Nghiên cứu khía cạnh kỹ thuật của dự án:

Một phần của tài liệu Công tác lập dự án đầu tư tại công ty cổ phần đầu tư xây dựng (Trang 37)

Nghiên cứu kỹ thuật là tiền đề cho việc tiến hành nghiên cứu mặt kinh tế tài chính các dự án đầu tư. Do vậy, trong phân tích dự án thì chi phí cho phân tích khía cạnh kỹ thuật thường chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí soạn thảo dự án đầu tư, thông thường chiếm khoảng 80% trong tổng chi phí soạn thảo.Tùy thuộc vào từng dự án cụ thể mà nội dung nghiên cứu kỹ thuật được chú trọng xem xét ở mức độ khác nhau. Nghiên cứu kỹ thuật bao gồm các nội dung sau:

* Mô tả sản phẩm của dự án :

Mô tả đặc tính kỹ thuật và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan mật thiết đến việc lựa chọn công nghệ và phương pháp sản xuất đó, đến việc lựa chọn nguyên vật liệu cho phù hợp. Mô tả sản phẩm phải nêu bật được các điểm chính sau: mô tả các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của sản phẩm; mô tả các đặc tính; mô tả tính năng, công dụng và cách sử dụng của sản phẩm.

* Lựa chọn hình thức đầu tư và loại hình doanh nghiệp:

Lựa chọn hình thức đầu tư theo chiều rộng hay chiều sâu thì phải dựa vào phân tích khía cạnh thị trường: phân tích, đánh giá cung- cầu thị trường, khách hàng mục tiêu, khả năng cạnh tranh của dự án…; dựa vào chu kỳ sống của sản phẩm: sản phẩm đang ở giai đoạn nào; dựa vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp: nguồn lực, tài chính, con người; và phải phân tích lợi ích việc lựa chọn từng hình thức đầu tư để từ đó ra quyết định.

Lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào chủ đầu tư phải nghiên cứu pháp luật quy định cho từng loại hình doanh nghiệp, xem xét xu hướng phát triển của từng loại hình doanh nghiệp để từ đó lựa chọn, và phải nghiên cứu, xác định cơ cấu tổ chức vận hành của doanh nghiệp.

* Lựa chọn công nghệ kỹ thuật cho dự án:

Lựa chọn công nghệ phải khai thác được lợi thế so sánh, phù hợp với kiến thức và trình độ của công nhân. Khi lựa chọn cần lưu ý xem xét được

mức độ hiện đại của công nghệ để tránh được sự lạc hậu sau này, chú ý đến các yếu tố đầu vào để vận hành nó và quyền sở hữu công nghệ.

Khi lựa chọn công nghệ cần căn cứ vào các nguyên tắc và tiêu chuẩn để lựa chọn công nghệ. Các nội dung phân tích khi lựa chọn công nghệ:

− Phải xác định được mức độ hiện đại của công nghệ. Để xác định được thì phải phân tích thị trường vì nó liên quan đến chất lượng sản phẩm, liên quan đến số lượng sản phẩm, giá cả sản phẩm.

− Lựa chọn dây chuyền công nghệ cho dự án: trước hết phải nghiên cứu được các quy trình công nghệ; sau đó phân tích, đánh giá ưu- nhược điểm của từng loại dây chuyền công nghệ, trên cơ sở đó mới tiến hành so sánh để lựa chọn công nghệ ; và cuối cùng phải mô tả chi tiết quy trình công nghệ được lựa chọn.

− Xác định phương án tổ chức sản xuất: dự kiến phương án tổ chức sản xuất của nhà máy sau này sao cho phương án công nghệ đã được lựa chọn phát huy hiệu quả cao nhất.

− Xác định phương án cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật: cần xác định trình độ cần thiết và các yêu cầu đặc biệt đối với cán bộ quản lý cũng như công nhân trực tiếp tham gia vận hành dây chuyền công nghệ.

* Nguyên vật liệu đầu vào cho dự án:

Nguyên vật liệu có vai trò quan trọng bởi từ giá trị nguyên vật liệu đầu vào sẽ quyết định giá thành sản phẩm, tính đều đặn và nhịp nhàng của quá trình sản xuất. Do đó, để lựa chọn nguyên vật liệu cho dự án thì cần phải tuân thủ các yêu cầu sau: nguyên vật liệu lựa chọn phải đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu; có nguồn dồi dào, ổn định trong nước; giá cả hợp lý; và sau khi lựa chọn được nguồn nguyên vật liệu phải mô tả hình dạng, kích thước, tính chất cơ học, lý học, hóa học của nguyên vật liệu lựa chọn.

Khi lựa chọn nguyên vật liệu cho dự án phải đề cập đến các nội dung sau:

− Xác định loại nguyên liệu sẽ sử dụng cho dự án dựa vào chất lượng sản phẩm yêu cầu, phải phân rõ các loại nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ, vật liệu phải nhập khẩu hay dự án có thể tổ chức tự sản xuất trong nước để thay thế nhập khẩu.

