Đánh giá chung

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện tân phú, tỉnh đồng nai giai đoạn 2000 2011 (Trang 66)

2.1.4.1. Thuận lợi

Vị trí địa lý huyện Tân Phú nằm trong tỉnh Đồng Nai, nằm trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nói chung, Tân Phú nằm trong khu vực có nền kinh tế phát triển năng động, nơi dễ dàng tiếp thu khoa học kỹ thuật và còn là vùng ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, có thể nói là nơi ‘‘đất lành chim đậu’’. Ngoài ra, huyện còn nằm trên tuyến quốc lộ 20 chạy dọc qua huyện đây là tuyến giao thông chính nối tỉnh Lâm Đồng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam là tuyến vận chuyển các loại hàng hoá nông sản từ Tân Phú, Lâm Đồng về thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Đồng thời là trạm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch tuyến TP HCM - Đà Lạt. Ngoài ra huyện còn giáp ranh với huyện Đức Linh tỉnh Bình Thuận và huyện Đạ Hoai, Đà Tẻ, Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng là điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển và giao lưu kinh tế với các huyện trong vùng.

Tài nguyên đất đai thích hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá sản phẩm nông sản. Đây là yếu tố thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập trên một diện tích. Trong những năm qua, nhờ chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng tăng tỉ trọng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp dịch vụ và xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác tốt nguồn lực từ đất đai.

Bên cạnh đó, các yếu tố khí hậu thời tiết cơ bản thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, cho phép bố trí đa dạng hoá cây trồng vật nuôi. Đồng thời có nhiều thuận lợi trong việc thu hoạch, phơi sấy, bảo quản sản phẩm, giảm tỉ lệ thất thoát. Tuy nhiên tình trạng thiếu nước cho sản xuất và đời sống nhân dân trong mùa khô và lũ lụt trong mùa mưa ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất sinh hoạt của huyện.

Địa bàn huyện có nhiều hồ, đập, ao, bàu, đầm, sông và suối thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản, cung cấp nguồn nước lớn phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Hai con sông La Ngà và Đồng Nai có nhiều thác ghềnh nên có tiềm năng cho thủy điện , ngoài ra còn bồi đắp nên những vùng đất phì nhiêu, thích hợp xây dựng những vùng chuyên canh các loại cây lương thực thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Hai con sông này có nhiều thác ghềnh nên có tiềm năng cho thủy điện.

Tân Phú còn là địa phương có nhiều tài nguyên khoáng sản như than bùn, nước khoáng, cát, đá … nên có điều kiện phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Diện tích rừng trên địa bàn huyện chiếm khoảng 50% diện tích tự nhiên của huyện, núi, hồ, cảnh quan, du lịch nghiên cứu văn hoá lịch sử. Thế mạnh của huyện là du lịch sinh thái với Vườn Quốc gia Cát Tiên với phần lớn diện tích là khu dự trữ sinh quyển, rừng nguyên sinh lớn nhất Đông Nam Á, với nhiều loại động thực vật quý hiếm như hổ, tê giác … đã và đang trở thành địa chỉ của các nhà khoa học và đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài ra, huyện còn có cảnh quan thiên nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch như: khu du lịch Suối Mơ, hồ Đa Tôn, thác Hoà Bình, hang Dơi. Đây là nền tảng quan trọng để Tân Phú phát triển ngành công nghiệp không khói.

Mạng lưới giao thông vận tải, thông tin liên lạc, điện … đang dần được đầu tư cải thiện.

Hiện tại trên địa bàn huyện đã hình thành khu công nghiệp Tân Phú với diện tích 54 ha, diện tích dành cho thuê là 34,98 ha. KCN đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để thu hút đầu tư. Đây cũng là một trong những thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có những chủ trương chính sách đúng đắn trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, nâng cao sức cạnh tranh, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất tạo cơ hội cho nền kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH.

2.1.4.2. Khó khăn

Huyện có vị trí địa lý kém thuận lợi so với các địa phương khác trong tỉnh do xa các trung tâm kinh tế của tỉnh, các xã trong huyện thuộc miền trung du. Huyện Tân Phú không giáp biển nên không có được nhiều lợi thế của biển và không thể phát triển mạnh được ngành đánh bắt, nuôi trồng hải sản.

Tân Phú là huyện nghèo khoáng sản cả về chủng loại lẫn trữ lượng. Khai thác vật liệu xây dựng, khoáng sản, đất cát phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế làm xói mòn đất đai, bồi lắng sông hồ.

Vị trí, địa lý, điều kiện tự nhiên chủ yếu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, không thuận lợi cho phát triển công nghiệp.

Nguồn nhân lực của huyện tuy có số lượng khá, nhưng chất lượng còn hạn chế, tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và lao động quản lý kinh danh giỏi còn rất thiếu.

Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhất là hệ thống giao thông có tỉ lệ cứng hoá thấp chưa động bộ và liên kết với nhau. Nguồn vốn đầu tư xây dựng két cấu hạ tầng phải

dựa phần nhiều vào ngân sách cấp trên. Môi trường thu hút đầu tư chưa thuận lợi. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế.

Việc phát triển các cơ sở xử lý các chất thải từ công nghiệp và sinh hoạt do phát triển công nghiệp và đô thị hoá không đồng bộ, chưa bắt kịp tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hoá của tỉnh Đồng Nai.

Do vậy để tạo sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ hơn nữa cần phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật.

Một phần của tài liệu chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện tân phú, tỉnh đồng nai giai đoạn 2000 2011 (Trang 66)