thiệt hại ô nhiễm dầu tại Việt Nam
Hiến pháp năm 1992 có quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong đó có môi trường biển, đã trở thành một nguyên tắc quan trọng, theo đó các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại môi trường. Ngoài ra, Luật Biển Việt Nam năm 2012, việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển năm 2012 cũng quy đinh về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ô nhiễm môi trường tại khoản 4. Điều 35 cụ thể: “Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan làm
ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường biển trong vùng biển, cảng biển, bến hay nơi trú đậu của Việt nam thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; nếu gây thiệt hại thì phải làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 đã đưa ra các định nghĩa, khái niệm và các nội dung quan trọng về môi trường, trong đó, tại Điều 58 của Luật bảo vệ môi trường 2005 yêu cầu các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải nói chung và kinh tế biển nói riêng phải tiến hành các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Quy định các nguyên tắc về xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, trong đó có nguyên tắc “ Người gây ô nhiễm phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”.
Bộ luật Hàng hải 2005: Đây là một đạo luật về chuyên ngành điều chỉnh tất cả các quan hệ pháp luật trong hoạt động hàng hải ở nước. Bộ luật này quy định định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền bộ, cảng biển, luồng hàng hải, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, giới hạn trách nhiệm dân sự đối với những khiếu nại hàng hải, quỹ đảm bảo bồi thường và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học theo Điều 28 quy định: “tàu biển khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam phải chấp hành các quy định về phòng ngừa ô nhiễm môi trường; tàu chuyên dung vận chuyển dầu mỏ phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu; được giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các khiếu nại hàng hải theo quy định có liên quan của Bộ luật; khiếu nại về ô nhiễm môi trường là khiếu nại phát sinh quyền bắt giữ tàu biển” (Điều 29, 41, 69, 70)… Như vậy, khi tàu gây ra sự cố tràn dầu, việc xem xét trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại sẽ được giải
quyết theo CLC 1992 nếu tàu gây ô nhiễm là tàu dầu và dầu tràn ra biển là dầu nặng, khó phân hủy. Ngoài ra, khi tàu biển đến, rời cảng biển đều phải xuất trình các Giấy chứng nhận và tài liệu phù hợp theo quy định tại Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.
Việc thành lập Quỹ bảo đảm bồi thường mới chỉ được đề cập khái quát và mang tính nguyên tắc, cụ thể tại Khoản 1 Điều 223 quy định “Người được quyền giới hạn trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này có thể lập Quỹ bảo đảm bồi thường để giải quyết các khiếu nại hàng hải mà mình được quyền giới hạn trách nhiệm. Quỹ bảo đảm bồi thương được lập với giá trị bằng tổng các khoản quy định tại Điều 222 của Bộ luật và cộng với lãi suất kể từ ngày xảy ra vụ việc dẫn đến khiếu nại hàng hải cho tới ngày lập Quỹ bảo đảm bồi thường”. Như vậy có thể hiểu là chủ tàu hoặc người thuê tàu hay người được quyền giới hạn trách nhiệm dân sự “có thể lập Quỹ” chứ việc lập Quỹ là chưa bắt buộc.
Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005: Theo Điều 624 BLDS, cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy dịnh của pháp luật, trừ trường hợp người bị thiệt hại có lỗi. Điều 623 quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, trong đó có thiệt hại do dầu gây ra. Ngoài ra, có thể vận dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi xả, thải, làm tràn dầu gây ô nhiễm môi trường
Đánh giá
- Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 chưa có quy định rõ vấn đề trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, không có biện pháp cưỡng chế dẫn đến sự hạn chế, tiêu hao quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Chưa có quy định rõ ràng để phân biệt giữa trách nhiệm khắc phục, phục hồi môi trường theo pháp luật về
hành chính và trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo pháp luật về dân sự. Chính vì chưa có cơ chế riêng về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu và cũng chưa có quỹ bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu (theo Công ước CLC 1992) nên khi các vụ gây ô nhiễm dầu xảy ra, việc giải quyết đòi bồi thường thiệt hại đều làm cho các cơ quan chức năng lẫn nạn nhân đều lúng túng.
- Việc quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là của các cơ quan quản lý đối với sự cố tràn dầu còn chung chung, không cụ thể, không rõ ràng. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương còn có sự chồng chéo. Việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu là một quy định bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây nên sự cố tràn dầu. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, cũng như chưa có quy định về việc tổ chức, cơ quan nào sẽ đứng ra thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó và kiểm tra việc thực hiện các nội dung được đề ra trong kế hoạch. Nếu không có thẩm định, phê duyệt thì không thể xác định được liệu các nội dung trong bản kế hoạch có đầy đủ, đúng, đáp ứng được yêu cầu không và nếu không có kiểm tra, giám sát thì càng không thể đánh giá được tính hiệu quả của việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố.