Khi tự do hóa thị trường lao động, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức. Doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn để sử dụng các lao động có trình độ chuyên môn cao không chỉ trong Việt Nam mà còn từ các nước thành viên của ASEAN khác mà còn phải phải cạnh tranh rất khốc liệt với các doanh nghiệp khác để thu hút được nhân tài. Vì vậy, các doanh nghiệp phải có những chính sách thu hút, đem lại nhiều ưu ái cho lao động có kỹ năng phù hợp như: chế độ tiền lương, thưởng hấp dẫn, cơ hội thăng tiến trong công việc. So với các nước khác, Việt Nam có mức tiền lương, bao gồm cả lương của lao động lành nghề có mức khởi điểm thấp hơn nhiều. Nguy cơ thiếu hụt lao động có kỹ năng sẽ rất trầm trọng nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tạo được ra sự khác biệt trong
các chính sách của mình. Các chính sách này có thể là các hỗ trợ ngoài chế độ tiền lương như cung cấp nhà ở, phương tiện đi lại, tạo môi trường làm việc năng động, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy lao động phát huy năng lực tối đa.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường hợp tác đa phương, không chỉ tạo liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa mà còn hợp tác với các doanh nghiệp khác trong khu vực, chung sức tạo nên tiếng nói của doanh nghiệp trên toàn khu vực ASEAN. Từ đó những mong muốn, nguyện vọng của doanh nghiệp đối với người lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng sẽ ảnh hưởng đến các chính sách mà ASEAN đưa ra.
Các kênh thông tin liên lạc giữa các doanh nghiệp và chính phủ cần được cải thiện, tạo ra sự đối thoại liên tục giữa các bên, nâng cao hiệu quả chính sách tự do di chuyển lao động trong AEC.
Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ hoạt động trong nước mà còn có thể đầu tư sang các nước ASEAN khác. Các doanh nghiệp có thể sử dụng lao động Việt Nam hoặc lao động từ các nước ASEAN khác, vì vậy cần phải nắm rõ khung tham chiếu trình độ của ASEAN để có thể lựa chọn được nhân lực phù hợp nhất cho các vị trí trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về những điều kiện mà các doanh nghiệp trong khu vực khác có thể dành cho lao động, từ đó đưa ra những chế độ đãi ngộ thu hút được lao động chất lượng.
Với các doanh nghiệp của ASEAN tại Việt Nam, tự do hóa di chuyển lao động giúp các doanh nghiệp này đưa nhân lực có kỹ năng từ nước họ đến Việt Nam làm việc, nâng cao hiệu quả đầu tư. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ môi trường pháp luật, chính trị và xã hội của Việt Nam để tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho lao động ASEAN tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có một lực lượng lao động chất lượng cao hiện đang làm việc tại các nước phát triển trên thế giới. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể đưa ra nhiều chế độ ưu đãi dành cho lao động tốt như các nước phát triển để thu hút lực lượng lao động chất lượng cao này trở về Việt Nam làm việc.