Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong
năm 2013 đã tiếp nhận tổng số 194 đơn thư, trong đó có 184 đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai và chủ yếu là tập trung trong việc xác định giá đất, giá trị bồi thường cây trồng vật nuôi, các chính sách về hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất và các chính sách về tái định cư.47 Trong nửa đầu năm 2014, cũng đã tiếp nhận 94 đơn thư khiếu nại tố, tố cáo về đất đai trong đó nội dung chủ yếu cũng tập trung vào các vấn đề trên. Có thể thấy thực trạng khiếu nại tố cáo không phải là nóng nhưng cũng có những tác động nhất định đối với việc thực hiện các chính sách về quy hoạch, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện. Đối với người sử dụng đất khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm hại không còn cách nào khác là họ phải tìm đến các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết, khi ở địa phương không thể giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì họ thường tìm đến cơ quan quản lý nhà nước cấp cao hơn hoặc khởi kiện ra tòa .Trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng có nhiều vấn đề có thể dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo nhưng tập trung chủ yếu là trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thường xuất hiện ở những địa bàn có dự án về phát triển giao thông hoặc thu hồi đất để thực hiện quy hoạch, xây dựng khu, cụm công nghiệp. Ví dụ như trường hợp ông Lê Văn Linh (ngụ tại ấp Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang) kiên quyết không bàn giao đất để giải phóng mặt bằng và làm đơn khiếu nại với Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành về việc xin hỗ trợ thêm xuất đất ở, hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất để cải tạo đất trồng cây hàng năm sang đất trồng cây lâu năm, nâng giá bồi thường hàng rào của hộ gia đình ông so với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quyết định số 2482/QĐ-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án khu công nghiệp Sông Hậu của Ủy ban nhân dân huyện, ông cho rằng mức bồi thường về cây trồng thấp, và yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành có chính sách hỗ trợ thêm đối với hộ của ông do bị thu hồi đất không còn đất ở, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Sau nhiều lần đối thoại giữa hai bên thì Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành đã quyết định tăng thêm mức hỗ trợ đối với hộ ông Linh và phía ông Linh cũng đã thực hiện việc bàn giao mặt bằng. Theo số liệu thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành thì trong khoàng thời gian từ 15-8-2013 đến 15-8-2014 khiếu nại về đất đai mà chủ yếu là trong công tác quy hoạch và giải phóng mặt bằng đã giải quyết được 128 đơn khiếu nại, tố cáo bảo vệ quyền lợi cho hơn 80 người, số tiền bổ sung hơn 2,7 tỷ đồng, giải quyết được 28 nền tái định cư. Tuy nhiên không phải trường hợp khiếu nại, khiếu kiện nào cũng được giải quyết nhanh chóng, nhiều trường hợp người dân trên địa bàn huyện đã phải tìm dến Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang để thực hiện việc khiếu nại. Ví dụ như một đoàn gồm mười hộ dân ở xã Đông Phú, Huyện Châu Thành đến Ủy ban nhân dân tỉnh để khiếu nại yêu cầu chi trả tiền bồi thường trong dự án Khu trung tâm điều hành khu công nghiệp Sông Hậu, hoặc mười hộ dân cư trú ở thị trấn Ngã Sáu đến Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu trả lời về dự án khu tái định cư thị trấn Ngã Sáu đồng thời yêu cầu gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân
47
tỉnh. Ngoài ra một số vụ việc khiếu nại nổi cộm của người dân trong việc xác định giá đất, giá trị bồi thường về cây trồng trên địa bàn xã Đông Phú, Phú Hữu A, cùng một khu vực nhưng giá trị bồi thường về cây trồng của các hộ lại khác nhau hoặc loại đất được ghi trong giấy chứng nhận là đất ở nhưng khi tiến hành bồi thường lại bị áp mức bồi thường theo giá đất nông nghiệp hoặc không đúng với diện tích thực tế khiến người dân bức xúc.
Từ thực tiễn tình hình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo trên địa bàn huyện cũng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế như : về trình độ, năng lực của cán bộ, chưa gắn công tác tiếp dân với việc lấy ý kiến, kiến nghị của người dân, việc thẩm tra xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của cơ quan thanh tra còn chưa đầy đủ, thiếu xót, dẫn đến chưa đánh giá đúng tình trạng, không giải quyết được trọng tâm vấn đề khiếu nại, bức xúc của người dân. Một số vụ việc khiếu nại, khiếu kiện tố cáo đúng của người dân tuy đã có quyết định thi hành nhưng lại chậm thực hiện, thiếu kiểm tra đôn đốc gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích của người dân. Một số dự án khi tiến hành thu hồi đất chỉ tập trung vào việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà chưa tính đến việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi mà không còn đất ở hay đất sản xuất, khiến cho người dân khi chấp hành quyết định thu hồi đất, bàn giao đất cho nhà nước nhưng sau đó lại gặp khó khăn trong việc ổn định cuộc sống hoặc vấn đề về điều kiện sống trong các khu vực tái định cư không đảm bảo dẫn đến những bức xúc của người dân. Bên cạnh đó vấn đề về chính sách thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thiếu đồng bộ, hiện nay Ủy ban nhân dân huyện đang tiến hành rà sót lại các văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các vấn đề chồng chéo về thủ tục, thẩm quyền giải quyết, ngoài ra do điạ bàn huyện phần lớn là vùng nông thôn điều kiện về giao thông còn gặp nhiều khó khăn nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế, người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận để nhận thức và hiểu biết đúng về các chính sách pháp luật về đất đai, dễ bị kích động, lôi kéo, xúi giục khiếu nại, khiếu kiện hoặc không tuân thủ các quyết định, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn huyện.
Từ những tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo nêu trên, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện cũng như chính người dân cần phải tìm ra giải pháp đển hạn chế và khắc phục tình trạng đó. Trước hết là phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng .