6. Bố cục của luận văn
2.1.1. Góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương HàTĩnh
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết nhưng nhiêm vụ giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam chưa hoàn thành trọn vẹn. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ vĩ tuyến 17 được lấy làm giới quân sự tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền: miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam do đế quốc Mỹ và tay sai của chúng tạm thời kiểm soát. Với ý đồ chia cắt nước ta lâu dài, đế quốc Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng, dựng nên chính quyền tay sai thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới.
Trước tình hình đất nước bị chia cắt, Bộ Chính trị đã họp (tháng 9 năm 1954) và đưa ra nhiệm vụ mới của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lúc này là: “đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến để củng cố hòa bình, ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và phát triển sản xuất, tăng cường xây dựng quân đội để củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam nhằm củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc…” [24; 10].
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Bộ Chính trị, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh bước vào thời kỳ cách mạng mới với nhiều thuận lợi cũng như vấn đề khó khăn, thử thách. Phát huy vai trò hậu phương chiến lược trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Hà Tĩnh
vô cùng phấn khởi, tự hào góp phần xương máu, vật chất và tinh thần để có được thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Thực hiện nhiệm vụ mới, Hà Tĩnh đứng trước nhiều vấn đề mới, muôn vàn khó khăn thử thách. Đó là hậu quả do chiến tranh để lại: ruộng đất bị bỏ hoang, hệ thống giao thông bị hư hỏng nặng… Trong suốt ba tháng hè năm 1954, Hà Tĩnh luôn bị hạn hán, lũ lụt cùng với tình trạng chính trị không ổn định, bọn địa chủ và bọn phản động lợi dụng những sai lầm trong cải cách ruộng đất để kích động, phá hoại. Tuy nhiên bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, Hà Tĩnh có những điều kiện thuận lợi cơ bản là: vùng tự do, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, quần chúng và các lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở đã được xây dựng và củng cố vững chắc; là tỉnh thực hiện giảm tô sớm nên đã tạo được tiền đề cơ bản cho cuộc cách mạng về ruộng đất và nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế sau này.
Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt làm hai miền, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh trước mắt phải vừa chiến đấu bảo vệ quê hương vừa làm tốt công tác xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương mình. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh nói riêng, lực lượng vũ trang trên địa bàn Liên khu IV nói chung, không chỉ là lực lượng chiến đấu mà còn đóng góp to lớn trong lao động và sản xuất. Ở thời kì này, lực lượng vũ trang từng bước hoàn thiện, mang tính chính quy, hiện đại hơn, đồng thời cũng là lực lượng giải quyết những vấn đề về xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Do đó, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh góp phần không nhỏ vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Hà Tĩnh.
Mùa hè 1954, Hà Tĩnh bị hạn nặng, nắng nóng kéo dài suốt ba tháng trời, tiếp theo lại bị lụt to, đê La Giang bị vỡ, toàn bộ lúa vụ mùa của các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê bị ngập lụt hàng tuần lễ gây thiệt hại lớn. Nạn đói, bệnh dịch diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi trong tỉnh. Bên cạnh đó tình hình chính trị trong tỉnh cũng không ổn định, ở nông
thôn lợi dụng tình hình khó khăn về kinh tế, chính quyền non yếu, sai lầm trong cải cách những phần tử xấu trong tầng lớp địa chủ, bọn phản động đã nổi dậy gây ra những vụ lộn xộn, kích động, thổi phồng những khó khăn phá rối trật tự an ninh.
