6. Tổng quan về các nghiên cứu trước và những điểm mới của đề tài
3.2.2.1. Hoàn thiện, bổ sung các quy định hiện hành liên quan đến thông
tin môi trường
Do tầm quan trọng của các thông tin môi trường cũng như nhu cầu sử dụng môi trường qua kết quả khảo sát, một số nội dung cần hoàn thiện, bổ sung như là :
3.2.2.1.1. Chính sách môi trường
Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm người sử dụng báo cáo tài chính và người kiểm tra báo cáo tài chính đều đồng ý (mong đợi) rằng công ty nên cung cấp các thông tin định tính về môi trường như chính sách môi trường trên báo cáo tài chính. Tuy nhiên, cũng theo kết quả khảo sát cho thấy, người lập báo cáo tài chính không đồng ý với việc cung cấp thông tin chính sách môi trường trên báo cáo tài chính. Nguyên nhân là họ lo ngại cung cấp thông tin môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng đến uy tín công ty, sẽ tốn thêm chi phí cung cấp thông tin.
Đứng trên góc độ người sử dụng thông tin, họ đều mong đợi các thông tin này. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có chuẩn mực kế toán hay quy định nào ở Việt Nam yêu cầu trình bày chính sách môi trường trên báo cáo tài chính. Trong thực tế, chính sách môi trường tác động đáng kể đến tình hình tài chính và kết quả tài chính của của công ty trong hiện tại cũng như tương lai, thông tin về chính sách môi trường của công ty trên báo cáo tài chính không những giúp người đọc báo cáo đánh giá được ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường của công ty mà còn giúp
người đọc báo cáo tài chính hình dung được cách công ty nhìn nhận và ứng phó với các rủi ro trong tương lai vì vấn đề môi trường đôi khi chứa đựng những rủi ro rất lớn ảnh hưởng đến uy tín và kết quả kinh doanh của công ty.
Tóm lại, do việc cung cấp thông tin chính sách môi trường trên báo cáo tài chính là cần thiết, nên cần có quy định nhằm buộc đối tượng lập báo cáo tài chính công bố các thông tin về chính sách môi trường trên báo cáo tài chính.
Các thông tin chính sách môi trường trên báo cáo tài chính cần công bố có thể dựa theo Hướng dẫn kế toán và báo cáo chi phí và nợ phải trả môi trường của Hội nghị liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD, 2002) gồm những nội dung sau:
Bất kỳ chính sách kế toán cụ thể liên quan đến chi phí và nợ phải trả môi trường cần được công bố để giúp người sử dụng thông tin có cái nhìn tổng quan về tác động tài chính của hoạt động môi trường hiện tại và tương lai của doanh nghiệp, các thông tin sau cần được công bố:
- Mô tả các loại vấn đề môi trường có thể xuất hiện cho một công ty hoặc ngành công nghiệp. Chính sách môi trường chính thức đã được thông qua, nếu không có chính sách nào được thông qua cũng cần công bố.
- Những cải tiến chính đã được thực hiện kể từ khi công bố chính sách, hoặc trong vòng năm năm qua, tùy vào khoản thời gian nào ngắn hơn.
- Mức độ thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật của Chính phủ, và mức độ yêu cầu của Chính phủ.
3.2.2.1.2. Chi phí môi trường
Chi phí môi trường bao gồm các chi phí doanh nghiệp tự nguyện hoặc bắt buộc chi ra để quản lý tác động môi trường từ hoạt động của doanh nghiệp do ý thức trách nhiệm với môi trường, cũng như các chi phí khác phát sinh để thực hiện mục tiêu và yêu cầu môi trường của doanh nghiệp.
Như đã đề cập ở Chương 1 theo hướng dẫn của IFAC (2005), có 5 loại chi phí môi trường bao gồm:
- Loại 2: Chi phí xử lý và kiểm soát chất thải: bao gồm các chi phí xử lý chất thải, loại bỏ phế thải, làm sạch, phục hồi khu vực bị ô nhiễm và các chi phí nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định môi trường. Chi phí này không phải chi phí liên quan đến hoạt động phòng ngừa và quản lý môi trường tại doanh nghiệp.
