Khái niệm và đặc điểm

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính công (Trang 28 - 29)

CHƯƠNG 3: HỆ THỐNG THUẾ NHÀ NƯỚC

3.1.1.Khái niệm và đặc điểm

a) Khái niệm

Dưới chế độ công sản nguyên thủy, con người sống chung, làm chung, ăn chung với nhau, mọi người đều bình đẳng với nhau, không có ai cai trị ai, cho nên mọi thành viên trong xã hội lúc bấy giờ đều không có trách nhiệm đóng góp cho ai một cái gì cả.

Cùng với sự phát triển của xã hội, giai cấp hình thành và Nhà nước ra đời. Nhà nước ra đời, kèm theo nó là bộ máy quản lý để thực hiện quyền lực của mình. Bộ máy quản lý này không tự tạo ra nguồn vật chất để tự nuôi sống mình mà chúng sống dựa vào sự đóng góp của toàn thể dân chúng. Bằng quyền lực của mình, Nhà nước bắt buộc dân chúng phải nộp một phần tài sản của mình cho Nhà nước như là một nghĩa vụ, đó chính là thuế.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, công bằng xã hội được đặt ra như là một nhu cầu cấp thiết đòi hỏi Nhà nước phải đặc biệt quan tâm. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải hướng sự hoạt động của mình vào sự phát triển toàn diện của dân chúng, quan tâm sấu sắc đến những người có thu nhập thấp . .

Để thực hiện được điều này, bằng các chính sách thuế Nhà nước đã thực hiện việc điều tiết một phần thu nhập của những người có thu nhập cao thông qua các sắc thuế trực thu như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và một số loại thuế gián thu khác để chi cho một số mục tiêu xã hội. Ở đây thuế phải đảm bảo không hạn chế ý chí làm giàu của các cá nhân trong xã hội, đồng thời phải tăng được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn giữ được tính nhân đạo của thuế.

Thuế là khoản đóng góp mang tính bắt buộc mà nhà nước qui định thành luật để mọi tổ chức kinh tế và người dân phải nộp cho nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước

b) Đặc điểm

- Thứ nhất: Thuế là một biện pháp tài chính của Nhà nước mang tính quyền lực, tính cưỡng chế, tính pháp lý cao nhưng sự bắt buộc này là phi hình sự.

Quá trình động viên nguồn thu từ thuế của Nhà nước là quá trình chuyển đổi quyền sở hữu một bộ phận thu nhập của các pháp nhân và thể nhân thành quyền sở hữu của Nhà nước. Do đó Nhà nước phải dùng quyền lực để thực hiện quyền chuyển đổi. Tính quyền lực tạo nên sự bắt buộc là một tất yếu khách quan, nhưng vì các hoạt động thu nhập của thể nhân và pháp nhân không gây cản trở cho xã hội nên tính bắt buộc này là phi hình sự. Vì vậy có thể nói việc đánh thuế không mang tính hình phạt.

Đặc điểm này được thể chế hoá trong hiến pháp của mọi quốc gia, việc đóng góp thuế cho nhà nước được coi là một trong những nghĩa vụ bắt buộc đối với công dân. Mọi công dân làm nghiã vụ đóng thuế theo những luật thuế được cơ quan quyền lực tối cao quy định và nếu không thi hành sẽ bị cưỡng chế theo những hình thức nhất định.

Trang 29

- Thứ hai: Thuế tuy là biện pháp tài chính của Nhà nước mang tính bắt buộc, song sự bắt buộc đó luôn luôn được xác lập trên nền tảng kinh tế-xã hội của người làm nhiệm vụ đóng thuế, do đó thuế bao giờ cũng chứa đựng các yếu tố kinh tế xã hội.

+ Yếu tố kinh tế thể hiện : Hệ thống thuế trước hết phải kể đến thu nhập bình quân đầu người của một Quốc gia, cơ cấu kinh tế, thực tiễn vận động của cơ cấu kinh tế đó, cũng như chính sách, cơ chế quản lý của Nhà nước. Cùng với yếu tố đó còn phải kể đến phạm vi, mức độ chi tiêu của Nhà nước nhằm thực hiện các chức năng kinh tế của mình.

+ Yếu tố xã hội thể hiện : Hệ thống thuế phải dựa trên phong tục, tập quán của quốc gia, kết cấu giai cấp cũng như đời sống thực tế của các thành viên trong từng giai đoạn lịch sử. Mặt khác thuế còn thực hiện phân phối lại thu nhập xã hội đảm bảo công bằng xã hội.

Như vậy mức động viên qua thuế trong GDP của một quốc gia phụ thuộc vào nhu cầu chi tiêu của Nhà nước và các vấn đề kinh tế, xã hội của quốc gia đó.

- Thứ ba: Thuế là một khoản đóng góp không mang tính chất hoàn trả trực tiếp. Nghiã là khoản đóng góp của công dân bằng hình thức thuế không đòi hỏi phải hoàn trả đúng bằng số lượng và khoản thu mà nhà nước thu từ công dân đó như là một khoản vay mượn. Nó sẽ được hoàn trả lại cho người nộp thuế thông qua cơ chế đầu tư của Ngân sách nhà nước cho việc sản xuất và cung cấp hàng hoá công cộng.

Đặc điểm này làm nổi rõ sự khác nhau giữa thuế và lệ phí. Lệ phí được coi là một khoản đối giá giữa Nhà nước với công dân, khi công dân thừa hưởng những dịch vụ công cộng do nhà nước cung cấp phải trả một phần thu nhập của mình cho nhà nước. Tuy nhiên việc trao đổi này thường không tuân thủ theo hình thức trao đổi ngang giá dựa trên quy luật của thị trường.

Tóm lại, Thuế là một biện pháp kinh tế của mọi Nhà nước, nó được thực thi khi hoạt động kinh tế tạo ra thu nhập hoặc sử dụng nguồn thu nhập tạo ra. Đặc biệt, trong nền kinh tế thị trường vai trò của Nhà nước ngày càng trở nên quan trọng thì vai trò của thuế cũng chiếm vị trí không thể thiếu được trong công tác quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Bài giảng Tài chính công (Trang 28 - 29)