Quản lý cấp phát thuốc tại bệnh viện

Một phần của tài liệu Khảo sát thực trạng sử dụng thuốc tại bệnh viện đa khoa tỉnh ninh bình năm 2012 (Trang 63)

Hoạt động giao phát thuốc cho các khoa Lâm sàng và cho bệnh nhân được khoa Dược thực hiện nghiêm túc và luôn đảm bảo giao phát đúng, đủ thuốc cho y tá, bệnh nhân. Khoa Dược đã áp dụng phần mềm để thực hiện tổng hợp thuốc theo y lệnh của từng bệnh nhân và tổng hợp tổng lượng thuốc lĩnh trong ngày giúp cho hoạt động giao phát thuốc được nhanh chóng thuận tiện. Từ kho của khoa Dược, thuốc được thủ kho đưa xuống các khoa Lâm sàng. Tại các khoa Lâm sàng, y tá sẽ nhận thuốc sau đó trực tiếp phát thuốc cho bệnh nhân nội trú. Như vậy, tại Bệnh viện, thuốc sử dụng cho bệnh nhân sẽ do y tá chịu trách nhiệm về liều dùng, cách dùng sao cho đúng y lệnh nên y tá đóng vai trò quan trọng trong qúa trình cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Do vậy, bệnh nhân nội trú không được cấp phát thuốc trực tiếp từ dược sĩ nên điều này sẽ làm giảm cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa dược sỹ và bệnh nhân, giảm một phần chất lượng và hiệu quả việc theo dõi tác dụng điều trị.

Tuy nhiên khi cấp phát cho bệnh nhân tại các khoa lâm sàng, khay thuốc chỉ ghi tên, tuổi bệnh nhân còn số lượng và tên thuốc không có ngay trên khay thuốc đã chia. Điều này chưa tuân thủ yêu cầu của WHO là nhãn thuốc phải có tên bệnh nhân, tên thuốc, số lượng thuốc, hàm lượng thuốc và chỉ rõ liều sử dụng. Việc nhận biết các thuốc chia trên khay chỉ dựa vào cảm quan có thể dẫn đến nhầm lẫn. Do đó bệnh viện nên thực hiện ghi đầy đủ các thông tin trên khay thuốc phát cho bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân ngoại trú, dược sĩ khoa Dược sẽ là người trực tiếp giao phát thuốc, do đó cơ hội cung cấp thông tin về thuốc trực tiếp cho bệnh nhân được thuận lợi hơn vì thời gian dành cho việc hướng dẫn sử dụng thuốc và tư vấn cho bệnh nhân của dược sỹ nhiều hơn bác sỹ.

Hiện nay, BVĐK Ninh Bình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện nên đã thay thế cho việc tổng hợp thuốc trong HSBA vào sổ lĩnh thuốc tổng hợp, sau đó số lượng lĩnh của mỗi thuốc sẽ được khoa Dược thống kê. Đây vốn là công việc hành chính đơn thuần mất rất nhiều thời gian và dễ nhầm lẫn. Do đó, phần mềm này sẽ giúp tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả làm việc. Ngoài ra, còn giúp cho việc giám sát hoạt động bệnh viện một cách toàn diện, số liệu được báo cáo chính xác giúp nhà quản lý có kế hoạch xuất nhập hợp lý, kiểm tra quá trình cấp phát thuận lợi. Theo dõi chất lượng thuốc bảo quản trong kho chặt chẽ, giảm thiểu tình trạng thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng trong quá trình bảo quản.

Tại Bệnh viện, phòng Tài chính kế toán không tham gia vào công tác thống kê với tất cả các thuốc đã có trong danh mục thuốc của phần mềm nên khoa Dược phải tự kiểm soát số lượng xuất nhập tồn, thừa thiếu thuốc, điều này giúp cho khoa Dược chủ động hơn trong công tác thống kê vì không phải chờ đợi số liệu đối chiếu với Phòng tài vụ khi làm các báo cáo sử dụng, giảm bớt công việc cho Phòng tài vụ nhưng sẽ làm tăng trách nhiệm của khoa Dược, thủ kho sẽ phải kiểm soát việc phát thuốc thực tế chặt chẽ hơn để hạn chế tối đa tình trạng thừa thiếu thuốc giữa thực tế và số liệu thống kê trên phần mềm.

Một phần của tài liệu Khảo sát thực trạng sử dụng thuốc tại bệnh viện đa khoa tỉnh ninh bình năm 2012 (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)