Công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã Đức Vân

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai trên địa bàn xã Đức Vân - huyện Ngân Sơn - tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2013. (Trang 35)

2013

4.2.1. Công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã Đức Vân

Những năm qua công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã Đức Vân đã được quan tâm và đầu tư một cách có hiệu quả hơn trước đây. Về cơ sở vật chất, thay mới máy vi tính với cấu hình cao hơn cho cán bộ làm công tác địa chính của xã. Tạo điều kiện để cán bộ địa chính được đào tạo thêm về chuyên môn, nâng cao trình độ so với trước đây.

Công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã đã từng bước được quan tâm đầu tư, có nhiều chuyển biến tích cực đáp ứng yêu cầu phát triển của xã nói riêng và của huyện nói chung. Dần đổi mới về nhận thức, đưa công tác quản lý đất đai theo chức năng quản lý nhà nước như trong Luật Đất đai 2003 đã quy định. Tình hình quản lý, sử dụng đất của địa phương trong những năm gần đây do nhu cầu về xây dựng, đất sản xuất, kinh doanh, đất khoanh nuôi, trồng phát triển rừng, dùng vào mục đích công cộng phát triển cơ sở hạ tầng rất phức tạp. Nhưng nhờ vào sự chỉ đạo chặt chẽ của các ban ngành và lãnh đạo xã nên công tác quản lý, sử dụng đất mang lại hiệu quả tốt.

Công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện các văn bản đó được lãnh đạo xã nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các văn bản quyết định về việc quản lý, sử dụng đất đai của địa phương do chủ tịch xã ký ban hành dựa theo các văn bản hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình địa phương. Các quyết định này đều được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả.

Công tác xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính của xã đã được quan tâm, thực hiện xong vào năm 1994, sau chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Tình hình địa giới theo Chỉ thị 364/CT của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn xã ổn định không có trường hợp tranh chấp với các đơn vị hành chính khác trong và ngoài huyện.

Về công tác khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Việc lập bản đồ, mới đây nhất xã đã có: Bản đồ đất lâm nghiệp năm 2006, Bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010, Bản đồ giải thửa đất nông nghiệp năm 2012.

Năm 2012, trên địa bàn toàn xã đã được đo đạc, lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000 với độ chi tiết cao hơn hẳn so với bản đồ giải thửa 299 thường được sử dụng trước đây, thuận lợi cho việc quản lý, giám sát tình hình sử dụng đất của người dân địa phương.

Về công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã theo đúng quy định của pháp luật, nên đã hạn chế được sự chồng chéo, lãng phí trong sử dụng đất. Căn cứ theo thực tế và thông qua biểu đồ về cơ cấu loại đất có thể nhận thấy phần diện tích đất lâm nghiệp rất lớn chiếm 74.13% diện tích tự nhiên của xã. Đây là nguồn tài nguyên rất quan trọng để bảo vệ và phát triển bền vững, cần có sự đầu tư và quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Để đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài, đối với đất trồng lúa cần có biện pháp quản lý, quy hoạch sử dụng đất phù hợp để vừa phát triển kinh tế đa ngành nghề vừa phát triển được nghề trồng lúa theo đặc thù của địa phương. Số diện tích đất chưa sử dụng, chưa giao, chưa cho thuê trên địa bàn xã là 117.10 ha. Đây là nguồn tài nguyên nếu được nghiên cứu, quy hoạch và đầu tư đúng mức sẽ góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương trong tương lai.

Công tác quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng được thực hiện tốt. Các hoạt động này đều được xã lập hồ sơ lưu trữ rất cẩn thận.

Đăng kí quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong những năm vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngân Sơn đã tiến hành cấp đổi, cấp mới GCNQSD đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức với mục đích cho các hộ gia đình, cá nhân tự bảo vệ và chăm sóc rừng có nguồn thu từ rừng bền vững. Trên địa bàn xã Đức Vân, đất sản xuất nông nghiệp, đất ở nông thôn do những năm trước đây đo theo Chỉ thị 299, hoặc trích đo, tự kê nên đến nay đã có nhiều biến động. Hồ sơ và số liệu đã được cấp GCNQSD đất sản xuất nông nghiệp, đất ở từ trước đến nay chủ yếu là dựa vào bản đồ giải thửa 299 hoặc trích đo cục bộ bằng phương pháp thủ công. Điều này làm ảnh hưởng đến tính chính xác và tiến độ cấp GCNQSD đất trên địa bàn xã.

Công tác thống kê, kiểm kê đất đai cũng được thực hiện định kỳ theo đúng quy định và kịp thời theo yêu cầu của cấp trên. UBND xã giao cho cán

bộ Địa chính - xây dựng thực hiện Chỉ thị số 618/CT-TTg ngày 15/05/2009 về việc thống kê, kiểm kê đất đai năm 2013 có chức năng đảm bảo tiến độ, giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình thống kê, kiểm kê, rà soát, phân tích số liệu biến động trong năm thống kê, kiểm kê. Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai năm 2013 được thực hiện trên cơ sở số liệu thống kê, kiểm kê đất đai năm 2012, số liệu thống kê các năm 2006, 2007, 2008, 2010 và biến động đất đai năm 2012. Các biến động đất đai được tổng hợp từ hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và các hồ sơ khác có liên quan trên địa bàn toàn xã, tổng hợp số liệu diện tích đất đai theo mục đích sử dụng đối với từng chủ sử dụng, quản lý đất để ghi vào hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 08/2007/TT-BTNMT ngày 02/08/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Công tác quản lý tài chính về đất đai được thực hiện thông qua việc thu lệ phí của các hoạt động liên quan đến đất đai như: việc thu lệ phí khi chủ thể sử dụng đất thực hiện chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn về đất đai và tài sản gắn liền với đất.

Công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ địa chính xã, đảm bảo hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất.

Nhiệm vụ giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai trong những năm qua cũng đã đạt được những thành quả nhất định. Nhất là trong việc giải quyết tranh chấp về đất đai, hầu hết các vụ tranh chấp xảy ra đều được hòa giải thành công ở xã, chỉ có số ít vụ là phải chuyển lên cấp cao hơn. Các vụ việc đều được cán bộ chuyên môn có trách nhiệm cố gắng giải quyết một cách triệt để, không để tồn đọng lâu dài. Sau khi thực hiện Chỉ thị 31/2007/CT-TTg trên địa bàn xã Đức Vân không có hiện tượng tranh chấp về ranh giới, mốc giới thửa đất và quyền sử dụng đất giữa các cơ quan, tổ chức sử dụng đất.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai trên địa bàn xã Đức Vân - huyện Ngân Sơn - tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2013. (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(61 trang)