Hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001 (EM.14000)

Một phần của tài liệu Vấn đề đạo đức kinh doanh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 59)

Cộng đồng xã hội luôn mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động có đạo đức và thực hiện trách nhiệm xã hội. Trong đó phải kể đến việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh. Vì vậy các doanh nghiệp cần có một hệ thống, tiêu chuẩn về quản lý môi trường để làm kim chỉ nam cho các hoạt động của họ. Và thực hiện tiêu chuẩn về quản lý môi trường ISO 14001 chính là giải pháp cần thiết cho các doanh nghiệp.

ISO 14000 là bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường do tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành nhằm giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tác động gây tổn hại tới môi trường và thường xuyên cải tiến kết quả hoạt động về môi trường. Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 gồm các tiêu chuẩn liên quan các khía cạnh về quản lý môi

trường như hệ thống quản lý môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, nhãn sinh thái, xác định và kiểm kê khí nhà kính…

ISO 14001:2004 - Hệ thống quản lý môi trường -Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng là tiêu chuẩn trong bộ ISO 14000 quy định các yêu cầu về quản lý các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Đây là tiêu chuẩn dùng để xây dựng và chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000.

ISO 14001 quy định yêu cầu đối với thiết lập một hệ thống để quản lý các vấn đề về môi trường của tổ chức, doanh nghiệp nhưng cho phép linh hoạt cách thức đáp ứng, vì vậy các loại hình doanh nghiệp khác nhau, từ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn đa quốc gia đều có thể tìm được cách thức riêng trong việc xác định mục tiêu môi trường cần cải tiến và kế hoạch cần thực hiện để để đáp ứng các yêu cầu của hệ thống quản lý môi trường.

Khi áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 thống nhất trong toàn doanh nghiệp, công tác bảo vệ môi trường sẽ trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Giúp các doanh nghiệp có động lực cố gắng tiết kiệm tối đa lượng nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng, giảm thiểu lượng chất thải và xử lý chất thải theo đúng quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Không những thế, còn giúp doanh nghiệp xác định và quản lý các vấn đề môi trường một cách toàn diện, chủ động kiểm soát để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về môi trường và phòng ngừa rủi ro, tổn thất từ các sự cố về môi trường. Điều quan trọng hơn, khi áp dụng hệ thống quản lý môi trường sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh đối với người tiêu dùng và cộng đồng, khiến cho các đối tượng hữu quan công nhận doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức và trách nhiệm đối với xã hội, điều đó tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn yêu cầu hoặc ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001.

Hệ thống tiêu chuẩn ISO 14001 tuy đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt hơn việc bảo vệ môi trường nói riêng và đạo đức

kinh doanh, trách nhiệm xã hội nói chung nhưng trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, nhóm nhận thấy áp dụng ISO 14001 cho các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một số khó khăn và nhóm cũng đưa ra một số giải pháp giúp cải thiện những khó khăn đó.

Thứ nhất là thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Mặc dù có sự quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường nhưng cho tới nay Nhà nước và các cơ quan quản lý vẫn chưa có chính sách gì cụ thể để hỗ trợ các tổ chức/doanh nghiệp trong việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường (HTQLMT) theo tiêu chuẩn ISO 14001. Việc áp dụng ISO 14001 của doanh nghiệp hiện nay chịu áp lực chủ yếu là từ phía khách hàng và các đối tác. Như vậy xuất hiện tình trạng nếu không thật sự cần thiết (không có yêu cầu của khách hàng, để ký kết hợp đồng, thâm nhập thị trường nước ngoài…) thì sẽ có những tổ chức sẽ không áp dụng ISO 14001. Việc áp dụng ISO 14001 mặc dù đem lại những lợi ích như đã trình bày ở trên nhưng kéo theo nó là những khoản đầu tư nhất định, bởi vậy nếu không có chính sách hỗ trợ và khuyến khích của Nhà nước thì sẽ không đủ động lực cho các doanh nghiệp thực hiện HTQLMT.

