HIỆN TRẠNG NGHIÊN CỨU DƯ LƯỢNG POP Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ hóa học CHUYÊN NGHÀNH hóa PHÂN TÍCH (Trang 68)

7. Bố cục của luận án

1.8. HIỆN TRẠNG NGHIÊN CỨU DƯ LƯỢNG POP Ở VIỆT NAM

Điều tra khảo sát mức độ tồn lưu dư lượng thuốc BVTV nhóm POP bao gồm các hợp chất hữu cơ clo, trong đó có DDT và HCH trong các đối tượng môi trường đất và nước ở Việt Nam đã được tiến hành từ những năm 80 của thế kỷ trước [76]. Trong những năm 90, nhóm nghiên cứu của Đặng Đức Nhận (65, 66, 67) đã có nhiều đóng góp xây dựng phương pháp phân tích dư lượng các hợp chất POP (DDT, HCH, HCB, nhóm “drin” và PCB) trong môi trường sa lắng và thủy sinh đới ven biển miền Bắc Việt nam và vùng Hà Nội.

Các tác giả nhóm nghiên cứu này thấy rằng ở miền Bắc Việt nam DDT vẫn còn đang được sử dụng, nhưng có lẽ nguồn phát thải là từ công tác vệ sinh chống muỗi ở các khu tập thể đông người và ở những khu vực gần bệnh viện. Công tác điều tra tồn lưu nông hóa nhóm POP thuộc Dự án do UNDP tài trợ cho Tổng Cục Bảo vệ môi trường năm 2007 còn phát hiện thêm một nguồn DDT bị lãng quên trong quá khứ và chôn vùi ở một vài địa phương miền núi, ví dụ ở Tuyên Quang và Thái Nguyên. Hóa chất này là do Y tế dự phòng quản lý trong những năm chiến tranh chống Mỹ [8].

Nhóm nghiên cứu [61] cũng nhận thấy DDT vẫn đang được sử dụng tại thành phố Hồ Chí Minh và hàm lượng DDT và PCB trong bùn lắng lấy từ kênh-rạch trong nội thành thành phố cao hơn hẳn so với trong bùn lắng khu vực ngoại ô chứng tỏ DDT và PCB có nguồn phát thải từ ngay khu vực thành phố, không phải do hoạt động nông nghiệp.

Bùi Học và các cộng sự đã tiến hành phân tích hàm lượng một số POP trong đất và nước của hai thành phố lớn ở miền nam và miền trung là Biên Hòa và Đà Nẵng trong hai năm 2003-2004 [5]. Trong Báo cáo tổng kết đề tài, nhóm nghiên cứu Bùi Học cũng đã chỉ ra rằng dư lượng DDT và 666 trong các mẫu môi trường ở hai khi vực nghiên cứu có nguồn gốc liên quan đến sử dụng các công thức thuốc trừ

gián, muỗi của dân chúng trong những khu vực đông dân cư và hệ thống kênh rạch không vệ sinh. Có khả năng các loại bình xịt chống dán-muỗi lưu hành trên thị trường vẫn còn có các hoạt chất độc hại DDT và 666 mà quản lý thị trường không kiểm soát được trên đường nhập lậu.

Gần đây, nhóm nghiên cứu của Carvalho và Đặng Đức Nhận [18,20] đã tiến hành điều tra mức độ ô nhiễm POP cũng như dư lượng một số thuốc bảo vệ thực vật khác trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh miền tây Nam Bộ) và cho thấy tại khu vực này hàm lượng DDT, HCH, HCB, "drin" và 10 đồng đẳng của PCBs từ CB48 đến CB180 trong mẫu bùn sa lắng và thịt động vật đáy ít di chuyển như trai, hến, ngao là rất thấp. Hơn nữa, dư lượng nhóm ‘drin” có nhiều khả năng là do rơi lắng từ khí quyển từ ngoài biên giới đến chứ không phải từ nguồn phát thải địa phương. PCBs có nguồn gốc từ hỗn hợp dầu nhớt dùng trong ngành ô tô-xe máy. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu về nguồn phát thải POP ở Việt Nam còn đang rất mới vì các số liệu phân tích cũng như diện tích nghiên cứu còn phân tán và hạn chế.

