- Nghề nghiệp: Chia thành các nhóm nghề: Nông dân; cán bộ công chức;
4.1.3. Về phân bố bệnh nhân theo yếu tố nguy cơ
Trong nghiên cứu này khi tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản, trong 49 bệnh nhân UTTQ có 93,9% bệnh nhân hút thuốc lá/thuốc lào thường xuyên, 83,7% bệnh nhân uống rượu, có 73,5% bệnh nhân vừa hút thuốc vừa uống rượu, 1 trường hợp loạn sản thanh quản chiếm 2,0% và 1 trường hợp u nhú thanh quản chiếm 2,0%. Các nghiên cứu về yếu tố nguy cơ của UTTQ trên thế giới đã công bố đều thống nhất cho rằng UTTQ có mối liên quan chặt chẽ chủ yếu với hút thuốc và uống rượu, trong đó thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong UTTQ. Mặc dù Nicotine có phải là chất gây ung thư hay không đang còn chưa rõ ràng, nhưng người ta thấy hắc ín (tar) và hydrocarbon đa vòng có trong thuốc lá là chất gây ung thư mạnh trong ung thư đường hô hấp nói chung và thanh quản nói riêng. Uống rượu là yếu tố nguy cơ đứng thứ 2 sau hút thuốc đối với UTTQ. Nguy cơ UTTQ tăng lên gấp 2 lần ở người có thói quen uống rượu và tăng lên gấp 10 lần người có thói quen hút thuốc [28], theo Weisman thì nguy cơ UTTQ của người uống rượu kèm theo hút thuốc cao gấp 25-50 lần người không hút [42].
Theo Leon Barnes (2009), chỉ có khoảng 3-4% những trường hợp UTTQ xảy ra ở người không hút thuốc [54]. Những nghiên cứu về dịch tễ cho thấy điều đáng tiếc là sự gia tăng tỷ lệ UTTQ ở phụ nữ trong hai thập niên cuối của thế kỷ XX song hành với tỷ lệ gia tăng số phụ nữ hút thuốc lá [54]. Kết quả nghiên cứu của Tanadech Dechaphunkul (2011) tại bệnh viện Songklanagarind (Thái lan) về UTTQ cho thấy: Nguy cơ ung thư thanh quản đối với những bệnh nhân
có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư là 15,4%, những người hút thuốc chủ động là 83,2 % và cho người uống rượu là 58,4% [52]. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Tùng và CS (2009) cho biết có 85% số bệnh nhân UTTQ có hút thuốc lá và uống rượu chiếm 31% [55]. Hiệu ứng kết hợp của hai yếu tố nguy cơ được ước tính cho 89% trường hợp UTTQ [48]. Hút thuốc lá không chỉ là yếu tố gây UTTQ mà còn giảm hiệu quả điều trị. Theo Trần Minh Trường (2009), nghiên cứu dò họng sau phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần cho thấy những bệnh nhân hút thuốc có tỷ lệ bị dò cao hơn những người không hút thuốc và sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê [56]. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 1 trường hợp (2,0%) có tiền sử u nhú thanh quản. Theo Majorie tỉ lệ ác tính hoá của papilloma thanh quản là 2-17%, tỉ lệ ác tính hoá tăng lên ở người hút thuốc, tia xạ, uống rượu [44]. Trong nghiên cứu của chúng tôi gặp 1 bệnh nhân có tiền sử loạn sản thanh quản, chiếm 2,0% .Theo Majorie thì tỉ lệ tiến triển thành ung thư biểu mô vảy xâm nhập của các tổn thương này là từ 25-50% và trong thời gian trung bình là 3-5 năm [44].