TDTT là một thiết chế xã hội đã từng bước hình thành trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Hoạt động TDTT bắt nguồn từ thực tế cuộc sống của con người và xã hội cho nên TDTT mang bản chất xã hội. Lịch sử phát triển TDTT của thế giới cũng như ở nước ta cho thấy tính xã hội của TDTT thuộc về bản chất, nó bị chi phối và tác động của thể chế chính trị- xã hội. Xã hội hoá là quá trình con người hoạt động thể chất theo những mô hình, những chuẩn mực, những giá trị của văn hóa thể chất mà xã hội lựa chọn và định hướng. Như vậy để xã hội hoá đúng đắn các hoạt động thể chất, ở mỗi trình độ xã hội khác nhau, ở mỗi dân tộc khác nhau, ở mỗi thể chế chính trị khác nhau đều có những định hướng của mình về các quy trình xã hội hoá trong lĩnh vực này [9]. Điều đó cho thấy xã hội hoá trong hoạt động TDTT đã thể hiện ngay trong bản chất xã hội và ở mọi quốc gia đã có từ xa xưa tuy rằng lúc đầu còn đơn giản.
Có thể khái quát khái niệm xã hội hóa TDTT ở nước ta như sau: Xã hội hoá TDTT là sự phối hợp hành động của mọi lực lượng xã hội theo một định hướng, một chiến lược quốc gia nhằm làm cho TDTT trở thành sự nghiêp của toàn dân, của toàn xã hội.
Mục đích của xã hội hoá TDTT là nhằm tạo ra động lực và nguồn lực mới cho sự phát triển của TDTT; đem các hoạt động TDTT đến với toàn dân; làm cho nhân dân tự giác, tự nguyện tham gia hoạt động TDTT để thoả mãn nhu cầu hư- ởng thụ các giá trị của TDTT.
Bản chất của xã hội hóa TDTT ở nước ta là một quá trình gồm hai mặt: một là, xác định đúng trách nhiệm của nhà nước đối với TDTT; hai là, tăng cường trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và mỗi người dân đối với TDTT.
Xã hội hoá TDTT được thực hiện dới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Xã hội hóa TDTT ở nước ta có nội dung cơ bản sau:
- Đối với những nhà lãnh đạo: xã hội hóa TDTT là một quá trình tổ chức và đổi mới tổ chức hoạt động TDTT; là quá trình quản lý và đổi mới công tác quản lý Nhà nước và quản lý xã hội về TDTT; là quá trình huy động, phối hợp nhiều lực l - ượng xã hội cùng tham gia hoạt động TDTT.
- Đối với các lực lượng xã hội: xã hội hóa TDTT là quá trình phối hợp, lồng ghép hoạt động TDTT với các hoạt động khác; là quá trình đa dạng hoá các hình thức tổ chức hoạt động TDTT; là quá trình tự vận động và tác động lẫn nhau.
- Đối với mỗi cộng đồng, mỗi gia đình, mỗi người dân: xã hội hóa TDTT là một quá trình chuyển đổi, nâng cao nhận thức về TDTT và hình thành thói quen, nếp sống rèn luyện TDTT hàng ngày cũng như tham gia hoạt động TDTT một cách chủ động, tích cực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Như vậy, để đánh giá mức độ, hiệu quả xã hội hóa TDTT có thể căn cứ vào các tiêu chí sau:
- Có sự phối hợp liên ngành, trong đó phân công rõ ràng trách nhiệm của từng ngành.
- Có sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội, đặc biệt là sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và mỗi người dân.
- Huy động được nhiều nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực…của Nhà nước, Trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội, cá nhân trong và ngoài nước).