Phân biệt tái phạm với phạm nhiều tội

Một phần của tài liệu Tái phạm, Tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (Trên cơ sở số liệu xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) (Trang 32)

Cũng như phạm tội nhiều lần, khái niệm phạm nhiều tội cũng chưa được nhà làm luật ghi nhận trong BLHS Việt Nam.Trong khoa học luật hình sự Việt Nam, cũng có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm phạm nhiều tội.

Theo GS, TSKH Lê Cảm thì:

Phạm nhiều tội là phạm từ hai tội trở lên hoặc khi hành vi của người phạm tội có các dấu hiệu của từ hai tội trở lên, mà những tội ấy được quy định tại các điều khác nhau (hoặc tại các khoản khác nhau của cùng một điều nếu các đối tượng của tội phạm khác nhau) trong Phần riêng Bộ luật hình sự, đồng thời đối với những tội ấy vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội chưa bị xét xử về tội nào trong số những tội ấy [5, tr.396].

Theo tiến sỹ Lê Văn Đệ thì khái niệm phạm nhiều tội được định nghĩa như sau:

Phạm nhiều tội là trường hợp một chủ thể thực hiện hai tội phạm trở lên, mà những tội phạm đó được quy định tại các điều luật khác nhau hoặc các khoản khác nhau của một điều luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, nhưng người phạm tội chưa bị xét xử về tội nào trong số các tội ấy [22, tr.50-51].

Nghiên cứu về chế định phạm nhiều tội, chúng ta có thể thấy các dấu hiệu đặc trưng cơ bản của phạm nhiều tội, đó là:

1) Người phạm tội phải thực hiện từ hai tội trở lên hoặc hành vi của người đó phải có đầy đủ các dấu hiệu của từ hai CTTP độc lập trở lên;

2) Những tội phạm ấy được quy định tại các điều khác nhau hoặc tại các khoản khác nhau của cùng một điều luật (nếu các đối tượng của tội phạm khác nhau) trong Phần các tôi phạm trong Bộ luật hình sự;

3) Đối với những tội phạm ấy vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội chưa bị xét xử về tội nào trong số các tội đó.

Qua các dấu hiệu của phạm nhiều tội có thể thấy trường hợp này cũng giống như trường hợp “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” ở chỗ người phạm tội đều có hơn một lần thực hiện các tội phạm. Tuy nhiên, hai trường hợp này có những điểm khác biệt:

Thứ nhất, trong “tái phạm, tái phạm nguy hiểm” thì dấu hiệu “đã bị kết án, chưa được xoá án tích” là dấu hiệu bắt buộc để xác định có thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay không, còn trong “phạm nhiều tội” thì lại đòi hỏi về những lần phạm tội đó người phạm tội chưa bị kết án (chưa bị xét xử).

Thứ hai, trong tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì tội phạm mới có thể cùng một điều luật hoặc nhiều điều luật khác nhau còn trong phạm nhiều tội thì tội phạm phải gồm nhiều điều khác nhau hoặc tại các khoản khác nhau của cùng một điều luật.

Một phần của tài liệu Tái phạm, Tái phạm nguy hiểm theo Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (Trên cơ sở số liệu xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)