- Loại 3: Chi phí phòng ngừa và quản lý môi trường: các khoản chi ngăn chặn phát sinh chất thải, khí thải ví dụ như chi đầu tư lắp đặt công nghệ làm sạch, mức phụ cấp trách nhiệm cho bộ phận sản xuất để tăng ý thức về môi trường… và khoản chi phục vụ công tác quản lý môi trường tại doanh nghiệp như dịch vụ tư vấn môi trường, đào tạo nhân viên, xây dựng bộ máy quản trị môi trường…
- Loại 4: Chi phí nghiên cứu và phát triển về môi trường: khoản chi cho hoạt động nghiên cứu xây dựng ý tưởng, giải pháp mới để cải thiện phương pháp quản lý môi trường.
- Loại 5: Chi phí môi trường vô hình.
Căn cứ vào bản chất chi phí môi trường, căn cứ vào mục tiêu cần đạt được, có thể thấy rằng: các chi phí thuộc loại Loại 1 là các chi phí không tạo thành sản phẩm, hay chi phí tạo ra phế thải là những chi phí làm gia tăng ô nhiễm môi trường, không phải “chi phí tự nguyện hoặc bắt buộc chi ra để quản lý tác động môi trường”, do đó không phù hợp với định nghĩa chi phí môi trường nên sẽ được loại ra không trình bày vào phần chi phí môi trường. Bốn loại chi phí còn lại thỏa mãn định nghĩa chi phí môi trường, việc phân loại thành chi phí xử lý, phòng ngừa, nghiên cứu môi trường và chi phí môi trường vô hình thể hiện đầy đủ khía cạnh của chi phí môi trường, nếu trên báo cáo tài chính có thể trình bày đầy đủ các loại chi phí này sẽ cung cấp thông tin toàn diện về tác động của môi trường đến chi phí của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Tuy nhiên muốn trình bày các thông tin thuộc 4 loại chi phí này cần doanh nghiệp tổ chức quản lý theo dõi riêng các khoản chi phí này. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp có áp dụng hệ thống kế toán quản trị môi trường sẽ hỗ trợ tốt trong việc xác định các chi phí môi trường. Trường hợp doanh nghiệp chưa tổ chức hệ thống kế toán quản trị môi trường, vẫn có thể theo dõi được các chi phí môi trường nếu được hướng dẫn cách thức thực hiện, tất nhiên là doanh nghiệp phải bỏ
ra nhiều chi phí hơn để có thể công bố các thông tin chi phí môi trường trên báo cáo tài chính.
Kết quả khảo sát báo cáo tài chính của các công ty niêm yết ở Chương 2 cho thấy, thông tin về chi phí môi trường chỉ gồm các khoản tiền phạt vì vi phạm luật bảo vệ môi trường, khoản tiền đền bù thiệt hại cho các đối tượng do gây ô nhiễm môi trường. Các chi phí này chiếm một phần nhỏ trong số các loại chi phí môi trường, thuộc loại chi phí xử lý và kiểm soát chất thải. Để việc cung cấp thông tin chi phí môi trường đầy đủ hơn doanh nghiệp cần được hướng dẫn và tổ chức quản lý, theo dõi chi phí môi trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần công bố đầy đủ hơn chi phí môi trường trên báo cáo, mà cụ thể là:
- Chi phí xử lý và kiểm soát chất thải: bao gồm các chi phí xử lý chất thải, loại bỏ phế thải, làm sạch, phục hồi khu vực bị ô nhiễm và các chi phí nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định môi trường. Chi phí này không phải chi phí liên quan đến hoạt động phòng ngừa và quản lý môi trường tại doanh nghiệp.