Nghiên cứu sinh cũng là một trong các tác giả của công trình nghiên cứu tồn dư các POP trong môi trường thủy quyển trên địa bàn TP. Đà Năng trong hai năm 2003-2004 [5]. Kết quả của công trình này cũng mới chỉ ở mức độ xác định được thành phần và định lượng được mức tồn dư của một số POP, chủ yếu là DDT, PCB và lindane trong nước mặt và bùn (cũng bằng phương pháp GC-ECD) xung quanh thành phố Đà Nẵng, nhưng không phải từ các khu vực gần kho tàng quân sự, nơi trước đây có lưu chứa thuốc diệt cỏ. Nhóm tác giả chưa nhận diện được các nguồn phát thải POP trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hơn nữa, các tác giả của công trình [5] không công bố các kết quả nghiên cứu của mình do vậy vẫn có thể coi rằng cần phải phân tích đánh giá lại hiện trạng tồn lưu các POP tại khu vực này.

Rất có thể một số cơ quan có liên quan của quân đội đã triển khai nghiên cứu xác định mức tồn lưu dioxin và furan trong môi trường của thành phố Đà Nẵng có kết hợp với chuyên gia nước ngoài. Nhưng cho đến nay chưa có kết quả nào được công bố ở bất kỳ một hội thảo quốc gia hoặc quốc tế cũng như trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.

Tóm lại, qua tổng quan các phương pháp phân tích POP nhận thấy chỉ có phương pháp GC-ECD là đáp ứng được yêu cầu về độ nhạy phân tích dư lượng các hợp chất POP trong môi trường. Detector MS cũng được sử dụng để định lượng các POP. Tuy nhiên, độ nhạy của MS là thấp hơn khoảng từ 20 đến 30 lần so với ECD. Thông thường trong nghiên cứu dư lượng POP, detector MS được ghép nối phía sau ECD để khẳng định các hợp chất do ECD nhận diện.

Phương pháp chiết Sohxlet được cho là có ưu điểm hơn so với chiết lắc hoặc chiết siêu âm vì thời gian tách pha ngắn, mẫu ít bị bẩn bởi các hợp chất hữu cơ hơn. Điều này tạo thuận lợi cho quy trình làm sạch và phân nhóm các POP trong khâu tiếp theo.

Cho đến thời điểm hiện tại chưa có công trình nghiên cứu POP nào áp dụng phương pháp thông kê phân tích nhân tố chính đề nhận diện các nguồn phát thải trên địa bàn nghiên cứu.

Vì còn có những tồn tại trong nghiên cứu tồn dư POP trong môi trường nêu trên nên NCS đã chọn phương pháp xử lý mẫu bằng chiết Soxlet để tách ô nhiễm ra khỏi mẫu. Đây cũng là định hướng của tất cả các công trình nghiên cứu của NCS từ trước tới nay. Đồng thời, NCS cũng nghiên cứu áp dụng phương pháp nhận diện nguồn phát thải ô nhiễm bằng phương pháp thông kê cao cấp với bộ số liệu phân tích được đảm bảo và kiểm soát chất lượng, tức là có độ chính xác cao.

CHƯƠNG 2. THỰC NGHIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong chương 2, NCS mô tả tiêu chí lựa chọn địa điểm lấy mẫu, vị trí các điểm lấy mẫu, phương pháp lấy mẫu, bảo quản và xử lý mẫu tại phòng thí nghiệm, phương pháp định tính và định lượng các POP, chương trình đảm bảo và kiểm soát chất lượng kết quả phân tích (QA/QC). NCS cũng trình bày lý do sử dụng chương trình máy tính SPSS (Statistical Program for Social Sciences) để nhận diện các nguồn phát POP trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Một phần của tài liệu LUẬN án TIẾN sĩ hóa học CHUYÊN NGHÀNH hóa PHÂN TÍCH (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)