− Xác định nhu cầu về từng loại nguyên liệu: để xác định được thì dựa vào kế hoạch sản xuất, định mức tiêu hao nguyên vật liệu tính cho một đơn vị sản phẩm, dự tính được nhu cầu dự trữ nguyên vật liệu cho dự án, và để xác định được nhu cầu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu thì phân tích giá nguyên vật liệu ở những năm trước, dự báo trong tương lai.

− Xác định nguồn và khả năng cung cấp của từng nguồn ở hiện tại và phát triển trong tương lai.

− Ước tính chi phí nguyên vật liệu cho dự án.

* Cơ sở hạ tầng:

Cơ sở hạ tầng gồm năng lượng, nước và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho việc thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và chi phí sản xuất.

− Khi lựa chọn năng lượng sử dụng cho dự án cần phải thỏa mãn các yêu cầu: nguồn ổn định và cung cấp với khối lượng ổn định thỏa mãn yêu cầu của sản xuất, có nguồn dồi dào trong nước, ít gây ô nhiễm môi trường, tính kinh tế cao.

− Nước là dạng nguyên liệu đặc biệt và rất cần cho một số ngành sản xuất dịch vụ. Vì vậy, khi soan thảo dự án đầu tư cần nghiên cứu những nội dung sau: khối lượng nước sử dụng, xác định nguồn cung cấp nước, tính toán hệ thống cấp thoát nước, tính toán chi phí về nước.

− Nhu cầu vận tải và hệ thống giao thông: xác định nhu cầu vận tải cần để phục vụ, mô tả các phương tiện vận tải cần cho dự án, từ đó xây dựng hệ thống đường giao thông cho phù hợp.

− Các cơ sở hạ tầng khác như: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống xử lý các chất thải, hệ thống an toàn lao động…

* Địa điểm thực hiện dự án:

Địa điểm tác động lâu dài đến hoạt động và lợi ích của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng lâu dài đến cư dân xung quanh. Địa điểm là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến định phí và biến phí của sản phẩm, cũng như sự tiện lợi trong hoạt động, giao dịch của doanh nghiệp.

Khi nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng dự án cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

− Lựa chọn địa điểm gần nơi cung cấp nguyên vật liệu và gần nơi tiêu thụ, gần nguồn cung cấp lao động.

− Địa điểm được chọn có cơ sở hạ tầng thuận nơi nhất là điện, nước, giao thông vận tải…

− Địa điểm phải nằm trong quy hoạch, bảo đảm an ninh, quốc phòng

− Địa điểm được chọn nên có diện tích đủ rộng để bố trí các cơ sở sản xuất, dịch vụ của dự án và dễ mở rộng dự án sau này

− Lựa chọn vùng đặt địa điểm, sau đó mới chọn địa điểm cụ thể. Chọn khu vực địa điểm thực chất là xem xét các khía cạnh về địa lý, tự nhiên, kinh tế, xã hội, kỹ thuật… có liên quan đến sự hoạt động và hiệu quả hoạt động sau này của dự án. Chọn địa điểm cụ thể: người soạn thảo phải mô tả vị trí, địa điểm cụ thể, các chi phí về địa điểm, những thuận lợi, không thuận lợi và những ảnh hưởng dự án về mặt xã hội.

* Đánh giá tác động môi trường của dự án:

Mục đích đánh giá tác động môi trường của dự án là nhằm phát hiện các tác động xấu của dự án đến môi trường, tìm các công cụ để quản lý, hạn chế và ngăn ngừa chúng, đưa ra các biện pháp thích hợp để bảo vệ môi trường vào các bước sớm nhất của quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án, trên cơ sở đó đảm bảo dự án phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường. Quá trình phân tích ảnh hưởng của dự án đến môi trường bao gồm hai nội dung: nhận dạng mọi tác động có thể có của dự án đến môi trường trong mọi giai đoạn của dự án và đề xuất các giải pháp khắc phục.

* Lịch trình thực hiện của dự án:

Việc lập lịch trình thực hiện từng hạng mục công trình, từng công việc trong mỗi hạng mục công trình của dự án công ty đảm bảo làm sao cuối cùng dự án có thể bắt đầu đi vào sản xuất hoặc hoạt động theo đúng thời gian dự định. Có nhiều phương pháp phân tích và lập lịch trình thực hiện dự án khác nhau, tùy thuộc vào quy mô và sự phức tạp về kỹ thuật xây dựng và sản xuất dự án, đó là: phương pháp sơ đồ Gantt; phương pháp Pert và CPM.

Một phần của tài liệu Công tác lập dự án đầu tư tại công ty cổ phần đầu tư xây dựng (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w