Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển đất nước.
Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là quốc gia có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng. Hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 2006, hàng năm có khoảng 70.000 - 80.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây, hầu hết lao động di cư là nam giới. Trong những năm gần đây, theo số liệu thống kê, phụ nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động di cư. Đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn là ưu tiên của chính phủ Việt Nam.
Mặc dù số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài tăng nhưng nói chung họ đều là những lao động có kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Thị trường lao động mà Việt Nam hướng đến là các nước phát triển như các Nhà nước Ả Rập vùng vịnh, Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và tỉ lệ lao đông Việt Nam làm việc tại các nước trong ASEAN là rất thấp. Trong khi từ năm 1990, trong tổng số kiều dân ở nước ngoài của các nước Myanmar, Lào, Campuchia, lao động di cư trong ASEAN từ mỗi quốc gia này đã tăng khoảng 40%. Tuy nhiên, với Việt Nam, di cư lao động trong ASEAN vào năm 1990 chỉ chiếm 7% trong tổng số kiều dân ở nước ngoài và con số này còn tiếp tục giảm sau đó; những nước là đích đến chủ yếu của họ lại là các Nhà nước Ả Rập vùng vịnh, Đông Á, Châu Âu, và Bắc Mỹ.
Theo báo cáo của Bộ Lao động và Thương Binh Xã hội thì trong năm 2012, có 150.000 lao động Việt Nam làm việc tại các nước ASEAN, khoảng 100.000 lao động ở Malaysia, phần còn lại chủ yếu ở Singapore và Brunei. Ngoài ra còn có nhiều người lao động nhập cư khong có giấy tờ tại Campuchia. Số lượng lao động di cư hàng năm đều đặn tăng từ hơn 70.590 năm 2005 lên hơn 88.000 trong năm 2011, trong số đó phần lớn là lao động trình độ thấp.
AEC bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người trong đó có 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Việt Nam có số lao động chiếm tỉ trọng cao thứ ba trong Cộng đồng với 15%, thấp hơn so với Philipines với tỉ trọng 16% và Indonesia với tỉ trọng 40%. Khi thị trường lao động được mở cửa tự do trong nội khối ASEAN, nguồn nhân lực dồi dào từ 3 nước Việt Nam, Indonesia, Philipinies sẽ được “ giải phóng” và là nhân tố cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên.
Biểu đồ 2.1 – Nơi xuất phát dòng nhập cư lao động quốc tế vào Singapore, Malaysia và Thái Lan, 2013
ASEAN có 3 nước là điểm đến chính của lao động di cư – Malaysia, Singapore và Thái Lan. Ba nước này chiếm gần 90% trong tổng số lao động di cư của khu vực và 97% trong tổng số lao động di cư giữa các nước trong ASEAN. Ở Singapore, 45% lao động nhập cư từ Malaysia; ở Malaysia, 42,6% lao động nhập cư từ Indonesia, và ở Thái Lan, 50,8% lao động nhập cư từ Myanmar. Việt Nam chỉ chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong số lao động nhập cư tại Malaysia là 3,5%. Các thị trường còn lại như Thái Lan và Singapore gần như tỉ lệ lao động nhập cư từ Việt Nam là rất nhỏ, không đáng kể hoặc có thể không có. Có sự chênh lệch về tỉ trọng của lao động Việt Nam so với lao động nước khác là do các nước ASEAN không là những lựa chọn ưu tiên hàng đầu của lao động Việt Nam do sự chênh lệch về tiền lương, điều kiện làm việc và cung cầu của thị trường lao động giữa các nước ASEAN với các nước Đông Á, các nước Ả Rập vùng vịnh hay Châu Âu và Bắc Mỹ.
Biều đồ 2.2 – Tiền lương bình quân hàng tháng của các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với số liệu so sánh được, năm 2013
Trong khu vực ASEAN, trong các điểm đến của lao động di cư, Singapore có mức tiền lương bình quân hàng tháng cao hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 3694 USD/ tháng, là thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN. Tuy vậy đi kèm với mức lương cao, yêu cầu dành cho lao động di cư đến Singapore rất khắt khe, Singapore áp dụng các chính sách thu hút nhân tài nhưng đồng thời sử dụng các biện pháp hạn chế lao động kỹ năng thấp. Chính vì vậy, tỉ lệ lao động Việt nam di chuyển đến Singapore là rất nhỏ do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Khi thị trường lao động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được mở cửa tự do, mong rằng những lao động có kỹ năng của Việt Nam sẽ có điều kiện được tiếp cận với các cơ hội việc làm tại Singapore nhiều hơn nữa.
Thị trường Malaysia có tỉ lệ lao động Việt Nam di cư đến cao hơn tại Singapore với tỉ lệ là 3,5%. Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002. Đến nay, đã có trên 200.000 lượt lao động sang làm việc tại 12/13 bang của Malaysia, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình. Lao động đến từ Việt Nam đều là lao động có kỹ năng thấp, trình độ chuyên môn không cao, thời hạn làm việc ngắn, mức lương từ 8 – 10 triệu/ tháng. Các lao động có kỹ năng được đào tạo đại học, thông thạo ngoại ngữ của Việt Nam thường ít di chuyển đến làm việc tại Malaysia, một phần do chính sách nhập cư của Malaysia, một phần do mức lương tại Malaysia kém hấp dẫn so với các thị trường khác như Mỹ, Châu Âu.
Biểu đồ 2.3 –Tỉ lệ tổng số lao động di cư nội khối ASEAN, 2006 – 2012 (% của tổng số)
Tỉ lệ lao động Việt Nam di cư nội khối ASEAN trong những năm gần đây đã giảm mạnh do sự hấp dẫn từ các thị trường lao động khác như Đông Á, các nước Ả rập vùng vịnh hay Châu Âu, Bắc Mỹ. Việc tạo ra một thị trường lao động tự trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể sẽ thay đổi tình hình di chuyển nhưng lực đẩy từ thị trường vẫn chưa đủ để có thể tạo ra một cú huých làm thay đổi dòng di chuyển.