Chi viện cho chiến trường miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào

Một phần của tài liệu Vai trò của lực lượng vũ trang hà tĩnh trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 52)

6. Bố cục của luận văn

2.2.Chi viện cho chiến trường miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào

Trong chiến tranh, việc xây dựng hậu phương rất quan trong, đây là nơi xây dựng và dự trữ tiềm lực của chiến tranh về chính trị, kinh tế, văn hóa,

khoa học kỹ thuật, là nơi chi viện nhân lực, vật lực và là chỗ dựa tinh thần cho tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta kế thừa kinh nghiệm xây dựng hậu phương trong cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, Hơn bao giờ hết, trong cuộc kháng chiến lần này, Đảng ta đặc biệt chú ý đến vai trò to lớn của hậu phương, bởi vì đây là một cuộc chiến không cân sức, chúng ta phải đối đầu với một kẻ thù nguy hiểm có thực lực về kinh tế, quân sự, quốc phòng gấp ta nhiều lần. Do đó, chúng ta phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc và phải có một hậu phương vững chắc.

Xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương chiến lược, căn cứ địa cách mạng - chỗ dựa vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong suốt cuộc kháng chiến nhân dân ta vừa đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh với Mỹ, ngụy ở miền Nam, vừa từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đảng đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng củng cố hậu phương căn cứ địa cách mạng, tạo chỗ dựa vững chắc, tạo nguồn sức mạnh to lớn, cung cấp kịp thời sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ. Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, nhận thức thức rõ vai trò của miền Bắc trong đấu tranh thống nhất đất nước, Đảng ta quyết định đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng miền Bắc trở thành “là hậu phương lớn, là căn cứ địa cách mạng của cả nước, là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta”. Đây là chủ trương đúng đắn, là cơ sở quan trọng đầu tiên cho xây dựng căn cứ địa cách mạng, hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thực hiện nhiệm vụ chung của toàn miền, Hà Tĩnh đã có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Hà Tĩnh là địa bàn chiến lược quan trọng, không chỉ cung cấp sức

người, sức của cho tiền tuyến mà còn là cầu nối cực kì quan trọng giữa hậu phương và tiền tuyến. Nhận thức được tầm quan trọng đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng ta, nhân dân Hà Tĩnh cùng lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hưởng ứng phong trào “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, thanh niên trên địa bàn Hà Tĩnh đã nhập ngũ, lên đường vào miền Nam đánh giặc. Năm 1958, Hà Tĩnh có trên 25.000 thanh niên trong độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự [30; 21]. Đến năm 1961, thực hiện Nghị định 217 của Hội đồng Chính phủ về điều lệ đăng ký, thống kê, quản lý quân dự bị, đăng ký các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho nhu cầu chiến tranh, Ban chỉ huy Tỉnh đội đã sắp xếp dự nhiệm cho 1 tiểu đoàn, 8 đại đội, gọi nhập ngũ 1.277 người.

Trong những năm 1961 - 1964, với quyết tâm đánh bại âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, cùng với cả nước, nhân dân và lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã nêu cao khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Một phong trào thi đua lao động sản xuất, sẵn sàng chiến đấu diễn ra sôi nổi và thu được nhiều kết quả.

Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện cho miền Nam ruột thịt, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh với tinh thần “giúp bạn như giúp mình”, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh cùng với cả nước làm tròn nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào.

Theo yêu cầu của nước bạn, tháng 2 năm 1961, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh được Bộ Tư lệnh Quân khu giao nhiệm vụ giúp bạn Lào chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường số 8. Ban chỉ huy Tỉnh đội điều động Tiểu đoàn 44 bộ đội địa phương tỉnh cùng với 2.000 dân công hỏa tuyến lên đường làm nhiệm vụ. Tháng 4 năm 1961, lại tiếp tục điều động 300 dân công hỏa tuyến của các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc lên đường 8A và 8B là nhiệm vụ. Các đơn vị bộ đội địa phương và dân công hỏa tuyến đã khắc phục

muôn vàn khó khăn gian khổ ác liệt, chiến đấu dũng cảm, hăng hái xung phong phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng bạn Lào và quân tình nguyện giải phóng đường số 12 và đường 8B từ Lạc Xao đến Nhom Ma Rát, khống chế toàn bộ đường 12 từ Việt Lào đến Na Du, một địa bàn chiến lược quan trọng ở Trung Lào. Đến tháng 6 năm 1961, trên hướng đường số 7, Tiểu đoàn 929 được lệnh hành quân về Bản Ban làm nhiệm vụ phòng ngự và cơ động chiến đấu. Sau giải phóng Noọng Hét buộc địch phải chấp nhận những điều kiện về đình chiến ở Lào của chính phủ kháng chiến, tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Lào, đại bộ phận quân tình nguyện Việt Nam được lệnh rút về nước, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 929 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế trở về thực hiện nhiệm vụ mới, đóng quân tại khu vực biên giới.

