7. Kết cấu của luận văn
1.2.3. Tư tưởng tam quyền phân lập của Montesquieu
Charles de Seconda Montesquieu (1689 - 1755), sinh ra trong một gia đình quý tộc Pháp, tên tuổi của Montesquieu luôn gắn với tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước. Học thuyết của ông còn được gọi là thuyết “tam quyền phân lập”.
Tư tưởng phân quyền của ông được xây dựng chủ yếu trên cơ sở phân tích cách thức tổ chức bộ máy nhà nước Anh và được thể hiện rõ trong tác phẩm “Bàn về Tinh thần pháp luật” (De L'esprit des Lois), là tác phẩm đồ sộ nhất và cũng là tác phẩm xuất sắc nhất của người tiên phong cho phong trào Khai sáng Pháp Charles Louis Montesquieu. Đây chính là nơi ông thể hiện một cách sâu sắc toàn bộ tư tưởng của mình. Thành tựu to lớn nhất của Bàn về Tinh
thần pháp luật chính là tư tưởng phân chia quyền lực.
Cũng như Locke, Montesquieu đã nhận thấy dưới chế độ phong kiến, người dân không có tự do, bị cai trị một cách chuyên quyền độc đoán vì toàn bộ quyền lực nhà nước nằm trong tay Nhà vua. Do vậy, khởi điểm tư tưởng của ông là phải tìm ra cái thể thức cai trị hay chế độ chính trị có thể giúp
người dân tránh được tai ương, rủi do, bất hạnh do chính quyền chuyên chế độc tài. Với mục đích đó, Montesquieu nhận thấy rằng ở thời ấy, nước Anh là nơi người dân được hưởng nhiều tự do nhất, và sở dĩ như vậy là vì nước đó thực hiện sự phân quyền. Chế độ nước này là chế độ của những sự phân biệt, của những sự phân quyền và của những sự cân đối. Trong chính thể ấy có sự phân biệt rõ ràng: những người này thì làm ra luật pháp, những người khác thì áp dụng luật đó; những người này thì cai trị, những người khác thì xét xử. Không ai có thể tách khỏi chức năng của mình, cũng không ai xen vào chức năng của người khác. Nói cách khác, ở đó tồn tại những thể chế hạn chế quyền lực của Vua, nhờ sức mạnh riêng có của chúng, chúng có khả năng chống cự lại quyền lực của Vua. Chính vì vậy, ông chủ trương phân quyền là để chính quyền không thể gây hại cho người bị trị.
Ngay từ dòng đầu tiên của của Bàn về Tinh thần pháp luật (De L'esprit
des Lois), Montesquieu đã khẳng định: "Trong mỗi quốc gia đều có ba thứ
quyền lực: quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều trong luật dân sự.
Với quyền lực thứ nhất, Nhà vua hay pháp quan làm ra các thứ luật cho một thời gian hay vĩnh viễn, và huỷ bỏ hay sửa đổi các luật này.
Với quyền lực thứ hai, Nhà vua quyết định việc hoà hay chiến, gửi đại sứ đi các nước, thiết lập an ninh, đề phòng xâm lược.
Với quyền lực thứ ba, Nhà vua hay pháp quan trừng trị tội phạm, phân xử tranh chấp giữa các cá nhân. Người ta sẽ gọi đây là quyền tư pháp, vì trên kia là quyền hành pháp quốc gia" [5, tr.105].
Có thể nhận điểm khác biệt trong tư tưởng phân quyền của Montesquieu so với Locke, trước hết là ở chỗ đã tách quyền lực xét xử - quyền tư pháp ra độc lập với các thứ quyền lực khác.
Theo Montesquieu, một nhà nước tự do hoàn hảo là một nhà nước mà ba thứ quyền lực này được phân chia và được đặt vào tay những cá nhân, tổ chức khác nhau: "Tự do chính trị... chỉ có được khi không có sự lạm dụng quyền lực. Nhưng kinh nghiệm muôn đời chỉ ra cho chúng ta rằng bất kỳ ai khi được trao quyền lực là sẽ có khuynh hướng lạm dụng quyền lực ấy, và sẽ tăng quyền lực của anh ta lên đến hết mức... Để ngăn chặm sự lạm dụng này, điều cần thiết rất tự nhiên là quyền lực phải được ngăn cản (kiềm chế) bởi quyền lực"[33, tr.75].
Nguyên nhân của sự phân quyền của Montesquieu so với nguyên nhân do Locke đưa ra về cơ bản là giống nhau, bởi đều xuất phát từ luận đề: người nắm quyền luôn có xu hướng lạm quyền, nên muốn chống sự lạm quyền đó để bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân thì phải tổ chức và phân chia quyền lực sao cho đảm bảo "Quyền lực ngăn cản quyền lực".
Ông viết: "Khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một viện nguyên lão, thì sẽ không còn gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hay viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán đối với quyền sống và quyền tự do của công dân, quan toà sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì ông quan toà sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết" [33, tr.106].
Cũng giống như Locke, Montesquieu đặc biệt chú trọng tới cơ quan lập pháp, dù ông hoàn toàn không thừa nhận rằng đây là cơ quan quan trọng nhất, có khả năng uỷ thác quyền lực để hình thành nên các cơ quan khác như trong học thuyết của Locke.
Theo ông, trong một nước tự do thì mọi người dân cũng được tự do, và do đó họ có quyền tự quản, bởi vậy, dân chúng phải nắm quyền lập pháp. Nhưng nếu mọi người dân đều tham gia vào công việc lập pháp, như trong Hội nghị công dân ở các nhà nước dân chủ thời cổ đại thì hoàn toàn không thích hợp, vì họ thường đòi hỏi thực hiện những việc mà bản thân họ và cộng đồng không đủ sức làm... Bởi vậy, tốt nhất dân chúng chỉ nên tham gia vào công việc của nhà nước bằng cách bầu chọn đại biểu của mình. Và cơ quan đại biểu dân chúng cũng không nên giải quyết các công việc cụ thể, vì họ không thể làm tốt điều này, họ chỉ nên làm ra luật, và xem xét người ta thực thi những luật này ra sao.
Về tổ chức của cơ quan lập pháp - cơ quan đại biểu nhân dân, Montesquieu cho rằng nó nên gồm hai viện: Viện quý tộc và Viện thứ dân.
Nguyên nhân của việc cần có hai nghị viện riêng biệt, theo ông là do trong xã hội có những người mà dòng giống, của cải hoặc danh vọng của họ nổi bật lên trên những người khác, nên nếu trong cuộc bầu cử họ chỉ có được một phiếu bầu như các công dân khác thì sự tự do chung là xiềng xích nô lệ đối với họ, bởi phần lớn các quyết nghị chung sẽ chống lại họ. Bởi vậy, những người này cần phải có một cơ quan đại diện riêng bên cạnh cơ quan đại diện dân chúng, để bảo vệ quan điểm và lợi ích của mình. Ngoài ra, theo ông, quyền lập pháp cần phải có một uy lực điều chỉnh, để dung hoà, nên cơ quan lập pháp gồm hai viện riêng biệt là một cơ chế thật thích hợp để phát huy sự dung hoà này.
Quan điểm này là một hạn chế của Montesquieu, bởi chính bản thân ông cũng là một Nam tước - Nam tước De La Brède. Nhưng cách thức hoạt động của các Viện này được ông đưa ra lại là sự tiến bộ rất rõ ràng.
Theo ông, cơ quan đại diện quý tộc có thể đình chỉ dự định của cơ quan đại diện dân chúng, cũng như cơ quan đại diện dân chúng có thể ngăn cản các
quyết định từ cơ quan đại diện các nhà quý tộc. Montesquieu chia quyền lập pháp ra làm hai chức năng: chức năng quy định và chức năng ngăn cản. Trong đó, "Chức năng quy định là quyền tự mình ra lệnh, hoặc tự mình sửa lại điều mà người khác ra lệnh"; còn "Chức năng ngăn cản là quyền làm cho quyết định của người khác trở thành vô hiệu" [5, tr.113]. Theo ông, Viện quý tộc chỉ được tham gia vào công việc lập pháp với chức năng ngăn cản, tức là chỉ có quyền phủ quyết hoặc chuẩn y các quyết định của Viện thứ dân mà không được sửa đổi quyết định đó, hoặc đưa ra một quyết định khác. Nguyên nhân của việc này, theo ông là do Viện quý tộc có hình thức cha truyền con nối, mà lại được lập nên để bảo vệ đặc quyền của một nhóm người, nên có thể nó sẽ chỉ biết đến lợi ích riêng tư của mình mà quên đi lợi ích chung của cả cộng đồng.
Về hoạt động của các đại biểu dân chúng trong cơ quan lập pháp, theo Montesquieu, các đại biểu này là người đã nhận được ý kiến chung của những người bầu ra họ, là đại diện cho ý chí của các cử tri, nên không nhất thiết mọi việc đều phải hỏi ý kiến dân chúng. Ông cho rằng như thế mới đảm bảo được quyền tự do và dân chủ của nhân dân, nhưng như vậy thì công việc sẽ kéo dài vô tận, và trong những trường hợp cấp bách thì lối làm việc này sẽ làm ngưng trệ cả quốc gia, hay thậm chí là huỷ diệt nó. Và ông đưa ra cách làm mà ông cho là hợp lý như ở Quốc hội Hà Lan, khi các đại biểu chỉ phải báo cáo lại công việc với các cử tri.
Về cách thức bầu cử cơ quan lập pháp, Montesquieu cho rằng người dân biết rõ nhu cầu của thành phố mình hơn là của các thành phố khác, hiểu năng lực của người láng giềng mình hơn là láng giềng của người khác, nên dân chúng ở mỗi địa phương phải được chọn ra một người đại biểu, chứ không nên tiến hành bầu cử chung trong cả nước.
Về tinh thần của người lập pháp, được ông được khẳng định lại bởi một chính khách Pháp về sau là Abel Francois Villemain thì: "Luật phải thật vô
tư, không thiên vị. Chính người lập pháp phải vô tư để không ghi tham vọng của mình vào tác phẩm luật" [5, tr.228]. Và Montesquieu nhấn mạnh lại quan điểm chính phủ phải "trung dung" của Aristote trong quyển 1, sách Politics: "…một Chính phủ càng xa đảng phái và càng gắn với phương sách trung dung thì càng được vững vàng. Nhiều nhà lập pháp trong Chính thể quý tộc đã cho người giàu quá nhiều và rút bớt của người nghèo cũng quá nhiều. Lầm lẫn đưa tới cái xấu xa thực sự; ưu thế của nhà giàu đánh đổ Chính phủ nhiều hơn là ưu thế của người nghèo, của muôn dân" [5, tr.228]. Có thể nhận thấy đây là một quan điểm rất tiến bộ của Montesquieu, nhưng tiếc là ông lại không chỉ ra làm sao để có được sự "vô tư" và "trung dung" ấy, nên ta chỉ có thể phỏng đoán dựa trên tư tưởng của ông rằng, theo ông, cái mà một nhà lập pháp khôn ngoan cần có chính là "đức hạnh"và trí thông minh.
Về quyền hành pháp, Montesquieu cho rằng nó phải nằm trong tay một vị vua chúa, bởi bản thân quyền hành pháp luôn cần đến những hành động tức khắc, kịp thời, mà nếu phải qua một cuộc họp bàn thì quyết định đưa ra thường đã muộn hơn yêu cầu thực tế. Ông cũng khẳng định cần phải có một vị Vua, bởi Vua nắm quyền bằng con đường thế tập chứ không phải do được bầu chọn ra; nếu cá nhân hành pháp lại được Nghị viện bầu ra thì đó thường là người trong Nghị viện, và như thế thì sẽ chẳng còn tự do nữa, bởi hai quyền lập pháp và hành pháp đã nhập lại với nhau, con người hành pháp ấy có thể nhúng tay vào cả quyền này lẫn quyền kia. Như đã nói ở trên, theo Montesquieu, Nhà vua có quyền triệu tập và triển hạn Nghị viện, tuỳ theo hoàn cảnh mà Vua thấy thích hợp.
