Mới đây, UNEP đã đưa ra mô hình “kinh tế xanh” mới và khẳng định mô hình này sẽ không những giúp giảm bớt tình trạng đói nghèo kinh niên ở nhiều nước, mà còn hạn chế được tối đa các hành động xâm hại của con người đối với các hệ sinh thái tự nhiên. Nền kinh tế xanh là một hệ thống kinh tế phản ánh sự tích hợp giữa các hệ sinh thái và đảm bảo khả năng phục hồi của các hệ thống hỗ trợ sự sống, hòa hợp với thiên nhiên.
Để thực hiện nền kinh tế xanh, việc hồi phục các hệ sinh thái có thể được xem như là một động cơ kinh tế, đồng thời tăng thêm công ăn việc làm xanh, và kết quả của các dự án đã thực hiện trong mấy năm qua tại nhiều nước là sự khích lệ các nhà quản lý thực hiện các dự án hồi phục các hệ sinh thái đã bị suy thoái (UNEP, 2010).
Trong những năm qua, ở các nước phát triển và ở Việt Nam đã xây dựng được những mô hình làng sinh thái với những mục đích khác nhau và ở nhiều khu vực khác nhau từ miền núi trung du đến miền ven biển, những mô hình này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế xã hội và đa dạng sinh học.
Các mục đích của Làng sinh thái là quy hoạch vật chất (như sử dụng năng lượng thấp với mức hiệu suất cao và sản sinh chất thải thấp) và quy hoạch xã hội (như nâng cấp các giá trị xã hội và văn hoá liên quan tới giá trị vật chất,...).
Làng sinh thái là một hệ sinh thái có không gian sống của một cộng đồng người nhất định. Hệ sinh thái này có chức năng sản xuất ra những thứ cần thiết cho nhu cầu của cộng đồng mà không phá vỡ cân bằng sinh thái. Trong đó, con người có vai trò trung tâm để điều hòa các mối quan hệ nhằm sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên sẵn có, hướng tới một sự cân bằng ổn định, bền vững cả về khía cạnh tự nhiên lẫn xã hội.
Trong Làng sinh thái, nhà ở thường là nhà kiểu năng lượng thấp (không quá 10.000KWh/năm), đảm bảo không dùng các nhiên liệu hoá thạch, tránh sử dụng xe hơi, hàng hoá được tiêu thụ trong các cửa hàng bán lẻ. Rau, cây ăn quả, hoa và cả cây lấy gỗ được trồng trên các lô đất tập thể và tư nhân để tự thoả mãn nhu cầu. Các phế thải sinh vật được sử dụng làm phân bón và giảm lượng thải rắn hữu cơ, hạn chế được sự ô nhiễm nguồn nước. Việc ủ phân cục bộ, tách nguồn hợp lý và đốt giấy loại có thể giảm một khối lượng chất thải rắn từ các hộ gia đình hàng năm khoảng từ 250kg/người xuống 100kg/người, hoặc thậm chí thấp hơn,... [21]