượng ánh sáng lọt tán [9], hình thành tiểu hoàn cảnh rừng nên có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh trưởng của cây tái sinh [41].

Dưới tán rừng, do nhu cầu ánh sáng của mỗi loài cây tái sinh khác nhau, mật độ và tổ thành của chúng biến động theo sự thay đổi của độ tàn che [7], [41]. Thông thường ở giai đoạn cây mạ, mật độ cây tái sinh thường tương đối cao. Tuy nhiên, chúng giảm đi rất nhanh theo tuổi [13] bởi trong điều kiện ánh sáng thiếu dưới tán rừng thường yếu ớt và chỉ có một số ít trong số chúng có thể thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm này để tiếp tục tồn tại trong trạng thái ức chế sinh trưởng kéo dài để chờ cơ hội vươn khi điều kiện thuận lợi [6]. Tại Kon Hà Nừng, độ tàn che thay đổi sau khi lâm phần bị khai thác ở hai cường độ 30% và 50% đã làm cho số cây tái sinh giảm đi tương ứng từ 3-5 loài và 8-12 loài so với trước khi chặt. Sau 20 năm, số loài bổ sung có tăng lên so với thời điểm sau khi khai thác nhưng số lượng không đáng kể và vẫn thấp hơn so với trước khai thác [34]. Tuy nhiên, kết quả của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, độ tàn che phù hợp cho cây tái sinh dưới tán rừng tự nhiên nhiệt đới biến động trong khoảng 0,5 ÷ 0,6 [9], [26], [41].

(+) Một số nhân tố ngoại cảnh khác như tầng cây bụi, thảm tươi là đối thủ cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với cây tái sinh nên có ảnh hưởng rất lớn tới mật độ, khả năng sinh trưởng và chất lượng của chúng đặc biệt với cây tái sinh dưới tán những lâm phần sau khai thác chọn [41] hay rừng Khộp thưa thớt ở Đăk Lăk [7]. Tuy nhiên, lớp thảm thực vật này ảnh hưởng rất ít tới tái sinh dưới tán trạng thái rừng tự nhiên trung bình (IIIA2) và giàu (IIIA3) tại Hương Sơn, Hà Tĩnh [26].

(+) Tác động của con người: được coi là nhân tố có ảnh hưởng mạnh mẽ và rõ rệt nhất đến tái sinh rừng. Thông qua các xử lý lâm sinh, con người đã khéo léo lợi dụng và điều khiển tự nhiên để tạo ra điều kiện hoàn cảnh thuận lợi nhất cho quá trình tái sinh của các loài cây mục đích, đảm bảo tái sinh rừng thành công. Phương châm này đã được chú trọng đặc biệt trong khai thác rừng thông qua các biện pháp chặt mở tán, chặt gieo giống trước khi khai thác và vệ sinh rừng ngay sau khai thác [22], [25], [28]. Tuy nhiên, các họat động khai thác gỗ bất hợp pháp, canh tác nương rẫy được lặp đi

lặp lại nhiều lần trên một khu vực đã dần biến những khu rừng bạt ngàn với các loài cây có giá trị thành những khu rừng với cây ưa sáng mọc nhanh, ít giá trị kinh tế chiếm ưu thế (Viện điều tra quy hoạch rừng, 1983) (dẫn theo Nguyễn Anh Dũng, 2000) [10] và cuối cùng thành đất trống, đồi núi trọc [31].

1.2.3.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới tái sinh lỗ trống

(+) Kích thước lỗ trống: Trong rừng nhiệt đới, lỗ trống xuất hiện tương đối nhiều và rất đa dạng về hình dạng. Lỗ trống có kích thước càng lớn, số lượng cây tái sinh càng nhiều và có xu hướng cao hơn hẳn so với nơi kín tán [21], [33]. Ở trạng thái rừng tự nhiên nghèo (IIIA1) tại Lục Nam - Bắc Giang, mật độ cây tái sinh trong lỗ trống tăng từ 2.563 cây/ha lên 3.828 cây/ha khi đường kính lỗ trống tăng từ 10÷20m lên 30÷36m, cao hơn so với mật độ cây tái sinh dưới tán 767 cây/ha [21].

Ở các lỗ trống nhỏ, tổ thành loài cây tái sinh khá tương đồng với tổ thành tầng cây cao xung quanh lỗ trống. Khi diện tích lỗ trống tăng lên, số lượng loài cũng tăng lên và tổ thành cây tái sinh cũng thay đổi, các loài ưa sáng như Sau sau, ba soi, Hu đay, Mán đỉa xuất hiện tương đối nhiều [21]. Khi kích thước lỗ trống trong khoảng từ 20 ÷ 30m2, tái sinh của các loài Nanh chuột, Sồi, Chẹo, Dẻ diễn ra tương đối thuận lợi [20].

(+) Tầng cây cao xung quanh lỗ trống: có ảnh hưởng trực tiếp tới tái sinh lỗ trống thông qua gieo giống [20] và gián tiếp qua việc ảnh hưởng tới tiểu hoàn cảnh bên trong lỗ trống do khả năng điều tiết lượng ánh sáng trực tiếp (với các lỗ trống nhỏ).

(+) Cây bụi thảm tươi và cây dây leo thường phát triển rất mạnh sau khi lỗ trống được hình thành. Vì vậy, có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tái sinh của cây gỗ trong lỗ trống bởi chúng không chỉ cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của hạt giống với mặt đất [27]. Do vậy, khi độ che phủ của cây bụi, thảm tươi tăng lên mật độ cây tái sinh có xu hướng giảm xuống [20].

Thảo luận:

- Khi nghiên cứu tái sinh dưới tán rừng, các nghiên cứu chủ yếu nghiên cứu trên phạm vi rộng mà chưa chú trọng tới sự thay đổi của tiểu hoàn cảnh trong phạm vi hẹp.

- Mới đánh giá được mối quan hệ giữa đặc điểm tái sinh và các nhân tố ảnh hưởng chủ yếu theo dạng hàm đơn biến, một số ít trường hợp sử dụng hàm 2 biến. Trong khi cây tái sinh chịu ảnh hưởng tổng hợp của rất nhiều nhân tố khác nhau.

- Chưa xác định được nhân tố có ảnh hưởng quan trọng nhất tới tái sinh và xu hướng thay đổi của cây tái sinh theo sự thay đổi của các nhân tố ảnh hưởng.

- Các nghiên cứu chỉ mới xác định được ảnh hưởng của hoàn cảnh tới tái sinh nói chung mà chưa xác định được mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố hoặc tổng hợp của các nhân tố đó tới tái sinh một loài cụ thể. Trong khi đặc điểm tái sinh của từng loài có ý nghĩa rất lớn trong đề xuất các biện pháp hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng rừng bền vững.

- Các phương pháp nghiên cứu tái sinh lỗ trống còn chưa tiếp cận được với thế giới do nguồn tài liệu tham khảo hạn chế. Đặc biệt khái niệm về lỗ trống còn chưa được thống nhất, phương pháp xác định diện tích lỗ trống còn mang tính tự phát đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của các công trình nghiên cứu.

- Có rất ít công trình nghiên cứu tiến hành so sánh đặc điểm giữa hai hình thức tái sinh dưới tán và lỗ trống. Ở trong nước, vấn đề này cũng đã được tiến hành trong một vài nghiên cứu gần đây. Tuy nhiên, các con số so sánh chỉ mang tính định tính dựa vào các kết quả trung bình mà chưa được kiểm tra bằng các tiêu chuẩn thống kê cần thiết vì vậy giá trị khoa học của kết luận chưa cao.

Chương 2

MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Đặc điểm tái sinh tự nhiên của thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới tại vườn quốc gia bạch mã thừa thiên huế (Trang 26)