1.3.1.1. Khái niệm tính tích cực học tập
Tính tích cực là một phẩm chất vốn có của con người được thể hiện bằng sự chủ động sản xuất ra của cải vật chất cần cho sự tồn tại và phát triển của xã hội, sáng tạo ra nền văn hoá, chủ động cải biến môi trương thiên nhiên cải tạo xã hội.
Tính tích cực trong hoạt động học tập là tích cực trong nhận thức, đặc trưng ở khát vọng hiểu biết, cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức.
Trong học tập, học sinh phải khám phá ra những hiểu biết mới đối với bản thân dưới sự tổ chức và hướng dẫn của GV.
1.3.1.2. Những dấu hiệu của tính tích cực học tập
Tính tích cực học tập của HS được biểu hiện ở những hoạt động trí tuệ thông qua các dấu hiệu như:
- HS khao khát, tình nguyện tham gia trả lời câu hỏi của GV, nhận xét bổ sung câu trả lời của bạn, muốn thể hiện ý kiến của mình về các vấn đề học tập thông qua sự tìm tòi, khám phá, làm thí nghiệm kiểm chứng.
- HS hay nêu thắc mắc, đề xuất nội dung trao đổi, yêu cầu sự giải thích cặn kẽ các vấn đề học tập chưa sáng tỏ, thông qua hoạt động tư duy: phân tích, so sánh, khái quát hoá.
- HS chủ động vận dụng linh hoạt những kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề học tập mới và sự giải thích, trình bày vấn đề một cách rõ ràng.
- HS muốn được chia sẽ với mọi người các thông tin mới từ các nguồn khác nhau, có ý thức giúp đỡ hợp tác làm việc với nhóm và cả lớp.
- HS tập trung, chú ý trong học tập, chủ động và cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ học tập, không nản trí trước những tình huống khó khăn.
Theo quan niệm dạy học hiện đại hoạt động học tích cực được đánh giá bằng khái niệm học sâu. Học sâu là quá trình học những kiến thức, kĩ năng sử dụng được trong các tình huống khác nhau, trong các hoàn cảnh khác nhau. HS có khả năng áp dụng các kiến thức, kĩ năng để xử lí các tình huống mới trong môn học hoặc liên môn học.
- HS tập trung, chú ý trong giờ học
- Tích cực hoạt động tư duy, phát huy tối đa khả năng của mình thông qua các trải nghiệm, cách giải quyết vấn đề (đưa ra các ý tưởng).
- HS hứng thú học tập và cảm thấy thoải mái khi được tìm tòi, khám phá trong học tập.
- HS được trình bày ý tưởng, suy nghĩ của mình khi giải quyết vấn đề học tập hoặc thực tiễn.
Để HS học tập tích cực cần hướng dẫn, rèn luyện cho HS phong cách học thông qua các bước của một quá trình liên tục:
- Quan sát - suy ngẫm về các hoạt động học tập đã thực hiện.
- Phân tích - suy nghĩ về những hiệu quả của hoạt động học tập đã thực hiện, xác định hoạt động có hiệu quả, hoạt động chưa hiệu quả để có đề xuất khắc phục.
- Hoạt động áp dụng: Sự vận dụng các kiến thức, kĩ năng vào giải quyết vấn đề học tập với sự tổ chức, hướng dẫn hỗ trợ của GV, tài liệu, phương tiện để nắm bắt kiến thức, kĩ năng, PP nhận thức mới.
- Hoạt động trải nghiệm: Sự vận dụng kiến thức, kĩ năng thu được vào giải quyết vấn đề mới một cách độc lập không có sự trợ giúp của GV và lại thực hiện bước quan sát, đánh giá về hoạt động đã trải nghiệm - đánh giá - áp dụng trải nghiệm theo vòng xoáy liên tục. Phong cách học tích cực được mô tả bằng sơ đồ sau:
Sơ đồ phong cách học tích cực