Trong những năm qua các mô hình làng sinh thái ở Việt Nam đã được phát triển, với các mục tiêu khác nhau như bảo tồn nguồn gen, phát triển du lịch, phủ xanh đồi trọc ở khu vực trung du miền núi phía bắc và phát triển kinh tế đồi rừng, và mô hình Làng sinh thái lâm nghiệp với mục tiêu bảo vệ vùng đệm cho khu bảo tồn thiên nhiên.
Làng sinh thái người Dao tại xã Hợp Nhất, huyện Ba Vì lại là mô hình tiêu biểu phủ xanh đồi trọc. Khi chưa có mô hình, tỷ lệ đói nghèo trong khu vực lên đến 68%, nay chỉ còn 6% (một số hộ đã đạt mức thu nhập hàng chục triệu đồng/năm). Khi chưa có mô hình, cả xã chỉ có 5 trẻ em học hết cấp II; kết thúc thời gian xây dựng mô hình, xã có trên 500 học sinh cấp II. Không chỉ giúp xây dựng trạm xá xã, dự án còn cung cấp kinh phí đào tạo giáo viên và y sĩ phục vụ cộng đồng; xây nhà hội họp, sinh hoạt cộng đồng theo đúng truyền thống của người Dao.
Mô hình làng tre Phú An tại tỉnh Bình Dương sau 4 năm thực hiện, giờ đây khu bảo tồn đã có trên 1.500 bụi tre của 17 giống, với 300 mẫu tre khác nhau của Việt Nam - trên thế giới có hơn 100 giống - trong đó có nhiều loại tre quý hiếm như cây nứa tép, tre vuông, vàng sọc, mai, mạy muồi, luồng, vầu, trúc Cao Bằng, tre mét, hóp, v.v. Bộ sưu tập tre được trồng theo từng khu vực: khu tre đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Bộ. [11]
“Làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua bảo tồn và phát triển” xây dựng tại thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, do UNDP tài trợ năm 2008. Mục tiêu của Dự án là nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền địa phương và người dân về tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội ; đồng thời xây dựng một mô hình áp dụng tiến bộ công nghệ trong bảo tồn và sử dụng bền vững các giống lúa địa phương có khả năng chịu hạn và mặn. Dự án được triển khai thí điểm tại 03 làng thuộc Thị trấn Phước Long, sau đó được nhân rộng ra nhiều làng khác trong tỉnh Bạc Liêu.
“Ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm thiểu tính nhạy cảm và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu” cũng do UNDP tài trợ năm 2008 tại xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án này đã nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về tác động của biến đổi khí hâu và xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm giảm thiểu tác động của hạn hán và lũ quét thông qua nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên trong nông nghiệp.
Năm 2010, Trung tâm nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD) đã công bố báo cáo “Thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế” trong đó nghiên cứu điển hình tại 03 xã tại Thừa Thiên Huế, bao gồm : xã Hương Lộc (xã thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã; xã Thủy Biều (nằm gần trung tâm thành phố Huế; xã Hải Dương (xã vùng ven biển, giáp với đầm phá, thuộc vùng hạ lưu sông Hương). Tại các xã trên, mặc dù người dân không biết nhiều về biến đổi khí hậu song họ lại có rất nhiều kinh nghiệm và sáng kiến thích ứng với những thay đổi khắc nghiệt của thiên nhiên như: trồng nhiều cây ở khu vực dân sinh để lấy bóng mát khi nắng nóng và trồng dọc ven sông để chống xói lở ven sông, xây dựng những nơi trú ẩn cho các hộ dân sống ở những vùng xung yếu, ven sông, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, tiết kiệm nguồn nước, quản lý hiệu quả tài nguyên nước, thay đổi cơ cấu cây trồng, điều chỉnh lịch mùa vụ, dạy bơi cho trẻ…
Ngoài ra, mô hình làng sinh thái lâm nghiệp tại một số xã vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Thừa Thiên Huế cùng được nhiều người biết tới với mục đích ban đầu khuyến khích người dân tham gia và cải thiện cuộc sống với một số chủ đề chính như: tăng cường công tác giao đất lâm nghiệp với quyền lợi cụ thể, phát triển du lịch sinh thái trong vùng đệm của khu bảo tồn để từ đó có hướng hỗ trợ đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy vậy, vấn đề khó khăn sau khi người dân nhận rừng chính là quyền hưởng lợi của họ trong khu vực rừng được giao, chi cục kiểm lâm địa phương cần có chủ trương hỗ trợ cho cộng đồng thông qua hỗ trợ kiến thức, đầu tư cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy rừng, tạo vườn ươm cây giống, tính pháp lý trong việc giao đất, giao rừng. Mô hình làng sinh thái lâm nghiệp là một hướng đi tất yếu và mong muốn của các nhà quản lý cũng như từ chính cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, kết quả đạt được ở mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất chính là sự tham gia nhiệt tình của chính cộng đồng địa phương.
Điểm chung mà các mô hình làng sinh thái trên thế giới và ở Việt Nam đã áp dụng là dựa vào cộng đồng dân cư sống tại khu vực thực hiện dự án và ngoài mục đích bảo tồn nguồn gen, phủ xanh đồi trọc, bảo tồn thiên nhiên, các mô hình trên cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế cho người dân sống trong khu vực.
Sự khác biệt giữa các mô hình làng sinh thái của Việt Nam và các nước phát triển là nền kinh tế của các nước phát triển đã ổn định, nhu cầu về đa dạng sinh học, du lịch sinh thái hay nguồn cung cấp thực phẩm xanh của các nước phát triển xuất phát từ chính nhu cầu của người dân, còn ở Việt Nam làng sinh thái của chúng ta xuất phát từ sự tâm huyết của các nhà khoa học, của các nhà quản lý để phục vụ cho mục đích nhất định đó như bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn gen hay phát triển kinh tế đồi rừng. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình làng sinh thái của chúng ta đều rất khó khăn để tồn tại và phát triển do đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, nhận thức của người dân về đa dạng sinh học, về bảo tồn nguồn gen còn chưa tốt, người dân nhất là những người dân nghèo vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn về nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, như nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nước uống…đây cũng là những điều trăn trở mà các nhà khoa học và các nhà quản lý vẫn đang tìm hướng giải quyết cho mỗi mô hình làng sinh thái riêng.