• Chi phí khấu hao của thiết bị xử lý chất thải (nhà máy xử lý, thiết bị xử lý chất thải…)
• Chi phí nguyên vật liệu, năng lượng phục vụ cho việc kiểm soát và xử lý chất thải
• Chi phí lao động của công nhân, quản lý, giám sát phục vụ hoạt động xử lý và kiểm soát chất thải
• Các khoản thuế, phí, nộp phạt do không tuân thủ pháp luật môi trường và chi phí cấp phép phát thải theo nghị định thư Kyoto
• Chi phí bảo hiểm rủi ro môi trường
• Chi phí phục hồi và đền bù thiệt hại trả cho bên thứ ba bị thiệt hại do tác động môi trường của công ty gây ra theo quy định của pháp luật
- Chi phí phòng ngừa và quản lý môi trường: các khoản chi ngăn chặn phát sinh chất thải, khí thải ví dụ như chi đầu tư lắp đặt công nghệ làm sạch, mức phụ cấp trách nhiệm cho bộ phận sản xuất để tăng ý thức về môi trường… và khoản chi phục vụ công tác quản lý môi trường tại doanh nghiệp như dịch vụ tư vấn môi trường, đào tạo nhân viên, xây dựng bộ máy quản trị môi
trường… Chi phí phòng ngừa và quản lý môi trường có thể xếp vào các nhóm sau:
• Chi phí khấu hao
• Chi phí nguyên vật liệu, năng lượng
• Chi phí lao động
• Chi phí dịch vụ mua ngoài
• Chi phí bằng tiền khác.
- Chi phí nghiên cứu và phát triển về môi trường: khoản chi cho hoạt động nghiên cứu xây dựng ý tưởng, giải pháp mới để cải thiện phương pháp quản lý môi trường. Chi phí này có thể xếp vào các nhóm sau:
• Chi phí khấu hao thiết bị nghiên cứu
• Chi phí nguyên vật liệu, năng lượng
• Chi phí lao động
• Chi phí dịch vụ mua ngoài
• Chi phí bằng tiền khác
- Chi phí môi trường vô hình
• Chi phí thực hiện các nghĩa vụ pháp lý trong tương lai, ví dụ các khoản nợ tiềm tàng có thể được ghi nhận do doanh nghiệp dự đoán và ước tính khoản chi ra do sự cố tràn dầu.
3.2.2.1.3. Tài sản môi trường
Tài sản môi trường là những chi phí môi trường thỏa mãn điều kiện ghi nhận tài sản được vốn hóa. Tài sản môi trường gắn với chi phí môi trường, bao gồm:
- Tài sản dùng vào mục đích xử lý và kiểm soát chất thải nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định môi trường, ví dụ nhà máy xử lý nước thải, thiết bị xử lý rác…
- Tài sản dùng vào mục đích phòng ngừa và quản lý môi trường, ví dụ thiết bị đầu tư theo công nghệ mới thân thiện hơn với môi trường.
- Tài sản dùng vào mục đích nghiên cứu phát triển về môi trường, ví dụ phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu đưa ra giải pháp mới để giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện phương pháp quản lý môi trường.
- Tài sản môi trường vô hình ví dụ như các giấy phép phát thải, hay chứng chỉ giảm phát thải có thể giao dịch bán lại trên thị trường theo nghị định thư Kyoto.
- Những nội dung dưới đây cần bổ sung, điều chỉnh:
a. Thông tin tài sản môi trường:
Theo kết quả khảo sát báo cáo tài chính của các công ty niêm yết vào năm 2012 ở Chương 2 cho thấy, đến nay không có bất kỳ báo cáo tài chính nào công bố thông tin về các tài sản môi trường như trên. Thông tin về tài sản môi trường công bố trên báo cáo tài chính được tìm thấy chỉ bao gồm có hai loại thông tin:
- Khoản ký quỹ bảo vệ môi trường
- Các tài sản môi trường đang xây dựng dở dang
Thông tin về tài sản môi trường đang xây dựng dở dang được tìm thấy trên báo cáo tài chính ở phần thuyết minh về công trình dở dang. Hai nội dung nên trên là hợp lý, do vậy, nên yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục trình bày thông tin này, bên cạnh đó, cần bổ sung thông tin về các tài sản đã hoàn thành đang dùng ở doanh nghiệp với mục đích bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thông tin về tài sản môi trường đã hoàn thành được trình bày trên thuyết minh báo cáo tài chính hiện hành (theo biểu mẫu) gồm tài sản cố định hữu hình và vô hình. Trong từng loại, được phân loại theo tính chất, chẳng hạn như tài sản cố định hữu hình gồm Nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải - truyền dẫn, thiết bị - dụng cụ quản lý, vườn cây cao su, tài sản cố định vô hình có quyền sử dụng đất, phần mềm máy tính thì chưa hợp lý. Bởi lẽ, cách trình bày này chưa cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính thông tin về những tài sản đang được sử dụng để bảo vệ môi trường. Muốn cung cấp thông tin này, các tài sản dùng cho mục đích bảo vệ môi trường cần được theo dõi riêng, kế toán cần theo dõi không chỉ giá trị tài sản để trình bày phần tài sản môi trường mà còn cần theo dõi giá trị khấu hao, giá trị nguyên vật liệu, nhân công để vận hành tài sản nhằm trình bày phần chi phí môi trường.
