Quê hương của Tôma Aquinô là Italia. Ông sinh vào cuối năm 1225 hay vào đầu năm 1226 tại lâu đài Roccasech, ở gần Aquinô (do vậy tên của ông là Aquinô) trong Vương quốc Neaples. Cha của Tôma Aquinô là Bá tước Landolf, có họ hàng với thị tộc Hoghenstaumefeno, là một địa chủ ở Aquinô và là hiệp sĩ thân cận với Friedrich Đệ Nhị, tham gia vào việc phá hủy tu viện dòng Thánh Benoit ở Monte Cassino. Sau này ông sẽ gửi cậu con trai của mình đến học tập ở đây. Mẹ của Tôma Aquinô là Theodore, xuất thân từ một dòng họ giàu có ở Neaples.
Lên 5 tuổi, Tôma Aquinô được gửi đến học tập tại tu viện Monte Casino. Ông học ở đây gần 9 năm, nhờ đó ông rất thông thạo tiếng La Tinh. Tu viện trưởng là một địa chủ lớn, tuy nhiên những cuộc chiến tranh không ngừng giữa Hoàng đế và Giáo hoàng đã biến tu viện thành một địa điểm u sầu và hoang vắng. Vào năm 1239, Friedrich Đệ Nhị trục xuất dòng Thánh Benoit khỏi Monte Cassino, Tôma Aquinô trở về nhà, lột bỏ áo tu sĩ. Mùa hè năm này, ông nhập học tại Đại học Neaples do Friedrich đệ Nhị thành lập. Ông được các thầy Martin và Petre hướng dẫn. Tại đây, ông đã làm quen với các thầy tu dòng Đa Minh, các hình thức hành lễ mới khơi dậy tinh thần hăng say ở ông.
Vào năm 1244, bất chấp phản đối của gia đình, ông vẫn quyết định trở thành tu sĩ dòng Đa Minh, qua đó khước từ tước vị tu viện trưởng Monte Cassino. Gia đình ông có ý định bắt buộc cậu con trai phải từ bỏ quyết định đã thông qua, thậm
57
chí còn cầu cứu Giáo hoàng, bắt cậu con trai phải tường trình trước các cha bề trên. Cha mẹ ông thậm chí còn đề nghị để cậu con trai được phép mặc quần áo của tu sĩ dòng Thánh Đa Minh và đồng thời giữ chức tu viện trưởng ở tu viện dòng Thánh Benoit ở Monte Cassino. Nhưng Tôma Aquinô trẻ tuổi đã không dao động và không thay đổi quyết định của mình. Sau khi xuống tóc đi tu ở Neaples, ông được người đứng đầu dòng Thánh Đa Minh là John Teuton mang theo mình đến Bologne. Tại đây, người ta quyết định gửi Tôma Aquinô cùng với một số thành viên khác của dòng Thánh Đa Minh đến Đại học Paris vốn đang là trung tâm của tư tưởng Kitô giáo. Nhưng chuyến đi đã không diễn ra. Gia đình ông đã kiên quyết can thiệp.
Tôma Aquinô rất nỗ lực mới rời khỏi được Rome, song trên đường dẫn tới Paris, ông bị một nhóm kị sĩ - các anh em của ông - bắt lại, khi đó họ đang phục vụ trong quân đội Hoàng gia ở Lombardia. Bị bắt làm tù binh, ông bị đưa trở về lâu đài của cha ở Roccasech và bị giam trong buồng tắm với mục đích chữa trị. Ông sống trong đó hơn 1 năm. Sau đó, gia đình ông đã sử dụng tất cả mọi phương tiện có thể để bắt buộc ông phải từ bỏ quyết định của mình. Mong muốn ông từ bỏ con đường đã lựa chọn, các anh em của ông đã đưa một thiếu nữ xinh đẹp vào căn phòng của ông với hy vọng ông bị quyến rũ. Tuy nhiên, nhận thấy cậu con trai không thay đổi quyết định, bà mẹ đành cam chịu số phận. Mùa hè năm 1245, Tôma Aquinô được thả tự do và đã lập tức có mặt tại Paris.
