Đời sống văn hóa của người dân Quảng Trị

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân quả của phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với đời sông người dân quảng trị trong thời đại ngày nay (Trang 47)

Văn hóa là nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, được kết tinh trong suốt quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Nó vừa là động lực phát triển kinh tế, vừa là nơi bảo lưu và minh chứng cho sự phát triển xã hội qua các giai đoạn lịch sử của quốc gia. Văn hóa làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng, góp phần vào quá trình bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc, nhất là các lễ hội dân gian.

Bản sắc văn hóa đó là sự lắng động trầm tư của mái đình - bến nước - cây đa, là khúc đồng dao, là câu dân ca có sức sống đến vô cùng... Đặc biệt, ngôi đình làng trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn còn nguyên một thế giới tâm linh thiêng liêng, thần bí mà cũng gần gũi với tâm hồn người dân quê. Đình làng nói chung, với chức năng vốn có, tự nó đã khẳng định giá trị, ý nghĩa trong đời sống văn hoá, xã hội của mỗi một cộng đồng dân cư của người dân Việt.

Trong quá khứ đã qua và trong hiện tại, có một miền quê Quảng Trị - “thánh địa” của miền Trung, một Quảng Trị với màu hồng Thành cổ, một Quảng Trị với Lũy thép Vĩnh Linh, một Quảng Trị nằm sâu dưới lòng địa đạo…Và lại có một Quảng Trị bay bổng những làn điệu dân ca, tươi mới những sắc màu văn hoá làm xao lòng tất cả những ai đã từng đặt chân lên mảnh đất này. Được hình thành và phát triển trên vùng đất giữa “khúc ruột” miền Trung của đất nước, nơi mà thiên nhiên không ưu đãi, nơi thường là chiến trường ác liệt của nhiều cuộc chiến tranh đã hun đúc cho con người Quảng Trị những nét tính cách đặc thù đáng quý: Kiên cường, bất khuất, dũng cảm, thông minh trong các cuộc chiến tranh vì nghĩa lớn; cần cù, tự lực, tự cường sáng tạo trong sản xuất và xây dựng cuộc sống, có tâm hồn trong sáng, bình dị, khí khái, bộc trực thẳng thắn và hết mực thủy chung son sắt.

Từ khi còn thuộc quận Nhật Nam đời Hán cho đến thời điểm trở thành một tỉnh với các đơn vị hành chính toàn vẹn như hiện nay, có thể nói Quảng Trị đã nếm trải hầu hết các thăng trầm của cuộc sống. Nhưng có lẽ những thăng trầm ấy đã bị khuất phục bởi những con người kiên cường của mảnh đất gió lào cát trắng này. Truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó đã hình thành cho người Quảng Trị một bản lĩnh không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ để vượt lên chiến thắng thiên tai, địch họa. Quá trình tồn tại và phát triển của Quảng Trị là quá trình con

người tự chinh phục, đấu tranh, sáng tạo để khẳng định mình. Ý thức tin tưởng vào ngày mai "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây" đã trở thành nền tảng cho người Quảng Trị vượt lên tất cả và chiến thắng.

Trong các cuộc đấu tranh giữ nước và dựng nước, các thế hệ người dân Quảng Trị đã phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của quê hương được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Họ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của quê hương, đất nước. Họ đã làm nên những chiến công chói lọi tô thắm thêm những trang sử hào hùng của quê hương Quảng Trị.

Con người Quảng Trị còn có một truyền thống hiếu học, ở trên vùng đất điều kiện phát triển vô cùng khó khăn thì chính chí khổ học khổ luyện là truyền thống quý báu của người dân Quảng Trị từ bao đời nay. Chính vì vây, Quảng Trị là quê hương của nhiều đại khoa và danh nhân nổi tiếng đất Việt.

Ngày nay, những giá trị lịch sử truyền thống quý báu của con người Quảng Trị đã và đang là động lực tinh thần to lớn cổ vũ lớp trẻ trong chặng đường xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Bản sắc văn hoá của Quảng Trị có một dấu ấn riêng, thấm đẫm tình đất và tình người của miền gió lào – cát trắng.

Trong kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Quảng Trị thì di sản văn hoá chiến tranh cách mạng là khổng lồ, hoàn toàn xứng đáng đứng vào vị trí những địa danh nổi tiếng hàng đầu đất nước và thế giới. Không những thế, Quảng Trị còn nổi tiêng với những di tích danh thắng tiêu biểu làm say đắm lòng người.

Đó là dòng Thạch Hãn, con sông nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị. Sông Thạch Hãn là mạch máu giao thông đường thuỷ quan trọng của Quảng Trị, vùng đất phên dậu phía Bắc của nhà Nguyễn và là “con hào thiên tạo” phía Bắc Thành cổ. Trong mùa hè rực lửa năm 1972, Thạch Hãn đã trở thành dòng sông oanh liệt, ôm vào lòng hàng ngàn người con ưu tú của tổ quốc, khi họ dũng cảm vượt sông dưới làn đạn địch, theo tiếng gọi của chiến trường. Máu đỏ hoà vào nước. Thịt xương tan vào đất. Họ mãi mãi nằm xuống cho khát vọng tự do, có câu thơ thật sự nỗi tiếng về dòng sông này.

