Tây Âu trung cổ là thời kỳ lịch sử kéo dài hơn một ngàn năm (từ thế kỷ IV -
XV) tương ứng quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của phương thức sản xuất
phong kiến ở Tây Âu.
Từ thế kỷ III - V đời sống các dân tộc Tây Âu có những biến đổi mạnh mẽ. Vào thời kỳ này những cuộc nổi dậy của nô lệ và những cuộc đấu tranh giai cấp bên trong cùng với sự tấn công của các bộ tộc bên ngoài (đặc biệt là bộ tộc Giécmanh) đã đưa tới sự sụp đổ của đế quốc Roma, chấm dứt sự tồn tại của chế độ chiếm nô thời kỳ cổ đại mở ra một thời đại mới - thời đại phong kiến trong lịch sử Châu Âu.
Quá trình phong kiến hoá đã diễn ra ở Tây Âu suốt thế kỷ V - VIII. Người nô lệ trong xã hội cổ đại giờ đây đã trở thành những nông nô phụ thuộc. Của cải, ruộng đất tập trung trong tay giới quý tộc, thủ lĩnh quân sự và đám thân binh của người Giécmanh. Trong suốt bốn thế kỷ ấy, các vương triều phong kiến ở Tây Âu lần lượt thay thế nhau mở rộng lãnh thổ và tranh giành ảnh hưởng của mình. Đến thế kỷ thứ IX, chế độ phong kiến phân quyền đã ngự trị hoàn toàn ở các nước Tây Âu: Đức, Pháp, Ý…
Bước sang thế kỷ IX - X, kinh nghiệm sản xuất của những người nông nô ngày càng phong phú, kỹ thuật cấy trồng được cải tiến, công cụ lao động cũng có những bước phát triển rõ rệt. Trong xã hội lúc này xuất hiện những thợ thủ công chuyên sản xuất công cụ lao động. Thợ thủ công hoặc bỏ trốn lãnh địa hoặc chuộc lại thân phận, tìm đến nơi giao thông thuận lợi để làm ăn sinh sống. Đó là điều kiện dẫn đến sự ra đời của các thành thị trung đại ở châu Âu.
Đến thế kỷ XIII, Pari đã trở thành một thành phố quan trọng bậc nhất ở châu Âu, trở thành trung tâm kinh tế chính trị văn hoá. Cũng ở thế kỷ này các con đường
26
buôn bán được mở rộng ra khắp châu Âu và nối cả sang châu Á. Sự phát triển của kinh tế - xã hội đã làm cho vai trò của các thành phố tăng lên, đồng thời vai trò của những người thợ thủ công trong sinh hoạt kinh tế cũng tăng theo. Điều này dẫn đến những biến chuyển rõ rệt trong phương thức sản xuất phong kiến ở Tây Âu.
Trong xã hội phong kiến ở Tây Âu thời trung cổ, nền kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp thống trị. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên chế độ tư hữu về ruộng đất. Toàn bộ tư liệu sản xuất nằm trong tay giai cấp địa chủ, quý tộc, còn nhiệm vụ sản xuất lại thuộc về những người nông dân hay nông nô phụ thuộc. Mỗi quốc gia phong kiến có rất nhiều điền trang, thái ấp và mỗi điền trang này là một vương quốc đóng kín không liên hệ với bên ngoài gọi là các lãnh địa. Chủ nhân thực sự của các lãnh địa là các lãnh chúa. Lãnh chúa là một quý tộc lớn hoặc nhỏ tuỳ theo tước vị được phong. Nhà vua cũng là một lãnh chúa. Ở trong các lãnh địa ấy, người nông nô bị phụ thuộc cả về kinh tế, cả về thân xác vào địa chủ phong kiến. Địa chủ phong kiến bóc lột nông nô rất nặng nề. Đời sống của nông nô hết sức thấp kém, tối tăm. Đói rét, bệnh tật, mù chữ, thiên tai v.v. luôn đe dọa họ. Phản ánh tình trạng này, F. Ănghen viết: “Sự cướp bóc của quý tộc đối với nông dân mỗi năm một tinh vi hơn. Nông nô bị bóp nặn đến giọt máu cuối cùng, những nông dân phụ thuộc phải gánh thêm những khoản thuế và đảm phụ mới với mọi lý do và dưới mọi tên gọi. Lao dịch, địa tô, phù thu lạm bổ, thuế thay đổi chủ, thuế di sản, tiền bảo hộ... tăng lên một cách độc đoán, bất chấp tất cả mọi hợp đồng cổ” [105, 463].
Tuy nhiên, so với nô lệ thời cổ đại thì nông nô vẫn có cuộc sống khá hơn nhiều. Nông nô còn được coi là con người. Họ có gia đình riêng, có một mái nhà và đã có chút tài sản riêng.
Như vậy, sự ra đời của chế độ phong kiến Tây Âu là một tất yếu khách quan, thể hiện xu thế vận động không thể đảo ngược của lịch sử nhân loại nếu xét về quy mô phát triển, hình thức các quan hệ giao tiếp… Những thành quả sản xuất vật chất kỹ thuật được phát huy trong hoàn cảnh mới. Tuy vậy, con người trong xã hội trung cổ chỉ được cởi bỏ một phần gông cùm nô lệ về thể xác mà thôi.
27
Xã hội phong kiến Tây Âu có hai giai cấp cơ bản tạo nên đặc trưng của nó là nông dân và địa chủ. Giai cấp địa chủ chiếm trong tay rất nhiều tài sản, ruộng đất còn giai cấp nông dân thì bị phụ thuộc một cách nhục nhã về cá nhân và về kinh tế. Chính sự áp bức nặng nề ấy, trong một thời gian dài đã làm cho giai cấp nông dân càng ngày càng trở nên bần cùng và tối tăm về trí tuệ. Điều đó lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự bành trướng quyền lực của giai cấp địa chủ.
