Khái niệm về xã hội hoá

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu tiềm năng thực hiện chủ trương xã hội hóa thể dục thể thao trong các trường THPT Thành phố Tuyên Quang (Trang 28)

Theo Từ điển xã hội học: Xã hội hoá là quá trình tương tác giữa các cá nhân và xã hội, trong đó cá nhân học hỏi và thực hành những tri thức, kỹ năng và phương pháp cần thiết để hội nhập với xã hội.

Trong nhiều năm gần đây, xã hội hoá là thuật ngữ được quy ước để chỉ cách làm, cách thực hiện một hoạt động xã hội nào đó bằng con đường giác ngộ, tổ chức huy động tổng sức mạnh toàn dân, làm cho hoạt động này không chỉ được thực hiện ở một ngành, một đoàn thể hay một tổ chức xã hội nào đó, mà phải được tiến hành ở tất cả các ngành, các giới, các lực lượng xã hội, cũng như mỗi người dân đều phải nhận thấy đó là nhiệm vụ chính của mình, nên đều tự nguyện và tích cực phối hợp hành động thực hiện, đồng thời chính họ là người được hưởng thụ mọi thành quả do hoạt động đó đem lại.

Xã hội hoá đã được các nhà xã hội học sử dụng để mô tả những phương cách mà con người học hỏi, tuân thủ theo các chuẩn mực, các giá trị, các vai trò xã hội đã đề ra và chính quá trình xã hội hoá này tạo cơ sở cho việc hình thành và phát triển nhân cách con người.

Xã hội hoá là quá trình hội nhập của một cá nhân vào xã hội hay một trong các nhóm của xã hội thông qua quá trình học các chuẩn mực và các giá trị xã hội. Đó cũng là quá trình tiếp thu, phê phán các giá trị chuẩn mực, khuôn mẫu hành động mà trong đó mỗi thành viên xã hội tiếp nhận và duy trì được năng lực hành động xã hội.

Xã hội hoá cá nhân là quá trình giáo dục mỗi cá nhân từ một thực thể sinh vật người trở thành một thành viên xã hội có năng lực, phẩm chất tham gia vào các mặt hoạt động (vui chơi, văn hoá, TDTT, học tập, lao động, hoạt động xã hội, hoạt động chính trị …), biết cách ứng xử với tự nhiên, xã hội, con người, công việc và ngay cả với bản thân để hợp tác, hoà nhập được với cộng đồng.

Xã hội hoá cá nhân là quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội, trong đó cá nhân học hỏi, thực hành các tri thức, kỹ năng, phương thức cần thiết để hội nhập vào xã hội. Nói cách khác, xã hội hoá cá nhân là quá trình cá nhân gia nhập vào cộng đồng tập thể, cộng đồng xã hội, đồng thời xã hội tiếp nhận cá nhân như một thành viên, một phần tử tích cực của mình.

Có thể thấy, xã hội hoá không phải là quá trình thụ động, bắt buộc, mà là một quá trình hội nhập có vai trò tích cực, tự giác và sáng tạo của mỗi cá nhân. Xã hội hoá là quá trình học tập suốt đời của mỗi con người. Trong đó, con người với tư cách là chủ thể của hành động thì không chỉ tiếp thu mà còn làm phong phú thêm các quan hệ xã hội, các giá trị vật chất và tinh thần dưới hình thức cá nhân. Yếu tố xã hội là quan trọng nhất những không phải là cơ sở duy nhất để tạo nên cái độc đáo có một không hai trong nhân cách. Do đó, cá nhân chỉ phát triển khi có sự định hướng cả về nhận thức lẫn hành động của xã hội.

Xã hội hoá có mục tiêu chủ yếu là: huy động sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội, tạo ra nhiều nguồn lực đa dạng để phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế và TDTT làm cho các lĩnh vực này thực sự gắn bó với dân, do dân, vì dân để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực tế vẫn còn không ít người nhận thức chưa đầy đủ về bản chất và nội dung của xã hội hoá, họ cho rằng xã hội hoá chủ yếu là huy động tiền của trong nhân dân, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Quan điểm này cùng với việc buông lỏng công tác quản lý làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực làm cho người dân hiểu xã hội hoá đồng nhất với việc thu tiền, làm giảm đi tâm huyết trong việc thực hiện công tác xã hội hoá.

Thực chất nội dung của xã hội hoá là quá trình vận động quần chúng nâng cao tính tích cực và tự giác, phát huy sức mạnh của quần chúng vì sự nghiệp xã hội hoá. Đây cũng chính là quá trình đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, cơ chế quản lý của Nhà nước để đa dạng hoá các hình thức hoạt động giáo dục, y tế và TDTT, thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động đó trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, bản chất của xã hội hoá là cách làm, cách thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng con đường giác ngộ, huy động và tổ chức sự tham gia của mọi người dân, mọi lực lượng xã hội, tạo ra sự phối hợp liên ngành một cách có kế hoạch dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và sự quản lý thống nhất của các cấp chính quyền, làm cho việc giải quyết các vấn đề xã hội thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Một phần của tài liệu Luận văn: Nghiên cứu tiềm năng thực hiện chủ trương xã hội hóa thể dục thể thao trong các trường THPT Thành phố Tuyên Quang (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w