Chi viện cho các chiến trường, góp phần làm nên thắng lợ

Một phần của tài liệu Vai trò của lực lượng vũ trang hà tĩnh trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 27)

6. Bố cục của luận văn

1.2.2. Chi viện cho các chiến trường, góp phần làm nên thắng lợ

cuộc kháng chiến chống Pháp

Cùng với việc chiến đấu bảo vệ quê hương, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã cùng với nhân dân địa phương dốc toàn lực để chi viện cho các chiến trường, làm nên thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đi đôi với nhiệm vụ xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội làm nền móng cho chế độ mới, Đảng bộ Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo nhân dân và các đại đội Giải phóng quân, lực lượng tự vệ kiên quyết đấu tranh chống lại các âm mưu

chống phá của địch. Một mặt tiến đánh bọn thực dân Pháp và tay sai trên địa bàn, mặt khác chi viện cho chiến trường khác.

Cùng với Nghệ An, Thanh Hóa, hình thành nên vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Hà Tĩnh là hậu phương cho tiền tuyến Bình - Trị - Thiên. Lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã tích cực tăng cường lực lượng, củng cố hậu phương, tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường Bình - Trị - Thiên, và trực tiếp nhất là Quảng Bình, giành nhiều thắng lợi, góp phần tiêu hao sinh lực địch, làm thất bại âm mưu của kẻ thù, đưa cuộc kháng chiến phát triển toàn diện. Trong tháng 4/1948 Tiểu đoàn 400 đã lên đường cùng với Tiểu đoàn 418 Nghệ An vào hoạt động trên đất Quảng Bình. Ngày 1/5/1948, Tiểu đoàn 400 đã ra quân đánh trận đầu tiên vào vị trí quân địch ở Ba Đồn, tiểu đoàn đã lập công xuất sắc, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Tiếp đó, tiểu đoàn lại phối hợp với tiểu đoàn 418 tấn công căn cứ Sen Bàng, Hy Duyệt, gây cho địch nhiều thiệt hại. Kết quả của những trận chiến đấu này đã góp phần giải tỏa được đường vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến, dồn địch vào thế bị động hơn. Các tháng 7, 8, 9 năm 1948, các lực lượng của Hà Tĩnh và quân dân Quảng Bình đã đánh địch nhiều trận lớn, đưa chiến tranh vào sâu trong lòng địch như ở Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…Ở những nơi đó, ta đã phá vỡ một mảng lớn ách kìm kẹp của địch.

Cùng với sự phát triển của lực lượng vũ trang, thì trang bị vũ khí phục vụ cho yêu cầu phát triển chiến tranh du kích và đánh vận động, đánh công kiên trên quy mô lớn của bộ đội chủ lực cũng được tăng lên. Nhờ đó đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương và góp phần lập nên những chiến công to lớn của các đơn vị bộ đội trên các chiến trường.

Trước yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, từ cuối năm 1947 trở đi, Liên khu IV và tỉnh Hà Tĩnh còn tổ chức thêm một số xưởng sản xuất vũ

khí nữa, như xưởng Hà Huy Tập ở Sơn Hà, Sơn Bình (Hương Sơn), xưởng Lý Chính Thắng ở Bát Trạo (Nhân Lộc, Vĩnh Lộc, Can Lộc), xưởng bào chế dược ở Hương Khê…Cả vùng rừng núi rộng lớn từ Hương Khê đến miền thượng Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn của Hà Tĩnh đã trở thành nơi hội tụ của công nhân và trí thức cả nước. Nơi đây không chỉ sản xuất vũ khí, in bạc cụ Hồ mà còn là nơi đào tạo nên những cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi cho quân đội và cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền, lực lượng vũ trang đã tăng cường lực lượng, bảo vệ an toàn các cơ quan, công xưởng, ATK, tạo điều kiện cho các đoàn thuyền chở lương thực, thực phẩm ngược sông Ngàn Sâu lên Hương Khê an toàn, phục vụ cho các cơ xưởng và tiếp tế cho nhân dân Bình - Trị - Thiên sơ tán.

Thực hiện lời kêu gọi “Tổng động viên nhân tài vật lực cho kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, ngày 29/4/1950, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến triệu tập hội nghị các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh để tập trung xây dựng bàn biện pháp thực hiện tổng động viên phục vụ các chiến trường. Hội nghị đã chủ trương tiến hành thống kê nhân lực, phương tiện, phát thẻ quân sự cho nam nữ thanh niên từ 18 đến 45 tuổi để có kế hoạch động viên cho kháng chiến. Tỉnh thành lập Tiểu đoàn 290 và 8 đại đội du kích thường trực ở 8 huyện thay thế cho Trung đoàn 103 sau khi ra Bắc. Sau khi được thành lập, Tiểu đoàn 290 cùng các đại đội bộ đội địa phương huyện tích cực huấn luyện sẵn sàng làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu bảo vệ địa bàn tỉnh và chi viện cho các mặt trận theo yêu cầu của Liên khu.

