2.3.1 Hoạt động nghiên cứu thị trường
Do đặc thù của ngành đay tại Việt Nam, sản phẩm chế biến từ nguyên liệu này chủ yếu chỉ là bao dùng để đựng lương thực và nông sản - gần đây, bao đay là bao thương phẩm của cà phê, tiêu, điều… nên thị trường bao đay hiện nay chỉ gói gọn trong lĩnh vực cà phê xuất khẩu.
Phân khúc thị trường theo địa lý là vùng Tây nguyên và Đông Nam bộ, nơi
sản xuất cà phê chính; đồng thời theo khách hàng tổ chức dựa trên những tiêu thức như loại hình, qui mô doanh nghiệp, tiêu chí mua hàng…
Về lựa chọn thị trường mục tiêu, SAJUCO vẫn trung thành phục vụ thị trường cà phê xuất khẩu dùng bao bì là bao dầu thực vật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của các Tổ chức, Hiệp hội Đay, Cà phê, Ca cao thế giới, với khách hàng tổ
chức là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (hiện nay, SAJUCO vẫn chưa khai phá
thêm thị trường mục tiêu mới cho sản phẩm của mình).
Trong hoạt động định vị sản phẩm, SAJUCO đang giới hạn sản phẩm bao đay có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chính vì thế, SAJUCO gặp khó khăn trong việc mở rộng khúc thị trường vì nó đã được khách hàng nhận thức là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, và đã bỏ qua khúc thị trường chất lượng trung, cạnh tranh cao về giá cả.
Xuất phát từ mục đích sử dụng chính của bao đay qua các thời kỳ - hầu như thị trường bao đã được qui định sẵn nên doanh nghiệp trong ngành phải chấp nhận
thụ động trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm này - và cho đến nay, việc nghiên
cứu thị trường vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù SAJUCO đã có Phòng Sản xuất - Kinh doanh nhưng chức năng chính của phòng này chỉ tập trung vào việc điều độ sản xuất và chủ yếu vào các hoạt động bán hàng. Hơn nữa, SAJUCO vẫn chưa có đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp. Theo đó, hoạt động nghiên cứu thị trường của công ty chủ yếu dựa trên dữ liệu báo cáo từ bộ phận bán hàng. Do không đánh giá được tổng cầu của thị trường cũng như lượng cầu của khách hàng nên ảnh hưởng đến sản xuất và tồn kho khi số lượng hàng hóa dự báo chỉ dựa trên kinh nghiệm là chủ yếu từ số lượng đặt hàng của khách hàng truyền thống của SAJUCO.
2.3.2 Hệ thống thông tin Marketing (MIS)
Với một doanh nghiệp vừa và nhỏ như SAJUCO thì thật khó để tạo dựng được một bộ máy tổ chức quản lý chuyên nghiệp và đầy đủ, nhất là trang bị một hệ thống thông tin Marketing phục vụ cho nhu cầu ra quyết định. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do năng lực còn thiếu, không đủ nguồn lực hoặc do chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của hoạt động Marketing nên hệ thống thông tin Marketing tại
SAJUCO vẫn còn ở dạng sơ khai, chỉ gồm hai hệ thống đó là hệ thống ghi chép nội bộ và hệ thống tình báo Marketing.
- Hệ thống ghi chép nội bộ: chủ yếu là những số liệu được cung cấp từ Phòng Kế toán - Tài chính, gồm số liệu báo cáo về các khoản chi phí, doanh thu, lợi nhuận, lượng hàng tồn kho… Dựa vào những số liệu này, Lãnh đạo đánh giá tình hình kinh doanh chung của công ty. Từ đó, đề ra phương hướng sản xuất, kế hoạch chi tiêu, xúc tiến bán hàng trong kỳ tiếp theo.
- Hệ thống tình báo Marketing: được ghi nhận từ 2 nguồn:
Nguồn thứ nhất là từ bộ phận bán hàng của công ty. Bộ phận này ghi nhận lại những phản hồi của khách hàng, so sánh với sản phẩm cạnh tranh về mẫu mã, giá, lượng tiêu thụ… nhằm giúp Lãnh đạo có cái nhìn tổng quát về vị trí sản phẩm của công ty trên thị trường.
Nguồn thứ hai là từ mối quan hệ tốt với Nhà cung cấp. Khi thị trường nguyên liệu có những biến động hoặc nhà cung cấp dự đoán sẽ có những biến động thì họ sẽ thông báo cho công ty biết để có kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng tồn kho.
- Đối với hệ thống nghiên cứu Marketing cũng như hệ thống hỗ trợ quyết định Marketing thì SAJUCO chưa xây dựng được. Tuy nhiên, với những yêu cầu đặt ra cho hoạt động Marketing cùng với sự phát triển của công ty thì trong tương lai gần SAJUCO sẽ xây dựng được 2 hệ thống này nhằm góp phần cung cấp những thông tin phù hợp, kịp thời, chính xác cho những quyết định Marketing.
2.3.3 Tổ chức Marketing
Có thể nhận thấy hiện nay, chức năng của Phòng Sản xuất - Kinh doanh rất đơn giản, chỉ tập trung vào việc tiếp nhận các đơn hàng từ các khách hàng truyền thống có sẵn mà thiếu hẳn bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường để tiến hành việc phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin nhằm đánh giá tình hình thị trường, xu thế phát triển của thị trường để từ đó nắm được những thông tin về khả năng và nhu cầu của khách hàng cũng như đề ra những mục tiêu hay đưa ra các giải pháp phát triển thị trường.