Trong quá trình xây dựng nhà thầu phai thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình, quy phạm, các tiêu chuẩn an toàn trong trong xây dựng theo các quy phạm sau:
- TCVN 5178-2004. Quy phạm kỹ thuật an toàn trong khai thác và chế biến đá lộ thiên.
- TCXDVN 296:2004. Dàn giáo – các yêu cầu về an toàn. - TCVN 5308-1991. Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng
Ngoài ra các đơn vị thi công phải lập biện pháp an toàn lao động cho những công việc những hạng mục có nguy cơ mất an toàn cao để Chủ đầu tư và các cơ quan xem xét phê duyệt mua sắm đầy đủ các công cụ, những trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn lao động.
1. An toàn trong thi công đào đất đá hở
Trong hồ sơ thiết kế biện pháp tổ chức thi công đào đất, đá phải đề cập đến các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công theo các quy định hiện hành. Nhà thầu tự chịu trách nhiệm về an toàn trong thi công không phụ thuộc vào việc có thỏa thuận của tư vấn đối với các bản vẽ thi công đào đất, đá do nhà thầu lập.
2. An toàn trong thi công đường hầm
Trong tổ chức thi công đào đá và gia cố hầm phải đề cập đến các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công, không phụ thuộc vào việc có thỏa thuận của Tư vấn đối với các bản vẽ thi công.
Nhà thầu phải có biện pháp phòng ngừa cần thiết, biện pháp gia cố tại khu vực đào để bảo vệ chống sạt lở, sập hầm do các nguyên nhân trong quá trình thi công. Nhà thầu chịu trách nhiệm về an toàn trong thi công, không phụ thuộc vào việc có thỏa thuận của Tư vấn.
Khi thiếu các biện pháp an toàn trong thi công thì Tư vấn có thể đình chỉ thi công tới khi các biện pháp an toàn được bổ sung đầy đủ. Trong trường hợp này, nhà thầu sẽ không có quyền khiếu nại về việc kéo dài tiến độ hoặc chi phí bổ sung.
Khi tiến hành công tác nổ mìn phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu của quy phạm về an toàn trong thi công nổ mìn: QPTL-D1-82; TCVN 3255-1986; TCVN 5308-1991 và các tiêu chuẩn tương đương.
Các công tác khoan nổ chỉ được tiến hành chỉ khi có thiết kế công tác thi công đã thỏa thuận với tư vấn, chủ đầu tư theo quy định.
Nghiêm cấm sử dụng đất sét làm bua lấp các lỗ khoan đã nạp thuốc.
Khi chuẩn bị công tác nổ mìn phải báo cho tất cả đơn vị thi công trong khu vực nổ mìn trước 24 giờ đồng hồ.
Phải xác định vùng nguy hiểm do tác động của công tác nổ mìn trong biện pháp thi công, cắm biển báo nguy hiểm, trước khi nổ phải có tín hiệu báo nổ 3 lần trước
15 phút, 10 phút, 5 phút, các tín hiệu này phải được thông báo cho mọi người biết trước và phải cử người canh gác cấm người đi vào khu vực nguy hiểm ở tất cả các ngả đường dẫn đến bãi mìn.
Trong quá trình thi công phải thường xuyên kiểm tra sự ổn định của các mái dốc, thành hố móng. Khi phát hiện thấy có nguy cơ không ổn định phải tiến hành gia cố ngay. Đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thi công đã được duyệt.
Những thợ mìn không đạt yêu cầu trong đợt kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất sẽ bị đình chỉ quyền sử dụng chứng chỉ thợ mìn, sau 02 tháng được phép dự kiểm tra lại. Nếu không đạt yêu cầu sẽ bị thu hồi chứng chỉ thợ mìn.
Khi có sự thay đổi dạng nổ mìn, người thợ mìn phải được huấn luyện về chuyên mục thay đổi đó. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu thì được ghi bổ sung thêm chuyên mục huấn luyện mới vào chứng chỉ.
Sau thời gian nghỉ làm công việc nổ mìn trên 01 năm, người thợ mìn phải được kiểm tra lại kiến thức trước khi làm công việc cũ. Nếu đạt yêu cầu mới được tiếp tục làm công việc nổ mìn.
Tất cả mọi người làm công việc phục vụ công tác nổ mìn phải được người lãnh đạo công tác nổ mìn huấn luyện về các tính chất, đặc điểm của vật liệu nổ công nghiệp. Khi đơn vị sử dụng loại vật liệu nổ công nghiệp mới cũng phải huấn luyện như trên. Sau khi được huấn luyện đạt yêu cầu, người được huấn luyện phải ký vào sổ.