b. Vềđo lường tài sản môi trường sau khi ghi nhận ban đầu, có sự khác biệt
giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc cho phép lựa chọn giữa mô hình giá gốc (Cost model) và mô hình đánh giá lại (Revaluation model). Chuẩn mực kế toán Việt Nam mới chỉ chấp nhận mô hình giá gốc (Cost model). Mô hình đánh giá lại thường sử dụng giá trị hợp lý hay hiện giá. Nhìn chung hệ thống kế toán Việt Nam khá thận trọng với việc sử dụng các giá trị ước tính này để đánh giá tài sản, điều này là do các cơ quan quản lý quan ngại về tính đáng tin cậy của thông tin tính giá do thị trường trao đổi tài sản tại Việt Nam chưa phát triển mạnh.
Từ những phân tích trên cho thấy, phương pháp đo lường các tài sản vẫn nên tuân thủ quy định hiện hành của chuẩn mực kế toán Việt Nam. Chỉ khi nào Việt Nam cho phép sử dụng mô hình đánh giá lại tài sản sau khi ghi nhận ban đầu, khi đó có thể áp dụng quy định này cho các tài sản môi trường tương tự những tài sản khác.
c. Về vấn đề đánh giá tổn thất tài sản. Theo chuẩn mực quốc tế, sau ghi nhận
ban đầu, cần đánh giá tổn thất tài sản. IASB đã ban hành IAS 36 để hướng dẫn vấn đề này, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có chuẩn mực tương ứng. Tương tự như vấn đề định giá sau ghi nhận ban đầu nêu trên, trước mắt, chưa cần xây dựng chuẩn mực Việt Nam tương ứng với IAS 36 để đánh giá tổn thất tài sản môi trường. Về lâu dài, khi nào nước ta hội đủ điều kiện cần thiết, chẳng hạn như có thị trường trao đổi tài sản phát triển mạnh để có căn cứ xác định giá trị hợp lý của tài sản.
Tóm lại, dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế và đặc điểm của Việt Nam, cần công bố các thông tin tài sản môi trường, trong đó cần công bố thông tin cho từng nhóm tài sản gồm có giá trị tài sản kèm theo thuyết minh về mục đích sử dụng của tài sản, hoặc nội dung của khoản ký quỹ, những thỏa thuận công ty phải cam kết khi nhận tài sản tài trợ từ Chính phủ:
- Danh sách các tài sản đã hoàn thành hiện đang dùng cho mục tiêu bảo vệ môi trường:
• Tài sản dùng vào mục đích xử lý và kiểm soát chất thải nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định môi trường, ví dụ nhà máy xử lý nước thải, thiết bị xử lý rác…
• Tài sản dùng vào mục đích phòng ngừa và quản lý môi trường, ví dụ thiết bị đầu tư theo công nghệ mới thân thiện hơn với môi trường.
• Tài sản dùng vào mục đích nghiên cứu phát triển về môi trường, ví dụ phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu đưa ra giải pháp mới để giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện phương pháp quản lý môi trường.
• Tài sản môi trường vô hình ví dụ như các giấy phép phát thải, hay chứng chỉ giảm phát thải có thể giao dịch bán lại trên thị trường theo nghị định thư Kyoto.
- Danh sách tài sản đang xây dựng dở dang dùng cho mục tiêu bảo vệ môi trường.
- Khoản ký quỹ bảo vệ môi trường.