Còn về quyền ngăn cản giữa hai cơ quan này thì sao? Theo Montesquieu, cơ quan lập pháp không có quyền ngăn cản cơ quan hành pháp, do hành pháp có những đặc điểm riêng của nó, mà ở đây có thể hiểu là ông muốn nói đến "đặc quyền hành động" của cơ quan hành pháp, như theo quan
điểm của Locke. Nhưng cơ quan hành pháp phải có quyền ngăn cản cơ quan lập pháp, bởi nếu không cơ quan lập pháp sẽ trở thành chuyên chế, sẽ tạo ra những đạo luật để tự ban cho mình mọi thứ quyền hành, và xoá bỏ các quyền lực khác. Ông khẳng định: "Quyền lực hành pháp phải vận dụng chức năng ngăn cản để tham gia việc lập pháp, nếu không nó sẽ bị tước mất ưu quyền. Nhưng trái lại, nếu quyền lực lập pháp tham gia vào việc hành pháp thì quyền hành pháp sẽ bị thủ tiêu" [5, tr.117]. Về sự tham gia của quyền hành pháp vào chức năng lập pháp, ông chỉ rõ: "Quyền hành pháp chỉ tham gia việc lập pháp bằng chức năng ngăn cản, chứ không chen vào bàn cãi công việc, mà cũng không phải làm các kiến nghị" [5, tr.117]. Và ông lấy ví dụ trong các nước Cộng hoà thời kỳ cổ đại, trong các cuộc Hội nghị nhân dân, nhà nước phải có quyền đưa ra kiến nghị và cùng bàn cãi với dân, nếu không thì quyết nghị cuối cùng sẽ có sự hỗn độn, xa lạ với chính thể, bởi dân chúng không phải lúc nào cũng hiểu hết được đất nước bằng những nhà cầm quyền.
Nhưng nếu như cơ quan lập pháp không có quyền ngăn cản hoạt động của cơ quan hành pháp, nhưng nó vẫn phải có chức năng xem xét các đạo luật do nó ban hành đã được thực thi như thế nào, như thế mới đảm bảo cho sự tự do của công dân. Nhưng như thế thì nó cũng không có quyền xét xử con người hành pháp, bởi cá nhân con người hành pháp là bất khả xâm phạm, ông ta là cần thiết cho quốc gia; nếu cơ quan lập pháp xâm phạm tới ông ta thì có nghĩa là nó đã trở thành chuyên chế, và như vậy cũng không còn có tự do gì nữa cả.
Montesquieu còn chỉ ra một vài vấn đề quan trọng trong hoạt động của hai cơ quan này, là vấn đề thu thuế, và vấn đề quân đội.
Đầu tiên là vấn đề ban hành thuế. Ông khẳng định đây phải là công việc của cơ quan lập pháp mà cơ quan hành pháp không thể can thiệp vào, do đó là: "Điểm quan trọng nhất của việc lập pháp" [5, tr.118]. Ông còn cho rằng
cơ quan lập pháp không nên quy định thuế một cách vĩnh viễn bởi như thế thì cơ quan hành pháp cũng không còn phụ thuộc vào cơ quan lập pháp nữa, và tự do của công dân cũng sẽ biến mất.
Còn về vấn đề quân đội, Montesquieu cho rằng nó phải nằm dưới sự quản lý của cơ quan hành pháp chứ không phải của cơ quan lập pháp, như thế mới hợp với bản chất của quân đội là hành động chứ không phải là bàn cãi. Nhưng "Để cho người hành pháp không áp bức được dân chúng thì quân đội trong tay cơ quan hành pháp phải mang tính nhân dân, cùng lòng với dân", "Và muốn được như vậy thì chỉ có hai cách: hoặc là những người tham gia quân đội phải có tài sản bảo đảm tính mạng của mình trước các công dân khác và chỉ tòng quân trong thời hạn một năm; hoặc là có một quân đội thường trực mà quân nhân thuộc tầng lớp thấp kém nhất trong nước, để cơ quan lập pháp muốn giải tán nó lúc nào cũng được. Binh sĩ thường trực này ở ngay trong dân chúng, không có doanh trại hay đồn luỹ tách biệt với dân" [5, tr.118].
Còn về thứ quyền lực cuối cùng, quyền tư pháp, Montesquieu cho rằng nó không nên được giao cho một cơ quan hay một cá nhân cụ thể, thường trực như hai quyền lực kia, mà do một đoàn thể dân chúng được cử ra trong một thời gian ngắn do luật định. Làm như thế thì thứ quyền lực đáng sợ với người đời này mới không phải là một sự hữu hình, như thế người ta mới sợ cơ chế cai trị chứ không phải là sợ các quan cai trị.
Nghiêng theo cơ cấu tổ chức nhà nước của Anh, ông cho rằng quyền tư pháp không nên kết hợp với bộ phận nào của quyền lập pháp, nhưng vẫn có