Trong thời gian học tại Đại học Paris (1245-1248), Tôma Aquinô lắng nghe những bài giảng của người thầy Albert Cả đến từ Cologne, sau này sẽ trở thành Đại thánh Albert Cả. Ông có ảnh hưởng rất sâu sắc đến Tôma Aquinô. Vào năm 1248, Tôma Aquinô cùng với Albert Cả đến Cologne nhằm mục đích tổ chức ở đó studium generale (trung tâm nghiên cứu thần học). Tại đây, ông tiếp tục học tập 4 năm dưới sự hướng dẫn của người thầy Albert Cả vĩ đại. Trong thời gian học tập, ông không hăng hái, ít tham gia tranh luận, do vậy bạn bè gọi ông là “con bò câm”.
Sau 4 năm học tập tại Cologne, vào năm 1852, Tôma Aquinô quay trở lại Đại học Paris. Những đỉnh cao tri thức đã bắt đầu ập đến như vậy từ năm 1252. Ông nỗ lực để nhận được tất cả mọi học vị và học hàm, sau đó trở thành giảng viên thần học
58
Đại học Paris, trở thành chủ nhiệm khoa ở Đại học Paris và giáo sư thần học từ năm 1256 cho tới tận năm 1259. Ông hoàn thành hàng loạt tác phẩm với tên gọi “Những tranh luận ở đại học” (Questiones disputatae), kể cả bình luận về Kinh Thánh (1254-1256), “Về các nguyên tắc của tự nhiên” (De principiis naturae) (1255), “Về cái hiện hữu và bản chất” (De ente et essential) (1256), “De veritate, In Boetium de Hebdomadibus”, v.v.. Ông cũng bắt đầu viết tác phẩm “Tổng luận triết học hay Tổng luận chống lại đa thần giáo” (Summa contra gentiles).
Vào năm 1259, Giáo hoàng Ubran IV triệu tập Tôma Aquinô đến Rome. Ông ở đây cho tới năm 1268. Sự xuất hiện của Tôma Aquinô tại Tòa Thánh không phải là ngẫu nhiên. Giới chức sắc Rome nhận thấy ông là con người cần phải hoàn thành một công việc quan trọng đối với Hội Thánh, mà chính là luận giải học thuyết Aritxtốt theo tinh thần Kitô giáo. Ở đây, Tôma Aquinô hoàn tất tác phẩm “Tổng luận triết học” (1259-1264) ông khởi xướng ở Paris, hoàn thành “Contra errores Graecorum” (1263), “De emptione et venditione” (1264), v.v.. Ông cũng bắt tay viết tác phẩm chính của mình là “Tổng luận thần học” (Summa theologiae).