Khi sử dụng thuốc nổ amônit dạng bột đóng thành thỏi, có vỏ bằng giấy mềm, nếu thấy thuốc vón cứng phải dùng tay bóp tơi mềm. Cấm dùng thuốc nổ đã bị ẩm quá tiêu chuẩn.
Khi lập các hộ chiếu khoan nổ mìn phải tuyệt đối tuân theo các quy định về công tác khoan nổ mìn:
+ Sơ đồ bố trí lỗ khoan, số lượng và chiều sâu lỗ khoan, lượng chất nổ nạp vào mỗi lỗ khoan, tên loại thuốc nổ và phương tiện nổ, vật liệu nút bua lỗ mìn, chiều dài nút bua và trình tự khởi nổ.
+ Bán kính vùng nguy hiểm của đợt nổ tính theo tầm văng xa của các hòn đá đối với người và thiết bị máy móc.
+ Vị trí ẩn nấp của thợ nổ mìn và người khác trong thời gian nổ. + Địa điểm đặt các trạm gác cảnh giới trong thời gian nổ mìn.
Trong thời gian nạp mìn chỉ cho phép những người có trách nhiệm mới được vào bãi nạp mìn. Tất cả mọi người không liên quan đến công việc nạp mìn, nổ mìn phải rút ra khỏi giới hạn vùng nguy hiểm hoặc đến nơi ẩn náu an toàn dưới sự hướng dẫn của các nhân viên bảo vệ và giám sát của người chỉ huy nổ mìn.
Sau khi nạp mìn xong phải đưa tất cả những người nạp mìn ra khỏi vùng nguy hiểm, chỉ có thợ mìn mới được ở lại để nối mạng lưới nổ mìn sau đó rút vào vị trí an toàn và khởi nổ theo lệnh của người chỉ huy nổ mìn.
Sau khi nổ mìn, tiến hành kiểm tra bãi mìn. Nếu thấy an toàn thì cho phát hiệu lệnh báo yên. Nếu phát hiện thấy (hoặc nghi ngờ) còn mìn câm thì phải xử lý ngay hoặc nếu chưa thể xử lý ngay thì phải cắm biển báo ngay bên cạnh lỗ mìn câm. Sau đó tiến hành xử lý các lỗ mìn câm theo quy định dưới sự hướng dẫn của người chỉ huy nổ mìn.
Nơi có mìn câm không được làm bất cứ việc gì khác không có liên quan đến việc thủ tiêu mìn câm. Tất cả các sự cố này đều phải được ghi chép cụ thể vào sổ giao ca nhật ký công trình.
Sau khi nổ phát mìn để thủ tiêu mìn câm, thợ mìn phải kiểm tra kỹ đống đá nổ để thu gom tất cả vật liệu nổ của phát mìn câm bung ra. Sau đó mới được cho phép tiến hành các công việc khác tiếp theo, nhưng vẫn phải thận trọng theo dõi phát hiện vật liệu nổ còn sót lại.
3. An toàn lao động trong biện pháp thi công đất đá
Nhà thầu phải lập biện pháp thi công cụ thể trước khi tiến hành thi công, nội quy và biện pháp an toàn lao động, phổ biến cho cán bộ, công nhân tham gia và có tổ chức theo dõi kiểm tra – Phải tuân theo Quy phạm kỹ thuật an toàn tròng xây dựng TCVN 5308-94. Phải đặc biệt chú ý đến công tác an toàn, sử dụng, vận chuyển, bảo quản vật liệu nổ và an toàn trong vận hành xe máy, thiết bị thi công.
4. An toàn thi công đóng ép cọc
Khi thi công cọc phải thực hiện mọi quy định về an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng các quy định hiện hành.
Trong ép cọc, đoạn cọc mồi bằng thép phải có đầu chụp. Phải có biện pháp an toàn khi dùng hai đoạn cọc mồi nối tiếp nhau để ép.
5. An toàn lao động trong thi công cọc nhồi
- Công tác an toàn lao động cần tuân thủ theo TCVN 5308:1991 và các quy định an toàn hiện hành có liên quan.
- Tất cả các loại máy móc, thiết bị vận hành phải tuyệt đối tuân theo quy trình an toàn, đặc biệt là quy trình an toàn cho xe cẩu và máy khoan.
- Lắp dựng hệ thống biển báo khu vưc nguy hiểm, khu vực cọc vừa mới đổ xong bê tông, cấm di chuyển qua các khu vực này.
- Khi bị tắc ống đổ bê tông, Nhà thầu phải có phương án xử lý được thiết kế chấp thuận và chỉ được xử lý theo lệnh của người chỉ huy chung.