Thực trạng gây ô nhiễm môi trường của công ty xi măng Luks

Một phần của tài liệu Vấn đề đạo đức kinh doanh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 47)

Trong đợt kiểm tra theo quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 2/3/2011 của UBND tỉnh về việc bảo vệ môi trường đối với công ty TNHH xi măng Luks Việt Nam, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh thừa thiên huế đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm của công ty này về vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

Đoàn kiểm tra đã chỉ ra những tồn tại, thiếu sót về xử lý bụi, tiếng ồn, nước thải công nghiệp, chất thải nguy hại và công tác vệ sinh an toàn lao động... xảy ra trong thời gian qua. Đối với dây chuyền sản xuất số 3, nhà máy không thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt và các yêu cầu khác trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, cụ thể: Thay lọc bụi tĩnh điện bằng lọc bụi tay áo, chưa được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; vi phạm Điều 2, khoản 7 của quyết định số 1067/QĐ- BTNMT ngày 17/7/2007 của bộ trưởng Bộ TN&MT; đối với dây chuyền sản xuất số 4, cơ sở không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã tiến hành xây dựng hoặc đưa công trình vào hoạt động đối với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vi phạm khoản 3, điều 9 Nghị định số 81/2006 /NĐ- CP; nhà máy không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại đối với trường hợp phải lập hồ sơ đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Vi phạm khoản 4, điều 15 Nghị định số 81/2006 /NĐ- CP; thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn môi trường cho phép vào môi trường dưới 2 lần... Và cụ thể, hệ thống xử lý tiếng ồn dây chuyền số 4 của nhà máy, từ 21h đến 6h sáng hôm sau, tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Dây chuyền công nghệ có nhiều đoạn bị hở khiến lượng lớn bụi phát tán ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe dân cư sống xung quanh nhà máy , trong khi nhà máy chưa có phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường. Nước thải công nghiệp chưa đạt yêu cầu về vi sinh (cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép) cũng được xả ra môi trường.

Ngoài ra, các công trình xử lý nước thải, xử lý bụi và khí thải đều xây dựng sai thiết kế kỹ thuật, đồng thời tự ý đưa vào sử dụng khi chưa được các cơ quan chuyên môn thẩm định, đồng ý. Công ty còn chuyển giao chất thải nguy hại cho

nhiều tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện quản lý, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại theo quy định.

Công nhân công ty phải làm việc trong môi trường có hàm lượng bụi và tiếng ồn vượt quy định cho phép khá cao, trong khi họ không được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại. Công ty cũng chưa lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho công nhân để hưởng các chế độ, chưa được cấp thẻ an toàn lao động theo quy định cho 780 lao động.

Trước thực trạng trên, năm 2009 - 2010 người dân đã có chín lần yêu cầu đền bù, hỗ trợ thiệt hại hoa màu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng. Những yêu cầu trên chưa được thực hiện nên nhiều lần người dân đã kéo đến chặn xe, bao vây nhà máy để phản đối việc công ty xả bụi, tiếng ồn gây ô nhiễm nghiêm trọng.

2.2.3.3. Nguyên nhân

Công ty xi măng Luks hoạt động tại thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà) với 4 dây chuyền sản xuất xi măng, công suất thiết kế 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm, đã sử dụng công nghệ lò quay của Trung Quốc thuộc nhóm công nghệ trung bình và khá lạc hậu.

Thực tế kiểm chứng, loại công nghệ lò quay công suất 1 triệu tấn/năm của Trung Quốc có suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng nhiều hơn hẳn so với của Châu Âu.

Từ cuối năm 2005, công ty mở rộng quy mô nâng công suất từ 750 nghìn tấn lên 1,2 triệu tấn/năm, rồi 1,4 triệu tấn/năm với 4 dây chuyền hoạt động ngày đêm. Chính việc đầu tư mở rộng ồ ạt, không định hướng trước về mặt bằng sản xuất nên các hệ thống xử lý bụi và khí thải của nhà máy xây dựng không đồng bộ, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, công ty Luks đã không thực hiện đúng các quy tắc về bảo vệ môi trường. Theo quyết định số 1067/QĐ-BTNMT, ngày 16/7/2007 của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc “ Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng nhà máy xi măng Luksvaxi với công suất 1.500 tấn clinker/ngày”, sau khi đi vào hoạt động nhà máy xi măng Luksvaxi phải thực hiện các yêu cầu: Phải thu gom, xử lý các loại chất rắn trong quá trình thi công xây dựng và vận hành nhà máy bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh

môi trường; thu gom vận chuyển lưu giữ và xử lý các loại chất thải nguy hại theo quy định; trong quá trình thi công xây dựng và vận hành nhà máy phải đảm bảo xử lý tiếng ồn đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5949-1998; xử lý các loại khí thải và bụi đạt TCVN 5937-2005( tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh)… Tuy nhiên, công ty Lucks luôn làm ngơ với những quy định này để tiết kiệm chi phí xử lý chất thải từ khi đi vào hoạt động. Vì vậy đã gây ra ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân

2.2.3.4. Hậu quả

Bụi xi măng từ nhà máy thường bay phủ đầy cây trồng, các vật dụng trong nhà, gây thiệt hại và bệnh tật (ghẻ ngứa, viêm xoang...) đối với người dân, nhất là với trẻ em.

Thống kê sơ bộ của ngành Y tế cho thấy, do ảnh hưởng bụi từ nhà máy xi măng Luks và mỏ đá vôi Văn Xá, các xã Hương Văn và Hương Vân (Hương Trà), đã có 24.000 người mắc bệnh, trong đó có 4.229 người bị viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản; 15.860 người bị bệnh tai mũi họng; 3.911 người mắc các bệnh về da... Các hộ dân sống xung quanh đã phải phải đào giếng nước trong nhà, đậy kín để tránh bụi. Không chỉ bụi, các hộ dân có nhà gần mỏ đá vôi Văn Xá, xã Hương Văn còn thường xuyên lo sợ khi doanh nghiệp này cho nổ mìn lấy đá. Anh Dương Quốc Chung, ở xóm Lò, Hương Văn nói” có bữa gia đình anh đang ăn cơm trưa thì công ty cho nổ mìn phá đá khiến một hòn đá nặng khoảng 5kg bay ra và rơi xuống làm thủng mái ngói nhà, rất may không thiệt hại về người”.

Theo thống kê của UBND huyện Hương Trà, trong phạm vi 500m đối với nhà máy xi măng Luks có 365 hộ dân và 161,63ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường. Hiện hàng chục hécta đất trồng lạc của người dân trong thôn giờ phải bỏ hoang do bụi xi măng bám vào cây lạc không thể phát triển được và không cho quả và nhiều loại cây cối khác cũng lâm vào tình cảnh như vậy. Đối với mỏ đá vôi Văn Xá, xã Hương Văn nơi khai thác nguyên liệu để sản xuất xi măng cũng trong phạm vi 500m có đến 232 hộ dân và 130,84 ha đất sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng từ việc nổ mìn phá đá.

Một phần của tài liệu Vấn đề đạo đức kinh doanh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(69 trang)
w