Mùa thu năm 1269, theo chỉ thị của Tòa Thánh, lần thứ hai Tôma Aquinô đến Paris. Đại học Paris lại trở thành diễn đàn đấu tranh giữa giới tăng lữ theo các học thuyết khác nhau với giới trí thức thế tục. Chính tại đây, Tôma Aquinô đã đánh bại Siger Brabantius và phái Averroes, cũng như các nhà thần học Pháp muốn giữ y nguyên các nguyên tắc thần học của Augustinô. Siger Brabantia là mối nguy hiểm lớn nhất đối với thần học, còn những người theo phái Augustinô lại lảng tránh cuộc đấu tranh này. Ngược lại, Tôma Aquinô đã tích cực tham gia vào cuộc luận chiến làm chấn động trường đại học này - cuộc luận chiến của phái Augustinô chống lại phái Averroes latinh do Siger Brabantia đứng đầu là người bảo vệ thuyết hai chân lý. Đặc trưng cho học thuyết đó là câu chuyện Siger Brabantia nói với Tôma Aquinô: “Ngài nói về lý trí và niềm tin theo cái nghĩa cả hai đều đem lại chân lý. Chúng tôi cũng cho là như vậy, nhưng chỉ với một sự khác biệt là không nên lo lắng về việc dung hoà hai chân lý đó. Đây là một sự khác biệt tinh tế, là sự khác biệt duy nhất tách biệt chúng ta”. Sự châm trích của địch thủ vừa hài hước lẫn cay độc, hoá
59
ra là vừa chính xác lẫn đau đớn. Vốn dĩ có tính cách điềm tĩnh, song, như ông nhớ lại, đây là lần thứ thứ hai trong cuộc đời, Tôma Aquinô đã mất bình tĩnh, kêu to lên: “Học thuyết của mi chứa đầy tri thức giả dối”. Vì Đại học Paris là trung tâm tư tưởng hệ chủ yếu của Kitô giáo nên cuộc đấu tranh chống lại phái Averroes có ý nghĩa mang tính nguyên tắc đối với Giáo hội Rome. Vào thời kỳ này, Tôma Aquinô viết phần II của “Tổng luận thần học” (1269-1272), bình luận “De causis” của Aritxtốt và nhiều tác phẩm khác.
Vào năm 1272, Tôma Aquinô được mời đến Italia. Ông giảng dạy thần học tại Neaples và ở đây, ông viết tiếp phần III của “Tổng luận thần học” cho tới khi hoàn thành vào năm 1273. Sau 2 năm, ông rời khỏi Neaples để tham gia Công đồng X do Giáo hoàng Grigorius tổ chức ở Lyon. Ngày 7 tháng 3 năm 1274, trên đường đến Lyon, Tôma bị ốm nặng và đã qua đời ở độ tuổi 49 tại tu viện Bernard ở Fossanouve. Sau khi qua đời, ông được phong tặng tước hiệu “Tiến sĩ thiên thần” (doctor angelicus). Tôma Aquinô được Giáo hoàng Gio-an XXII phong thánh vào năm 1323.
2.4.2. Giới thiệu khái quát nội dung hai tác phẩm chính của Tôma Aquinô - “Tổng luận chống lại đa thần giáo” (Liber de veritate Catholicae fidei contra errores infidelium, seu Summa contra gentiles) và “Tổng luận thần học” (Summa theologiae)
Trước khi bắt tay vào giới thiệu 2 tác phẩm chính của Tôma Aquinô, cần lưu ý rằng, ông để lại một di sản khổng lồ. “Từ điển các tác phẩm khoa học của Tôma Aquinô có tới 13 nghìn thuật ngữ. Để hình dung được quy mô con số này, hãy so sánh: Toàn bộ tiếng Nga có 440 nghìn từ và tổng số từ có trong tất cả các tác phẩm của A.S.Puskin là 600 nghìn danh từ, Từ điển ngôn ngữ của A.S.Puskin có 16 nghìn từ” [126, 390]. Danh mục các tác phẩm của Tôma Aquinô gồm có: “Về tính vĩnh cửu của thế giới nhằm chống lại những kẻ càu nhàu”; “Về sự thống nhất của lý trí nhằm chống lại Averroes”; “Về sự cầm quyền của các lãnh chúa”; “Về tồn tại và bản chất (1250 - 1256); “Tổng luận chân lý của Giáo hội Công giáo nhằm chống lại đa thần giáo (1259 - 1264) hay “Tổng luận triết học”; “Tổng luận thần học” (1265 -
60
1274) (Tác phẩm này của Tôma Aquinô chưa hoàn tất và được các học trò viết nốt. Tổng luận thần học bao hàm một số lẻ những trích đoạn được chú giải và dẫn ra từ Kinh Thánh và vài nghìn đoạn trích của Aritxtốt, có hơn 2000 trích dẫn của Augustinô); “Giải thích biểu tượng Đức tin của Giáo đồ”; “Vấn đề các phép mầu nhiệm”; “Về sức mạnh của Chúa”; “Về các thiên thần”; “Về quỷ dữ”; “Về các việc làm bí ẩn của giới tự nhiên”; “Về số phận”; “Bình luận về “Siêu hình học” của Aritxtốt”; “Bình luận về cuốn sách “Về tâm hồn” của Aritxtốt”; “Bình luận về “Đạo đức Nicomaque”.
Tác phẩm “Tổng luận chống lại đa thần giáo” được Tôma Aquinô viết vào
các năm 1259-1264 tại Rome. Nó ra đời do quá trình trao đổi trí tuệ tích cực diễn ra giữa các nhà tư tưởng Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. Trong tác phẩm này, xuất phát từ lập trường triết học chính thống của Giáo hội Kitô giáo, Tôma Aquinô nỗ lực bảo vệ những luận điểm cơ bản của đức tin Kitô giáo. Tác phẩm đồ sộ này được chia thành bốn quyển: I. Về Chúa tự thân; II. Về việc Chúa sáng tạo ra các lĩnh vực khác nhau của tồn tại; III. Về Chúa như mục đích của mọi tạo phẩm; IV. Về Chúa như Ngài thể hiện ra trong mạc khải của mình.
Trong quyển I - Chúa tự thân, kế thừa Aritxtốt, Tôma Aquinô cho rằng, không thể nghiên cứu cái thực tồn, cái hiện hữu - đối tượng chủ yếu của siêu hình học - mà không vạch ra nguyên nhân đầu tiên của nó - đó chính là Chúa
Quyển II của tác phẩm đề cập tới một trong những luận đề trung tâm của đức tin Kitô giáo - sáng tạo cách tự do thế giới ra từ hư vô và vạch rõ sức mạnh toàn năng, bản chất sáng tạo của Chúa (chương 6-29). Các chủ đề quan trọng của phần này là việc bác bỏ luận điểm về tính vĩnh hằng của thế giới và việc khẳng định sự cần thiết phải có điểm khởi đầu của nó.
Quyển III được dành cho việc nghiên cứu hệ vấn đề đạo đức. Tôma Aquinô bắt đầu từ việc chứng minh rằng, mỗi người đều tích cực hướng tới mục đích, hơn nữa là mục đích tốt đẹp (chương 2-3), bởi vì cái ác không phải là một cái hiện hữu độc lập, mà chỉ là cái bị tước mất cái thiện (chương 4-15). Cái thiện tối cao là Chúa.
61
Quyển IV đề cập tới “các chân lý mạc khải”. Theo Tôma Aquinô, chúng không thể được xác lập trong khuôn khổ thần học tự nhiên. Song, ông coi là có thể bàn luận về chúng từ lập trường của lý trí. Đó là các chân lý về sự thống nhất của Chúa Ba Ngôi - Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần (Tam vị nhất thể) khi vẫn giữ lại những khác biệt giữa Ba Ngôi này.
Tác phẩm “Tổng luận thần học” của Tôma Aquinô được viết tại Rome, Paris
và Neaples vào các năm 1265-1273. Trong tác phẩm này, ông cố gắng hệ thống hóa kết quả các tác phẩm của mình và trình bày chúng dưới hình thức dễ hiểu và ngắn gọn, trước hết là dành cho sinh viên thần học. Tác phẩm này gồm ba phần, phần thứ hai lại được phân chia ra thành hai phần nhỏ: pars prima, pars prima secundae, pars secunda secundae và pars tertia (theo truyền thống trích dẫn phổ biến nhất, các phần được biểu thị bằng các con số La Mã - S. th. I, I-II, II-II, III). Mỗi một phần lại được phân chia ra thành những vấn đề, những vấn đề này đến lượt mình lại được phân chia ra thành các chương - mục. Tên chương bao hàm vấn đề đang tranh luận, sau đó là một số luận cứ đem lại những câu trả lời đối lập cho vấn đề, tiếp theo là lời giải cho vấn đề và câu trả lời đáp lại những luận cứ. Mỗi một chương đều có liên hệ mật thiết với tất cả các chương khác thông qua hệ thống chứng minh chung và những tiền đề chung. Tác phẩm “Tổng luận thần học” chưa được Tôma Aquinô hoàn tất do thị kiến ông trải qua. Tác phẩm do người thư ký và người bạn của ông hoàn thành dựa trên các bản thảo của Tôma Aquinô. Toàn bộ “Tổng luận thần học” bao gồm 38 quyển, 612 vấn đề được phân chia ra thành 3120 chương, trong đó ông xem xét khoảng 10 nghìn luận cứ.