Để giải quyết được vấn đề này, Nhà nước cần đưa ra các chính sách và biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng HTQLMT. Ví dụ như có sự công nhận, khen thưởng các doanh nghiệp hay hỗ trợ phần nào vốn đầu tư cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp thực hiện áp dụng HTQLMT.

Thứ hai, các doanh nghiệp còn chưa đưa chính sách môi trường vào chính sách phát triển chung của doanh nghiệp.

Một trong các yêu cầu đầu tiên của tiêu chuẩn ISO 14001 khi tổ chức xây dựng HTQLMT là thiết lập, xác định và chỉ ra định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình cung cấp dịch vụ và sản xuất kinh doanh (thuật ngữ tiêu chuẩn là xác định chính sách môi trường). Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu kém trong việc hoạch định đường hướng phát triển và tầm nhìn dài hạn. Điều này ảnh hưởng tới khả năng và động lực phát triển của doanh nghiệp. Trong khi định hướng phát triển còn chưa rõ ràng thì chính sách về môi trường của tổ chức

còn mờ nhạt hơn nữa. Việc thiết lập chính sách bảo vệ môi trường còn mang tính hình thức, thậm chí nhiều cán bộ trong tổ chức cũng chưa biết, chưa hiểu chính sách môi trường của tổ chức mình. Điều đó đã gây hạn chế trong việc phát huy sự tham gia của mọi người trong tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường.

Bởi vậy, điều đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là xác định rõ mục tiêu và phương hướng hành động cho doanh nghiệp mình trong dài hạn. Sau đó đưa chính sách bảo vệ môi trường vào chính sách phát triển chung của doanh nghiệp như một bộ phận quan trọng. Chính sách bảo vệ môi trường cần được xây dựng rõ ràng, có mục tiêu và chỉ dẫn cách thức hành động đối với từng bộ phận trong doanh nghiệp, nhất là đối với bộ phận có nhiều hoạt động xả thải ra môi trường. Khi đã xây dựng được chính sách bảo vệ môi trường gắn liền với chính sách phát triển của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ nhân viên làm việc trong doanh nghiệp, để họ nhận thức rõ được những nhiệm vụ cần làm và gắn kết với nhau cùng thực hiện mục tiêu chung.

Thứ ba, hiệu quả công tác đánh giá nội bộ của doanh nghiệp chưa cao

Đánh giá nội bộ là một hoạt động bắt buộc và cần được triển khai định kỳ nhằm xác định hiệu quả cũng như tìm ra các cơ hội để cải tiến nâng cao hiệu quả của HTQLMT, bởi vậy cuộc đánh giá này rất quan trọng. Tuy nhiên việc triển khai đánh giá nội bộ cũng là một trong các điểm yếu đối với nhiều tổ chức. Họ thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn đánh giá viên đủ năng lực, trình độ. Quá trình đánh giá nhiều khi vẫn mang tính hình thức, bởi vậy các phát hiện đánh giá đôi khi chưa mang lại giá trị thực sự cho việc cải tiến môi trường cho tổ chức. Điều này cũng một phần do sự quan tâm của lãnh đạo chưa thực sự đầy đủ và sâu sát.

Để cải thiện tình trạng này, trước hết lãnh đạo của doanh nghiệp cần hiểu rõ về HTQLMT để có thể quan tâm nhiều hơn đến việc triển khai thực hiện cũng như đánh giá được tiến trình thực hiện. Khi nhà lãnh đạo đã hiểu và xác định rõ cách thức hành động sẽ giúp chỉ đạo công tác đánh giá nội bộ tốt hơn, đồng nghĩa với việc nâng cao được hiệu quả của HTQLMT. Ngoài ra, người lãnh đạo cũng cần lựa chọn được đánh giá viên đủ trình độ, năng lực và hiểu biết về tổ chức cũng như

HTQLMT tổ chức hướng đến để đánh giá nội bộ một cách khách quan và hiệu quả. Đi đôi với lựa chọn đánh giá viên đủ trình độ là việc xây dựng được quy trình đánh giá chi tiết, thực tế để có thể phát hiện ra những vấn đề còn tồn tại và nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường.

Một phần của tài liệu Vấn đề đạo đức kinh doanh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 59)