a. Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế bao gồm những yếu tố tác động đến khả năng thu nhập, thanh toán, chi tiêu, nhu cầu về vốn và tiền gửi của dân cư. Tình hình và sự thay đổi các yếu tố thuộc môi trường kinh tế có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói riêng. Trong một nền kinh tế phát triển, cấu trúc và hoạt động của thị trường tài chính cũng phát triển với sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng với các tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng như giữa các ngân hàng với nhau. Điều này tạo áp lực buộc các ngân hàng phải chú trọng phát triển các hoạt động bán lẻ nhằm tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Môi trường kinh tế còn tác động tới hoạt động ngân hàng bán lẻ thông qua việc ảnh hưởng đến thu nhập của cá nhân, từ đó tác động đến nhu cầu và cách thức sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Khi nền kinh tế kém phát triển, thu nhập của dân cư thấp và không ổn định, chỉ vừa đủ để đáp ứng chi tiêu thiết yếu hàng ngày thì sẽ không phát sinh các nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng như gửi tiền, chuyển tiền hay vay tiêu dùng. Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, họ lạc quan hơn về thu nhập trong tương lai của mình thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ mới phát triển.
b. Môi trường văn hóa – xã hội
Môi trường dân số là một môi trường quan trọng đối với hoạt động ngân hàng bán lẻ. Những xu thế thay đổi về nhân khẩu học như tổng dân số, tỷ lệ gia tăng dân số, những thay đổi về cấu trúc dân số (nghề nghiệp, lứa tuổi, tôn giáo…), xu thế di cư, chính sách dân số của chính quyền địa phương đều ảnh hưởng tới nhu cầu, kết cấu nhu cầu của dân cư về sản phẩm dịch vụ ngân hàng và là căn cứ trong việc hình thành hệ thống phân phối của ngân hàng. Tổng dân số cao, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ngày càng tăng và xu hướng di dân vào các vùng đô thị là những điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các hoạt động ngân hàng bán lẻ.
Yếu tố tâm lý, thói quen của người dân sẽ tác động trực tiếp tới hành vi và nhu cầu sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Ví dụ ở nước ta, người dân có thói quen tiêu tiền mặt, vì thế việc phát triển các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng trong dân cư gặp nhiều khó khăn, hoặc người dân có thói quen mua hàng tại những chợ nhỏ nên nhu cầu về dịch vụ thanh toán thẻ chậm phát triển. Tại các nước phát triển thì ngược lại, người dân có thói quen mua hàng tại các siêu thị thì nhu cầu về thanh toán thẻ tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh hơn. Vấn đề tâm lý cũng có ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ nếu người dân có tâm lý không tin tưởng ngân hàng thì họ sẽ không gửi tiền vào ngân hàng mà cất trữ dưới dạng tiền mặt hay vàng hoặc đã gửi vào ngân hàng nhưng có thể ồ ạt rút tiền khi xuất hiện tin đồn không tốt về ngân hàng. Tâm lý ngại thay đổi cũng gây trở ngại cho quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới.
Trình độ dân trí thể hiện hiểu biết của người dân tới sự phát triển kinh tế xã hội cũng ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng bán lẻ. Trình độ dân trí cao thì khả năng tiếp cận với những tiến bộ khoa học mới tốt hơn, tạo điều kiện cho những sản phẩm mang tính công nghệ cao phát triển.
c. Môi trường pháp lý
Đây là yếu tố môi trường bên ngoài có tác động lớn và thường xuyên nhất tới hoạt động của NHTM nói chung và hoạt động của ngân hàng bán lẻ nói riêng. Hoạt động ngân hàng chịu sự điều chỉnh rất chặt chẽ bởi pháp luật do tác động to lớn của hoạt động này tới nền kinh tế. Môi trường pháp lý sẽ đem tới cho ngân hàng một loạt các cơ hội cũng như thách thức, như việc gỡ bỏ các rào cản huy động tiền gửi nội tệ sẽ mở đường cho ngân hàng nước ngoài phát triển các sản phẩm huy động tiền gửi và cho vay nội tệ, đặt các ngân hàng trong nước vào tình thế bị cạnh tranh gay gắt hơn.
Các quy định của luật pháp là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của ngân hàng. Nếu các quy định này không đầy đủ, không rõ ràng và thiếu đồng bộ, nhất quán thì sẽ gây trở ngại cho các hoạt động ngân hàng. Và ngược lại, một hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn chỉnh sẽ là hành lang pháp lý vững chắc cho các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực của mình. Khi đó luật pháp sẽ có tác dụng tích cực, trở thành động lực giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn.
d. Môi trường kỹ thuật công nghệ
Những bước tiến của khoa học công nghệ đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động của ngân hàng. Nó tạo điều kiện cho ngân hàng đổi mới quy trình nghiệp vụ, cách thức
phân phối, đặc biệt là phát triển các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ cao như ngân hàng điện tử, ngân hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến… Nền tảng công nghệ và hạ tầng viễn thông của một đất nước ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dịch vụ ngân hàng bán lẻ thể hiện qua tốc độ xử lý giao dịch, tính an toàn, bảo mật, tính đa kênh trong phân phối sản phẩm. Những thay đổi về công nghệ cũng tác động tới cách thức sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng của người dân, tạo ra những nhu cầu, đòi hỏi mới về sản phẩm dịch vụ cho các ngân hàng.