Đáy sông còn mãi bạn tôi nằm”.

Hàng năm nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, Quảng Trị tổ chức lễ thả đèn hoa, bè hoa trên sông, tưởng nhớ hàng ngàn liệt sĩ đã hi sinh khi vượt sông Thạch Hãn.

Cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam, cách Quốc lộ 1A khoảng 2 km về phía Đông cũng là một địa danh nổi tiếng: Thành cổ Quảng Trị. Một địa danh, mà khi bước vào mỗi con người chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động, nơi mà không biết bao nhiêu chiến sĩ, bao nhiêu con người nằm xuống mãi mãi trên mảnh đất này, vì màu xanh của đất nước.

Đó còn là Khe Sanh, một thung lũng mỗi chiều chưa tới 10km, bốn bề núi rừng trùng điệp, có khe nước trong vắt từ lòng núi chảy ra. Nơi đây hơn 40 năm trước là một căn cứ địa bất khả chiếm của Mỹ với nhiều cứ điểm như sân bay Tà Cơn, Làng Vây, Hướng Hóa…Nhưng chính chiến thắng Khe Sanh của quân và dân ta đã góp phần đập tan chiến lược “chiến tranh cục bộ”, chiến thuật “tìm diệt”, “bình định” của Mỹ. Cái sót lại của chiến tranh ở nơi đây là Bảo tàng Tà Cơn và những dòng lưu bút của các cựu chiến binh cả bên này và bên kia.. Theo vệt đường 9- Khe Sanh, đi qua các làng bản người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi…, vượt dòng Đakrông huyền bí với bao câu chuyện thần tiên, sử thi ở km 65, dừng lại bản Bông Tho, xã Tà Long, Đakrông, một cung đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh gần như nguyên vẹn từ bao nhiêu năm trước, ẩn mình trong thâm u rừng đại ngàn… Con đường đã “cõng” trên 2 triệu lượt người, hàng chục ngàn đòan xe, hàng triệu tấn lương thực, súng đạn chi viện cho chiến trường Miền Nam. Và sự mất mát cũng thật lớn không thể nào kể hết. Ngày hôm nay, ngay bên cạnh cung đường “di tích” huyền thọai thời chiến tranh là giao lộ của Đại lộ Hồ Chí Minh thế kỷ 21 và con đường xuyên Á. Một cung đường nối quá khứ huyền thọai với tương lai rực rỡ. Bên cạnh những di sản văn hoá chiến tranh cách mạng, những di tích danh thắng tiêu biểu, sắc màu văn hóa của vùng đất Quảng Trị còn được tô điểm bởi những nét đặc sắc trong hội hè, đình đám. Đó là những lễ hội dân gian truyền thống như Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ; Tết cơm mới; lễ hội Cầu Ngư; lễ hội tôn giáo

như lễ Vu Lan, rước kiệu Đức Mẹ La Vang; và các lễ hội cách mạng lịch sử cũng đang được hình thành phát triển như lễ hội "Uống nước nhớ nguồn", “Huyền thoại cõi Trường Sơn” kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 bằng hình thức thả hoa trên sông Thạch Hãn; lễ hội "Thống nhất non sông" ở đôi bờ sông Bến Hải. Ngoài các lễ hội kể trên, ở Quảng Trị còn có các trò chơi dân gian thường diễn ra trong Tết Nguyên đán. Tết đến, nhiều làng mở hội, vui xuân như: Chạy cù, đánh đu, đánh bài chòi, đua ghe, hát bội, đánh vật, đá gà…

Lễ hội, trò chơi dân gian là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có tính phổ biến trong đời sống xã hội, có sức lôi cuốn đông đảo nhân dân, nhất là lớp trẻ tham gia. Phong tục tập quán Quảng Trị cũng như ở các nơi khác là nhấn mạnh phương châm "tùy gia phong kiệm". Phong tục lễ nghi được giản lược đến mức vừa đủ tối thiểu. Người dân Quảng Trị rất tâm đắc câu tục ngữ: "Không ai khen đám cưới, không ai cười đám ma".

Văn hoá Quảng Trị còn được kết tinh ở tinh thần cộng đồng bền chặt, phong cách giao tiếp, ứng xử và lối sống thuần hậu, tao nhã của người dân xứ Quảng...Trên vùng đất bi thương nhưng hào hùng về lịch sử. Con người Quảng Trị luôn luôn khao khát được một cuộc sống an lành. Chính vì vậy đạo Phật đã đến sưởi ấm, xoa dịu những nỗi đau thương mất mát cho người dân nơi đây, và có thể khẳng định rằng phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Quảng Trị và ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tinh thần của con người nơi đây.

Và hôm nay, đến với Quảng Trị, ngắm nhìn những đổi thay trên mảnh đất một thời khói lửa sẽ cảm nhận hết được nét đẹp của một miền quê thấm đẩm tình người và sắc màu văn hoá.

Một phần của tài liệu Tư tưởng nhân quả của phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với đời sông người dân quảng trị trong thời đại ngày nay (Trang 47)