trú và chỉ định thuốc trong HSBA
Tỷ lệ thuốc được kê bằng tên gốc thấp, các bác sỹ chủ yếu kê bằng tên biệt dược. Mặc dù các thuốc gốc thường rẻ hơn thuốc biệt dược nhưng do nhiều yếu tố như: bác sỹ tiếp cận với thông tin giới thiệu thuốc của trình dược viên, do tâm lý thích dùng thuốc ngoại, thuốc đắt tiền và một phần do các thuốc sản xuất trong nước chưa chiếm được niềm tin của thầy thuốc và bệnh nhân nên tỷ lệ thuốc gốc vẫn còn thấp. Tuy nhiên ở BVĐK Ninh Bình tỷ lệ này(20,95%) còn cao hơn so với một số bệnh viện khác như BVĐK Vĩnh Phúc(8,5%); bệnh viện Saint Paul(12,5)[11].
Tỷ lệ đơn có kê kháng sinh là 34,3% với đơn thuốc ngoại trú và 85,25% với HSBA. Đối với mô hình bệnh tật mà tỷ lệ bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng chỉ chiếm 4,25% thì đây là một con số khá cao, và cao hơn nhiều so với khuyến cáo của WHO là 20-30%[15]. Ở ngoại trú kháng sinh hay được sử dụng là Ibamentin 625mg và Cefixim 200mg. Đối với điều trị nội trú kháng sinh được lựa chọn nhiều vẫn là các Cephalosporin thế hệ 3 và kháng sinh kết hợp. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bệnh viện ở nước ta như BVĐK tỉnh Hải Dương có tỷ lệ bệnh án có chỉ định kháng sinh là 88,7%[23]; tỷ lệ
này ở BVĐK Hà Đông là 79,5%[15]. Điều này cho thấy việc sử dụng kháng sinh trong bệnh viện còn nhiều bất cập.
Không chỉ có kháng sinh mà vitamin cũng là một trong những thuốc có nguy cơ bị lạm dụng cao. Theo kết quả khảo sát của Phạm Trí Dũng trên các BVĐK của 10 tỉnh ở nước ta, tỷ lệ đơn có kê vitamin dao động từ 55,4% đến 77,5%, trung bình là 66,1%. Tại BVĐK tỉnh Ninh Bình tỷ lệ đơn kê Vitamin là 14,00% đối với đơn thuốc ngoại trú. Như vậy tỷ lệ này tương đối thấp so với mức trung bình trên.
Tỷ lệ bệnh án có kê thuốc tiêm là 84,25%; dịch truyền là 48,00%. Tuy rằng bệnh nhân nội trú thường bị bệnh nặng, cần điều trị lâu dài và một số bệnh nhân không thể dùng thuốc uống nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc tiêm và dịch truyền cao như vậy có thể là chưa hợp lý. Theo WHO trong khoảng 50% bệnh nhân đang được kê đơn dùng thuốc tiêm tại các cơ sở y tế trên toàn cầu đã có tới 90% số trường hợp là không cần thiết. Cũng theo WHO mỗi năm có khoảng 4,7 triệu người nhiễm virut viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C và 160.000 trường hợp nhiềm HIV có liên quan đến kê đơn sử dụng thuốc tiêm [24]. Vì vậy việc lạm dụng thuốc tiêm là một vấn đề lớn trong ngành y tế, bệnh viện nên cân nhắc vấn đề này để sử dụng thuốc an toàn hợp lý.
Việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đã giảm được nhiều sai sót do bệnh viện đã đưa phần mềm tin học quản lý bệnh viện vào sử dụng. Các đơn thuốc đã ghi đầy đủ chẩn đoán bệnh, số lượng thuốc, tên thuốc, hàm lượng, nồng độ và phần mềm quản lý đã cho phép in được hướng dẫn sử dụng, liều dùng của thuốc . Điều này cũng phần nào hạn chế tối đa các sai sót trong sử dụng thuốc.
Kết quả khảo sát HSBA cho thấy tỷ lệ bệnh án ghi đúng và đầy đủ tên thuốc, hàm lượng, nồng độ đạt 98,75%; tỷ lệ ghi rõ liều dùng, đường dùng, thời gian dùng là 95,25%. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc phóng xạ, corticoid, kháng sinh có đánh số theo dõi ngày dùng đạt 100%.
Việc thực hiện quy chế chuyên môn đối với thuốc gây nghiện và thuốc hướng tâm thần viết đúng quy định 72,72%.