Tình hình trên đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết là nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất cứu đói và tập trung lực lượng đối phó với âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ thành quả cách mạng. Tỉnh ủy họp Hội nghị (ngày 31 tháng 3 năm 1955) và đề ra chủ trương: ra sức phục hồi kinh tế nông nghiệp, phục hồi và phát triển sản xuất lương thực đồng thời không được coi nhẹ chăn nuôi và cây trồng, kỹ nghệ. Tiếp đó, Tỉnh ủy ra chỉ thị nhanh chóng chấm dứt nạn đói, tạo điều kiện dần dần ổn định mức sống của nhân dân. Tỉnh ủy yêu cầu phải quán triệt cho toàn Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh thấy được ý nghĩa của vấn đề cứu đói, cơ bản là đẩy mạnh sản xuất. Thực hiện nhiệm vụ mới, cùng với nhân dân, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã bắt tay ngay vào trận tuyến mới. Ban chỉ huy Tỉnh ủy phối hợp vói các ban ngành của tỉnh, tổ chức lực lượng bao gồm cán bộ, chiến sĩ ở cơ quan Tỉnh đội, huyện đội, các đơn vị trực thuộc về các huyện có đê vỡ, lũ lụt, hạn hán để khắc phục hậu quả thiên tai. Mỗi ngày có hàng vạn người làm việc trên các tuyến đường, các cánh đồng để sữa chữa cầu cống, đê điều, khai hoang, đưa mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân trở lại bình thường.
Ngày 21 tháng 4 năm 1955, Tỉnh ủy ra chỉ thị động viên lực lượng dân quân du kích thực hiện hai công tác trung tâm đột xuất: sản xuất cứu đói và chống âm mưu địch cưỡng ép di cư vào Nam, chỉ thị nêu rõ thực tế kháng chiến và trong củng cố hòa bình đã chứng tỏ dân quân du kích có khả năng đóng vai trò nòng cốt trong chiến đấu và sản xuất, thực hiện mọi nhiệm vụ, chính sách của Đảng. Quán triệt chỉ thị của Tỉnh ủy, các ban ngành cùng lực
lượng vũ trang tỉnh phối hợp chặt chẽ bắt tay vào hành động cụ thể thiết thực. Trước hết tập trung lực lượng khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích trồng cây lương thực, năm 1955 so với năm 1954 tăng 17,789 ha/108.690 ha. Đầu năm 1955, toàn tỉnh đã đào đắp được 222 công trình thủy lợi, tưới tiêu cho 32.634 mẫu ruộng. Nhờ đó, bình quân lương thực một người đạt 243kg/năm. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, ngành chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến, trong các năm 1955 - 1957, bình quân chăn nuôi tăng 12,9%. Sáu tháng đầu năm 1956, lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức chống lụt giữ làng, cơ quan Tỉnh đội và một bộ phận của Tiểu đoàn 27 bộ đội địa phương điều động 60 đồng chí cán bộ, chiến sĩ tham gia chống lụt gần một tuần đã sửa chữa hai con mương dài 1.200 m, chi bộ Ban tham mưu và chi bộ Ban dân quân dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Ban chỉ huy Tỉnh đội đã phối hợp với các địa phương, vận động 14.900 dân quân du kích tham gia chống lụt, cứu được 11 mẫu 8 sào 5 thước diện tích trồng lúa của nông dân. Thực hiện cuộc vận động tiết kiệm để cứu đói và đẩy mạnh sản xuất, Đảng ủy Tỉnh đội phát động các cơ quan, đơn vị tiết kiệm lương thực thực phẩm để cứu đói và đẩy mạnh sản xuất, Đảng ủy Tỉnh đội phát động các cơ quan đơn vị tiết kiệm lương thực thực phẩm để cứu đói cho dân, đồng thời vận động 34 nhóm sản xuất cho nhân dân vay tiền làm vốn được 64.000 đồng [30; 160-161]. Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh đã vận động các ngành, các cấp, đoàn thể quần chúng nêu cao tinh thần tương trợ giúp đồng bào vùng bị nạn và những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chủ trương này được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, nạn đói cơ bản được khắc phục, đời sống nhân dân dần dần ổn định.
Cùng với khôi phục kinh tế, Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thành giảm tô ở 58 xã còn lại và từ tháng 9 năm 1955, toàn tỉnh thực hiện cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức trong các cơ quan, Đảng, chính quyền, đoàn
thể quần chúng, lực lượng vũ trang. Cuộc vận động tiến hành trong 8 tháng đã đưa lại kết quả lớn. Giai cấp địa chủ bị xóa bỏ, 92.785 mẫu ruộng đất và hàng nghìn con trâu bò được chia cho nông dân, người nông dân thực sự trở thành người chủ ruộng đất [24; 55].
Trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, lực vũ trang địa phương đã đóng vai trò tích cực làm hậu thuẫn cho quần chúng đấu tranh, bảo vệ trật tự, an ninh ở cơ sở. Đặc biệt trong việc giúp dân chống hạn hán, Đại đội 30 cũng dân đắp 4 con đập, huy động 20 chiếc gàu và xe đạp thức suốt ngày đêm cung cấp nước cho gần 100 mẫu lúa bị hạn. Đại đội 75 về Đức Thọ đã vận động và giúp dân sản xuất, không di cư vào Nam, tiết kiệm gạo cung cấp cho dân. Đại đội 30 đã tham gia 30 vụ trấn áp địa chủ và những tên ném đá vào hội nghị, cắt dây điện thoại; vận chuyển hàng hóa trong 3 kho và giúp dân gặt nhanh lúa và vận chuyển đồ đạc khi nước lên to. Đại đội 20 đã vận động nhân dân xin tre chống bão cho 300 nóc nhà đảm bảo an toàn [30; 149]. Nhưng trong tình hình chung của cả tỉnh, sai lầm trong cải cách ruộng đất đã có ảnh hưởng lớn đến lực lượng vũ trang. Số đông cán bộ chiến sỹ đã có thành tích, kinh nghiệm trong kháng chiến đã bị xử lý oan, tổ chức dân quân ở nhiều nơi bị tan rã, lực lượng vũ trang địa phương và cơ quan quân sự có thời gian bị buông lỏng về chỉ huy và lãnh đạo.
Sau khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn ở các địa phương, tháng 10 năm 1956, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết về công tác sửa sai. Chấp hành Nghị quyết của Trung ương, công tác sửa sai đã được tiến hành đồng bộ từ các cơ quan tổ chức chính quyền, đoàn thể quần chúng đến lực lượng vũ trang. Cùng với việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, Tỉnh ủy hà Tĩnh đã tiến hành sửa sai trong lực lượng vũ trang. Cơ quan quân sự tỉnh đến huyện, xã được kiện toàn, củng cố, hàng vạn đội viên dân quân được minh oan. Tổ chức dân quân được củng cố về mọi mặt đáp
ứng với yêu cầu của nhiệm vụ mới. Hơn 1 vạn người được tổ chức vào dân quân đưa tổng số dân quân trên toàn lên 50.275 người, có 9.412 đảng viên, 151 ban chỉ huy xã đội, 2.941 xóm đội được kiện toàn. Thông qua công tác sửa sai, tình hình chính trị dần ổn định, tình hình kinh tế, xã hội cũng có chiều hướng phát triển tốt.
Như vậy, trong hai năm 1955 - 1956, trước sự thay đổi của tình hình đất nước, với việc thực hiện nhiệm vụ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Ban chỉ huy, lực lượng vũ trang tỉnh làm nòng cốt trong việc thực hiện vận động cải cách ruộng đất và sửa sai, vừa tham gia chiến đấu vừa tham gia sản xuất lao động, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Hà Tĩnh. Trong điều kiện gian khổ, phức tạp như vậy, một lần nữa lực lượng vũ trang tỉnh nhà thực sự là chỗ dựa vững chắc, thể hiện lòng trung thành với Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Đến tháng 6 năm 1957, Bác Hồ vào thăm Hà Tĩnh. Bác đã khen ngợi, biểu dương thành tích của cán bộ, đảng viên, bộ đội, nhân dân trong tỉnh, nhưng cũng thẳng thắn phê bình những mặt thiếu sót, khuyết điểm, ân cần chỉ bảo và động viên mọi người, mọi ngành đoàn kết, quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh trở thành một tỉnh kiểu mẫu về mọi mặt. Sau khi Bác đến thăm, một phong trào thi đua làm theo lời bác diễn ra sôi nổi. Lực lượng thanh niên, dân quân du kích cùng toàn dân ra đồng làm thủy lợi, cải tiến công cụ sản xuất, xây dựng tổ đổi công. Các đơn vị bộ đội thi đua luyện tập, xây dựng nền nếp chính quy và giúp nhân dân địa phương phát triển sản xuất. Hình thức vừa lao động tập trung, vừa huấn luyện dân quân du kích bắt đầu xuất hiện và có năng suất chất lượng tốt, tiêu biểu là dân quân du kích Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ.
