Về việc lựa chọn đường dùng trong thực hiện kháng sinh tiêm

Một phần của tài liệu Khảo sát cách sử dụng kháng sinh dùng đường tiêm ở bệnh viện phụ sản TW (Trang 39)

Chỉ định trong các bệnh án được khảo sát luôn có đầy đủ thông tin về đường dùng. Tỷ lệ đường tĩnh mạch chiếm trên 97%, bao gồm tiêm tĩnh mạch và truyền tĩnh mạch. Hầu hết chỉ định đường dùng đều phù hợp với khuyến cáo. Tuy nhiên, có 2 trường hợp (0,4%) có sai sót trong chỉ định đường dùng đều liên quan đến sử dụng clindamycin: 1 trường hợp clindamycin với được chỉ định liều 0,6g tiêm tĩnh mạch thay vì tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch, 1 trường hợp khác được chỉ định tiêm bắp liều 1,2g. Trong kết quả khảo sát kiến thức điều dưỡng, đối với clindamycin có 22,4% lượt lựa chọn của điều dưỡng cho rằng có thể tiêm tĩnh mạch. Mặc dù kích ứng tại chỗ rất ít khi xảy ra, nhưng một vài trường hợp đã ghi nhận tiêm bắp clindamycin có thể gây chai cứng hoặc áp xe vị trí tiêm. Clindamycin tiêm tĩnh mạch có thể gây viêm tắc tĩnh mạch và những ảnh hưởng trên hệ tim mạch như: ngừng tim, kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh. Các dấu hiệu này sẽ biến mất sau khi ngừng sử dụng clindamycin vài ngày. Một bệnh nhân 50 tuổi đã bị ngừng tim sau khi tiêm tĩnh mạch nhanh 600 mg clindamycin [25]. Vì vậy, clindamycin chỉ được khuyến cáo tiêm bắp sâu với liều 1 lần không quá 600 mg và truyền tĩnh mạch với nồng độ 18 mg/ml và truyền với tốc độ tối đa là 30 mg/phút [7, 15, 25, 30].

Tỷ lệ lựa chọn sai đường dùng của điều dưỡng khá cao, 44,9% lựa chọn tiêm bắp với những thuốc không được khuyến cáo tiêm bắp, 72% lựa chọn tiêm tĩnh mạch với những thuốc không được khuyến cáo tiêm tĩnh mạch. Do đó, khả năng gặp các sai sót về lựa chọn đường dùng trong thực hiện thuốc trên lâm sàng hoàn toàn có thể xảy ra.

Các nghiên cứu về các trường hợp sử dụng sai đường dùng và hậu quả hiện nay còn ít, chủ yếu dựa vào các báo cáo ca [6].Trong một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong liên quan đến sai sót thuốc đã chỉ ra sai sót về đường dùng là nguyên nhân phổ biến thứ ba sau các sai sót về thuốc và liều dùng. Trong nghiên cứu này, trên 57 bệnh nhân (9,5 %) có phát hiện sử dụng thuốc sai đường dùng, trong đó có 4 bệnh

nhân tử vong[23]. Tỷ lệ sai sót đường dùng trong một nghiên cứu là 28,7% [12], trong một nghiên cứu khác là 33% [6]. Trong đó hầu hết các trường hợp sai sót đều không xuất hiện tác dụng không mong muốn (ADR) hoặc xuất hiện ADR vừa và nhẹ, tỷ lệ nhỏ xuất hiện ADR nặng (7,7%) và không có trường hợp nào tử vong. Trong đó các sai sót gây ADR nặng đều do sơ suất của điều dưỡng trong quá trình thực hiện. Các lỗi sai đường dùng có thể do các nguyên nhân như: thiếu kiến thức về thuốc, mất tập trung hoặc thiếu quy trình thực hiện được chuẩn hóa[24].

Các nghiên cứu trên đều có tỷ lệ sai sót liên quan đến đường dùng cao hơn khảo sát của chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, kháng sinh đều không phải là đối tượng nghiên cứu chính trong các nghiên cứu đó.

Một phần của tài liệu Khảo sát cách sử dụng kháng sinh dùng đường tiêm ở bệnh viện phụ sản TW (Trang 39)