Trong “Tổng luận thần học”, Tôma Aquinô cố gắng nắm bắt tối đa cả những vấn đề cơ bản, cả những vấn đề cụ thể nhất. Tác phẩm đề cập tới dường như tất cả những bộ phận chủ yếu của triết học - siêu hình học, nhận thức luận, logic học, triết học tự nhiên, đạo đức học, thẩm mỹ học. Tuy nhiên, khác với nhiều tác giả đương thời, Tôma Aquinô không quan tâm nhiều đến logic học và triết học tự nhiên. Phần lớn tác phẩm “Tổng luận thần học” được dành cho nghiên cứu những vấn đề thần học, mặc dù nhờ dựa vào hệ thống khái niệm triết học, đặc biệt là phần III nói về sự
62
hóa thần làm người của Chúa Kitô (các vấn đề 1-59) và các bí tích (các vấn đề 60- 90). Tiến hành tranh luận với các quan điểm triết học và thần học khác nhau, Tôma Aquinô thường xuyên viện dẫn vào Aritxtốt, Augustinô, Boethius, Platôn.
Trong phần I, Tôma Aquinô chứng minh sự cần thiết của thần học như khoa học cùng với mục đích, đối tượng và phương pháp nghiên cứu của mình (vấn đề 1: thần học được Tôma Aquinô luận giải là khoa học về nguyên nhân đầu tiên và mục đích tối hậu của vạn vật, tức là khoa học về Chúa). Do vậy, “Tổng luận thần học bắt đầu từ việc nghiên cứu vấn đề về tồn tại của Chúa, bản chất và các đặc tính của Chúa (chương 2-43), sau đó ông xem xét thế giới được tác thành (chương 44-109). Quan trọng nhất xét về phương diện triết học ở trong phần I là 5 chứng minh cho tồn tại của Chúa (chương 2), học thuyết về sự trùng hợp giữa bản chất và tồn tại ở trong Chúa (chương 3), khái niệm về Chúa như Tồn tại cấu thành hạt nhân triết học của Tôma Aquinô (chương 13-14), về sự thống nhất của tồn tại, cái thiện (chương 5). Quan điểm về “sáng tạo ra từ hư vô” được chứng minh trong các chương 44-46. Các cơ sở của nhận thức luận được trình bày thông qua học thuyết về ý niệm (chương 15) và thông qua khái niệm về chân lý như sự phù hợp của trí tuệ với sự vật (chương 16-17), còn các cơ sở của đạo đức học - thông qua lý luận về cái ác như sự tước mất cái thiện (chương 48-49). Tôma Aquinô dành một vị trí quan trọng cho học thuyết về con người như sinh thể cấu thành từ thực thể tinh thần và thực thể vật chất (chương 75), cho việc phân tích bản chất của linh hồn con người và sự thống nhất về bản chất của nó với thể xác (chương 76), cho việc nghiên cứu quan hệ qua lại giữa năng lực trí tuệ với năng lực mong muốn của linh hồn. Dựa trên cơ sở đó, Tôma Aquinô chứng minh sự hiện diện tự do ý chí ở con người (chương 83) và xây dựng nhận thức luận mô tả vận động từ trực giác kinh nghiệm về những sự vật đơn nhất cụ thể đến nhận thức trừu tượng về chúng (chương 84-89).