Từ năm 1951, Hà Tĩnh không chỉ làm nhiệm vụ hậu phương cho chiến trường Bình - Trị - Thiên, chiến trường Lào như trước mà còn có những đóng góp cho các chiến dịch lớn ở chiến trường chính Bắc Bộ. Nhân dân Hà Tĩnh đã hăng hái động viên con em lên đường chiến đấu giết giặc. Phong trào xung

phong đi bộ đội sôi nổi. Cán bộ, đảng viên, con em Hà Tĩnh đã có mặt ở khắp mọi nẻo đường kháng chiến của đất nước ta. Trong chiến dịch Hà Nam Ninh (Quang Trung), tháng 5/1951, tuy ở xa Hà Tĩnh cũng huy động hơn 200 dân công có kỹ thuật đi xẻ gỗ làm cầu, phà phục vụ tuyến đường tiếp vận từ Nghệ An ra Thanh Hóa, ra Liên khu 3 phục vụ chiến dịch. Từ tháng 10 đến tháng 12/1952, trong chiến dịch Tây Bắc, Hà Tĩnh cũng huy động một số cán bộ, dân công đi phục vụ, tham gia xây dựng các cung trạm vận chuyển trên tuyến vận tải của Hội đồng Cung cấp mặt trận do Liên khu tổ chức.

Đồng thời, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về nghĩa vụ quốc tế, quân dân Liên khu IV nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với cách mạng Lào. Từ đầu năm 1951, ta đã tập trung giúp bạn tăng cường đào tạo cán bộ quân sự, cán bộ chính trị, củng cố và phát triển đơn vị vũ trang, phối hợp vũ trang chống địch dọc biên giới ba nước để mở rộng vùng giải phóng. Quân và dân Hà Tĩnh đã tích cực chi viện cho các bạn Lào. Cùng với Quảng Bình, dân công Hà Tĩnh đã làm đường ô tô lên đèo Mụ Dạ qua Ba-na-phào vào đường 9, vận chuyển 5.000 tấn vũ khí, lương thực phục vụ chiến đấu phối hợp với chiến trường Thượng Lào. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, bộ đội chủ lực ta lần đầu tiên có nhiệm vụ mang lực lượng lớn sang giúp nước bạn.

Bước sang đông xuân 1953 - 1954, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, Liên khu ủy Khu IV đã tổ chức hội nghị toàn đảng bộ, mở cuộc vận động “dốc bồ, thổ thúng” để chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Cùng với quân dân cả nước, quân dân Hà Tĩnh tiếp tục triển khai hàng loạt các công tác chuẩn bị cho chiến dịch lich sử Điện Biên Phủ với tinh thần. Trong một thời gian ngắn, nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp trên 1.000 tấn thóc, 200 kg thuốc lào, 2.500 chiếc khăn tay, 1.200 mũ lá và hàng ngàn lá thư từ hậu phương gửi tặng các chiến sĩ Điện Biên Phủ góp phần cổ vũ động viên và

tăng sức mạnh chiến đấu cho các đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận. Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điên Biên Phủ mở màn. Trong chiến dịch này, nhiều chiến sĩ ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh, tiêu biểu như anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên. Dân công và thanh niên xung phong Hà Tĩnh đã sát cánh cùng các đơn vị bạn vượt đèo cao suối sâu và bom đạn ác liệt của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, chỉ tiêu của cấp trên giao về công tác vận chuyển cho chiến dịch. Đến đầu tháng 7/1954, thực hiện chủ trương giải phóng Quảng Bình, Vĩnh Linh của Bộ, tiểu đoàn 293 bộ đội địa phương tỉnh được lệnh hành quân vào Quảng Bình cùng phối hợp với các đơn vị của quân khu chuẩn bị mở chiến dịch.

Có thể thấy lực lượng vũ trang Hà Tĩnh có vai trò to lớn trong việc góp phần: hậu phương vững chắc để cùng với cả dân tộc làm nên thắng lợi rung chuyển địa cầu - thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng vũ trang tỉnh không chỉ chiến đấu bảo vệ quê hương mà còn chi viện cho các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Lào nhằm đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trên bán đảo Đông Dương thúc đẩy tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào nói chung, quân dân Hà Tĩnh và quân dân Lào nói riêng.

* Tiểu kết chương 1

Hà Tĩnh là tỉnh có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về kinh tế, chính trị và quốc phòng của nước ta. Đây cũng là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Tĩnh vừa là miền đất đứng mũi chịu sào, vừa là hậu phương vững chắc của đất nước. Được xây dựng và phát triển trên quê hương giàu truyền thống, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh được tôi luyện trong đấu tranh, ngày càng trưởng thành và đạt nhiều thành tích góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền mới được thành lập, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh cũng nhanh chóng được ra đời. Kể từ lúc đó, mọi hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh cũng được đặt dưới sự chỉ đạo, tổ chức của Đảng bộ và Chính quyền. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh luôn ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, chỉnh đốn và phát triển lực lượng mình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vũ trang cả nước để tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết, vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của hậu phương chi viện không chỉ chiến trường trong nước mà còn chi viện cho nước bạn.

Với việc thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đã đạt được những thành tích to lớn. Đây cũng chính là thành quả của sự đoàn kết giữa lực lượng ba thứ quân với nhân dân tỉnh nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh. Phát huy cao độ truyền thống cách mạng kiên cường, lực lượng vũ trang Hà Tĩnh thực sự là lực lượng nòng cốt cho nhân dân địa phương đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ đi đến thắng lợi. Sự trưởng thành và chiến thắng vẻ vang của lực lượng vũ trang tỉnh nhà trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho giai đoạn cách mạng sau này.

Chương 2

VAI TRÒ CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 1954 - 1964

Một phần của tài liệu Vai trò của lực lượng vũ trang hà tĩnh trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954 1975) (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)