Năm 1957, cơ quan quân sự đã phối hợp với ngành thương binh xã hội giải quyết chính sách cho 9.773 gia đình liệt sỹ, cấp bằng “Gia đình vẻ vang”
cho 15.955 gia đình bộ đội, đón nhận và làm thủ tục cho 2.923 quân nhân phục viên về địa phương tiếp tục công tác, sản xuất, ổn định gia đình [23; 18]. Công tác phục viên là chủ trương của Đảng, Chính phủ nhằm đưa một lượng lớn của quân đội tham gia khôi phục và phát triển kinh tế, đồng thời tạo cơ sở cho xây dựng lực lượng hậu bị, củng cố tiềm lực quốc phòng. Điều này làm tăng cường hơn nữa công tác vừa sản xuất vừa chiến đấu của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh.
Đến cuối năm 1958, Hội nghị Đảng ủy Tỉnh đội chỉ rõ: công tác sản xuất tự túc chưa được đẩy mạnh, tuy nhiên chưa thực hiện chủ trương của Đảng ủy Tỉnh đội về việc lực lượng vũ trang tỉnh phải góp sức mình vào việc xây dựng các tổ đổi công, hợp tác xã. Quán triệt và tổ chức lực lượng để về các xã giúp các cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các hợp tác xã, tổ đổi công. Một số huyện đội tuy được biên chế quân số ít nhưng cũng có nhiều cố gắng thực hiện tốt công tác này.
Bước sang năm 1959, dưới ánh sáng của Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khí thế thi đua lao động, sản xuất, ý thức sẵn sàng chiến đấu, chi viện miền Nam trong toàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ hơn, mạnh hơn. Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh được tổ chức tại thị xã Hà Tĩnh (từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 3 năm 1959) đánh dấu quân dân Hà Tĩnh bước sang một thời kỳ mới: thời kỳ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đại hội quyết định những vấn đề cụ thể cho công cuộc cải tạo, phát triển kinh tế văn hóa trong 3 năm là: “Hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa về nông nghiệp, thợ thủ công, buôn bán nhỏ. Phát triển công nghiệp nhỏ ở địa phương để phục vụ sản xuất, phát triển thành phần kinh tế quốc doanh và hợp tác xã mua bán. Mục tiêu phấn đấu hết năm 1960, bình quân lương thực đầu người đạt 500kg” [4; 41]. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, cấp ủy các cấp đã coi trọng tuyên truyền vận động chủ trương hợp tác hóa của Tỉnh ủy Hà Tĩnh,
giúp dân sản xuất. Trong năm 1959, các cơ quan đơn vị trong Tỉnh đội đã giúp 5.024 công, tổ chức trồng cây, xây dựng nhà máy cơ khí, làm thủy lợi, xây đài liệt sĩ. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Tỉnh đội trong việc đỡ đần giúp đỡ các hợp tác xã, góp tiền tiết kiệm mua cày 51, phân hóa học giúp dân. Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền đoàn thể và nhân dân địa phương cho đến đầu năm 1959, phong trào tổ đổi công và hợp tác xã phát triển mạnh. Huyện thực hiện tốt phong trào đổi công và hợp tác xã là Cẩm Xuyên và Thạch Hà. Toàn tỉnh đã xây dựng được 208 hợp tác xã, 12.995 tổ.
Để phù hợp với phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, kết hợp được giữa hoạt động sản xuất với hoạt động quân sự, Tỉnh đội đã tổ chức biên chế dân quân theo hợp tác xã. Nhờ đó, đến cuối 1960, toàn tỉnh đã có 526 hợp tác xã nông nghiệp và 138 hợp tác xã ngành nghề khác. Ngoài 6 cơ sở cũ, toàn tỉnh phát triển thêm 16 cơ sở kinh tế quốc doanh trong đó có những cơ sở lớn với