Tiếp đó, trước ngày thỏa thuận ngừng bắn về chính phủ ba phái được ký kết, địch đã tập trung lực lượng lớn trên hướng đường số 12 bao gồ GM14, GM12, BV24, pháo 105 ly và một số xe cơ giới tiến công vào ba đại đội thuộc quân Vương quốc đóng ở Khăm Pheng, Khăm Phườn, chiếm cả Na-un. Theo yêu cầu của nước bạn Lào, quân khu điều động một lực lượng cùng phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào đánh địch, mở rộng vùng giải phóng và ảnh hưởng của cách mạng Lào trên hướng đường số 12.

Đến tháng 1 năm 1962, Quân khu điều Tiểu đoàn 927 cơ động tới phối hợp với lực lượng tại chỗ bảo vệ tuyến đường và lệnh cho Tiểu đoàn 44 bộ đội địa phương tỉnh Hà Tĩnh hành quân chiếm lĩnh hướng Thà - Khống. Trên đường số 12, những tháng đầu năm 1962, ta tập trung một lực lượng mạnh trong đó có Tiểu đoàn 44 của Hà Tĩnh cùng với quân đội Lào tham gia phòng thủ Ma Hả Xây, Nhôm Ma Rát. Được sự giúp đỡ của quân tình nguyện trong năm 1962, lực lượng vũ trang của bạn ở Trung - Hạ Lào đã đánh mạnh giành nhiều thắng lợi lớn, vùng giải phóng Lào được mở rộng gồm 2/3 đất đai và dân số. Quân và dân Liên khu IV nói chung, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh nói riêng đã góp phần làm nên chiến thắng ấy.

Xuất phát từ yêu cầu của nước bạn, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Lào. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh cùng với quân tình nguyện và quân nước bạn Lào đã góp phần giải phóng đường số 12 và đường 8B, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận điều kiện của ta ở Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Lào; đồng thời mở rộng vùng giải phóng Lào gồm 2/3 đất đai và dân số. Vượt qua những khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng vũ trang tỉnh luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, tăng cường tình đoàn kết giữa hai nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù. Đây cũng chính là vai trò to lớn của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trong công tác thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Như vậy, trong tình hình mới, quán triệt chủ trương của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Quân khu, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh cùng với nhân dân trong tỉnh đã làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với miền Nam, không chỉ cung cấp sức người, sức của mà còn là chỗ dựa tinh thần cho miền Nam ruột thịt, là cầu nối quan trong giữa hậu phương với tiền tuyến. Cùng với thực hiện nhiệm vụ trong nước, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã cùng quân tình nguyện sát cánh cùng quân nước bạn Lào đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ, mở rộng vùng giải phóng của Lào và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước.

* Tiểu kết chương 2

Suốt chặng đường 10 năm (1954 - 1964), dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Việt Nam, của quân ủy Quân khu IV, Đảng bộ quân sự tỉnh, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã quán triệt và tổ chức thực hiện việc nâng cao ý thức và lập trường chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên; từng bước nâng cao trình độ kỹ - chiến thuật, khắc phục mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với việc kiện toàn tổ chức, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã từng bước hoàn thiện, xây dựng lực lượng vũ

trang địa phương tiến lên chính quy, từng bước hiện đại góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Phát huy truyền thống chiến đấu anh dũng, quật cường, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã giữ vai trò to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Quân khu giao phó. Trong 10 năm đó, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đóng vai trò to lớn trong việc khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục kinh tế; làm lực lượng hậu thuẫn trong cải cách ruộng đất trên địa bàn tỉnh; cùng với nhân dân toàn tỉnh thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; đập tan âm mưu của Mỹ - Diệm cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam trên địa bàn Hà Tĩnh, góp phần to lớn vào việc làm thất bại âm mưu phá hoại của Mỹ - Diệm đối với cách mạng Việt Nam mà trực tiếp là miền Bắc; kịp thời ngăn chặn và đập tan các vụ bạo loạn, biệt kích của địch xâm nhập ven biển, biên giới bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh; chủ động tiến hành mọi công tác chuẩn bị, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, sẵn sàng chiến đấu đánh bại âm mưu hành động chiến tranh của địch; củng cố, phát triển lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ hậu phương với miền Nam ruột thịt và làm tròn nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Lào góp phần giữ vững vùng giải phóng và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước anh em.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh còn mắc phải một số hạn chế nhất định như về công tác tư tưởng, giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ; sự phối hợp với dân quân tự vệ chưa được nhuần nhuyễn. Những hạn chế này đã được lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã từng bước khắc phục trong giai đoạn tiếp sau, đưa lực lượng vũ trang từng bước tiến lên chính quy, hiện đại hóa.

Chương 3

VAI TRÒ CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 1965 - 1975

Một phần của tài liệu Vai trò của lực lượng vũ trang hà tĩnh trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 52)