Thời kỳ bấy giờ, ngoài hai giai cấp cơ bản ấy thì tầng lớp tăng lữ lại có uy quyền mạnh mẽ hơn ở trong xã hội. Họ là tầng lớp đại diện cho giáo hội, có nhiệm vụ chăm sóc phần hồn cho các tín đồ nhưng cũng nắm trong tay rất nhiều ruộng đất và tiền bạc và trở thành những đại địa chủ. Dựa vào quyền uy của mình, tầng lớp tăng lữ quý tộc này cũng tiến hành cho vay nặng lãi, thu tô thuế lao dịch đối với những nông dân thuê ruộng đất của mình. F. Ănghen cho rằng: “Giới tăng lữ cũng chia thành hai giai cấp hoàn toàn khác nhau. Hệ tôn ti của giáo hội phong kiến hình thành nên giai cấp quý tộc: giám mục và tổng giám mục, trưởng tu viện, giáo chủ và các giáo chức cao cấp khác. Các giáo chức cao cấp đó của giáo hội đều hoặc giả tự mình là những vương công của đế chế, hoặc giả là những chúa phong kiến phục tùng chính quyền tối cao của những vương công khác và chiếm hữu những vùng đất đai rộng lớn có nhiều nông nô và dân cư lệ thuộc” [105, 464 ]. Giáo hội Kitô chiếm hữu khoảng một phần ba đất đai ở Tây Âu và một số lượng lớn nông nô. Mỗi giáo hội có một tu viện và cả trăm thôn xã phụ thuộc với hàng vạn héc ta đất và hàng chục vạn nông nô. Giáo hội không những bóc lột một cách tàn nhẫn các nông nô và bề tôi của mình, không kém các quý tộc và vương công mà còn dùng nhiều thủ đoạn khác. “Để cướp đồng xu cuối cùng của bề tôi hoặc để làm tăng thêm phần gia tài di chúc cho giáo hội… ngoài những sự khủng khiếp của tra tấn họ còn dùng tất cả mọi sự khủng khiếp của việc rút phép thông công và của việc khước từ xá tội, mọi mưu kế của việc xưng tội” [105, 464]. Sự liên kết giữa quý tộc phong kiến và tầng lớp tăng lữ quý tộc lúc bấy giờ là hết sức chặt chẽ. Nó tạo nên sự kết hợp giữa thế quyền và thần quyền trong việc thống trị mọi mặt đời sống xã hội.
28
Đến thế kỷ IX - XI trong xã hội xuất hiện một tầng lớp chuyên sản xuất ra công cụ lao động, là thợ thủ công. Sự ra đời và phát triển thủ công nghiệp ở thời kỳ này đã thúc đẩy sự ra đời của các thành phố, đô thị. Trong xã hội xuất hiện thêm những giai cấp mới như thị dân, người buôn bán nhỏ... Họ cũng là những giai cấp bị bóc lột hết sức nặng nề về kinh tế ngay trong lãnh địa của mình và cũng bị thống trị về mặt tinh thần bởi giáo hội. Trong xã hội, cái thang tôn bậc từ Hoàng đế đến công tước, đến bá tước, rồi đến kỵ sỹ, cuối cùng mới đến nông dân và thợ thủ công nhỏ được xác lập và củng cố. Trật tự xã hội phong kiến hà khắc ấy đã làm cho cuộc sống người dân những tầng lớp dưới của xã hội ngày càng trở nên bần cùng về kinh tế, ngột ngạt về chính trị. Điều ấy đã đẩy người nông dân đứng dậy đấu tranh chống lại trật tự hà khắc của xã hội phong kiến Tây Âu và thế kỷ XIII - XIV là thế kỷ nổi dậy của họ.
Khác với chế độ phong kiến tập quyền ở phương Đông, ở châu Âu thời kỳ trung cổ, chế độ phong kiến phân quyền được xác lập và củng cố. Mỗi quốc gia được chia thành nhiều lãnh địa. Mỗi lãnh địa lại có một lãnh chúa phong kiến đứng đầu. Lúc này, quyền lực thực sự nằm trong tay các lãnh chúa phong kiến ở từng lãnh địa. Vua cũng chỉ có quyền trong lãnh địa của mình thôi. Tính chất khép kín của các lãnh địa làm cho sự thống trị của các lãnh chúa trở nên vững chắc và tạo điều kiện nối kết giai cấp này với giáo hội Công giáo để thống trị luôn cả mặt tinh thần của đời sống con người. Chính sự liên kết giữa thế quyền và thần quyền đã làm cho xã hội phong kiến Tây Âu giai đoạn đầu trên một phương diện nào đó bị thụt lùi một bước so với thời cổ đại: những tư tưởng dân chủ và ước mong xây dựng các thể chế cộng hoà thời cổ đại đã bị thay thế bởi một thể chế quân chủ chuyên chế mà sự thống trị của nó là hết sức khắc nghiệt. Luật pháp lúc bấy giờ chỉ bảo vệ cho giai cấp địa chủ, tăng lữ - những tầng lớp trên của xã hội. Còn giai cấp nông dân thì bị đối xử như những con vật. Sự thống trị khắc nghiệt của giai cấp địa chủ càng nhân lên khi nó dựa vào những giáo lý của giáo hội Công giáo.
Những đặc điểm về kinh tế - xã hội trên đây chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội phương Tây thời trung cổ. Chính điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến
29
nội dung của triết học thời kỳ này và hệ thống triết học của Tôma Aquinô cũng không nằm ngoài sự chi phối tất yếu đó.