Nhận thức học thuyết tam quyền phân lập ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Học thuyết tam quyền phân lập với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 62)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Nhận thức học thuyết tam quyền phân lập ở Việt Nam

Nhận thức là một quá trình dần dần hoàn thiện trên cơ sở kiểm chứng của thực tiễn lịch sử xã hội, của sự vận động xã hội.

Trong suốt một thời kỳ dài, không ít học giả mác xít coi tư tưởng phân quyền là sản phẩm của quan điểm tư tưởng tư sản, từ đó có xu hướng phủ nhận việc áp dụng tư tưởng phân quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa, mà không thấy học thuyết này như là giá trị nhân loại.

Ở nước ta việc tư tưởng nhà nước pháp quyền nói chung và việc vận dụng nguyên tắc phân quyền trong xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng cũng có những thăng trầm. Nếu Hiến pháp 1946 ngay từ đầu thể hiện khá rõ mô hình nhà nước pháp quyền, thì do những điều kiện lịch sử riêng của Việt nam và lịch sử thế giới thì phải đến những năm 90 của thế kỷ XX thì vấn đề này mới được quay trở lại. Khoảng trống giữa 2 giai đoạn ấy phản ánh những sự khó khăn, sự phức tạp của quá trình nhận thức để đi đến sự quyết chọn quan điểm, đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nhà nước ta sau cách mạng Tháng Tám thành công, người trực tiếp chỉ đạo xây dựng Hiến pháp 1946 đã thể hiện khá rõ ý tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền. Đó là mô hình nhà nước thể hiện được bản chất, nguyên tắc của chủ nghĩa Mác về nhà nước, vừa mang sắc thái dân tộc và đồng thời kế thừa quan niệm nhà nước pháp quyền mà Hồ Chí Minh đã khảo sát từ lịch sử cách mạng tư sản Pháp và Mỹ.

Theo Việt Phương trong “Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về

hai Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, là rất Việt Nam, mang đậm dấu ấn dân tộc và sắc thai phương Đông, đồng thời có vận dụng nhiều kinh nghiệm của Pháp, có một phần của Mỹ về tổ chức nhà nước và các mối quan hệ quyền hạn giữa các bộ phận chính quyền với nhau, đằng sau là kinh nghiệm của Anh, vì Anh đã một thời làm mẫu cho các nền dân chủ phương Tây” [38, tr.68 - 69].

Hồ Chí Minh đã chỉ ra những giá trị của tư tưởng phân quyền đó là sự kiểm tra và giám sát, kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực trong xây dựng nhà nước. Nó đảm bảo việc ngăn chặn nguy cơ tập trung quyền lực nhà nước trong tay một cá nhân, cơ quan hay một lực lượng chính trị - xã hội nào đó như là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lạm quyền, chuyên quyền. Bên cạnh đó, tư tưởng phân quyền còn có khả năng bảo vệ nhân dân khỏi sự tùy tiện, độc đoán, mang tính quan liêu, phiền nhiễu của các cơ quan và công chức trong bộ máy nhà nước, đảm bảo các cơ quan và công chức này luôn luôn chỉ thực hiện tuân theo pháp luật.

Ngày nay, những hạt nhân hợp lý của tư tưởng phân quyền về tổ chức bộ máy nhà nước hiện ngày càng vận dụng nhiều hơn và rõ hơn. Với sự vận dụng ấy, việc tổ chức quyền lực của Nhà nước ta hiện tại đã: “Thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng khi sửa đổi Hiến pháp 1980: tổ chức quyền lực của Nhà nước ta không tuân theo nguyên tắc phân chia quyền lực mà theo nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng có sự phân công phân nhiệm một cách rạch ròi giữa các cơ quan. Quốc hội trong phạm vi quyền hạn của mình, phải thực hiện tốt chức năng lập pháp của mình, để có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường. Chính phủ phải quản lý Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, và cuối cùng Tòa án chỉ tuân theo pháp luật để thực hiện tốt chức năng xét xử của mình và cứ như vậy sẽ tạo ra sự hoạt động đồng bộ của tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước” [19, tr.150].

Trong các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII, VIII, IX, và X, thì việc vận dụng những hạt nhân tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước trong tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước Việt Nam theo hướng dân chủ, tiến bộ, khoa học và nhân đạo ngày càng thể hiện rõ để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cụ thể, điều đó đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng: "Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp" [9, tr.131 - 132].

Theo tinh thần này, mặc dù Đảng và Nhà nước ta không khẳng định sự phân quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước, song vẫn thừa nhận có sự tồn tại của ba quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp trong nhà nước. Các quyền lực này được phân công cho các cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện để chúng có thể độc lập khi thực hiện chức năng, thẩm quyền của mình song chúng lại phải phối kết hợp hoạt động với nhau để đảm bảo sự thống nhất của quyền lực nhà nước.

Như vậy, đối với nhà nước ta thì từ khi ra đời tới nay, tư tưởng tam quyền phân lập dù không được tuyên bố là nguyên tắc cơ bản của cấu tạo quyền lực như các nước phương Tây. Song thực tế tổ chức và hoạt động của nhà nước ta nó đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa những giá trị phù hợp với điều kiện lịch sử và sự vận động của xã hội Việt Nam. Quyền lập pháp được khẳng định là quyền lực tối cao, các ngành quyền lực đều xuất phát từ nó và phụ thuộc vào nó. Ngoài ra, còn tồn tại một cơ chế để kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước mà cụ thể là sự kiểm soát của cơ quan lập pháp và sau đó là của cơ quan kiểm sát đối với hoạt động của các cơ quan hành pháp

và tư pháp. Do vậy, có thể khẳng định trong tổ chức bộ máy nhà nước ta đã thể hiện một số luận điểm của tư tưởng phân quyền. Tuy nhiên, sự kế thừa những giá trị của tư tưởng phân quyền trong các giai đoạn phát triển khác nhau của nhà nước ta không theo một mẫu thống nhất mà có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định. Nhờ sự kế thừa tư tưởng phân quyền mà tổ chức và hoạt động của nhà nước ta đã có bước tiến đáng kể, đáp ứng được yêu cầu xây dựng một nhà nước dân chủ: nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tất cả những điểm giống và khác nhau ấy đều được thể hiện trong Hiến pháp vì Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước, sự phân chia hay phân công quyền lực phải ở tầm Hiến pháp. Vì thế, có thể tìm hiểu cụ thể về sự thể hiện tư tưởng phân quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước ta qua của các Hiến pháp của nó.

Một phần của tài liệu Học thuyết tam quyền phân lập với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)