Những phân tích ở các phần trên cho thấy, hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành về điều kiện đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế có liên quan còn thiếu tính đồng bộ, thậm chí trong nhiều trường hợp có sự mâu thuẫn, xung đột gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng và thực hiện của các cơ quan nhà nước cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Do vậy, việc thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau đây:
Một là, mọi cam kết của Việt Nam với WTO và các cam kết quốc tế có liên quan khác phải được tuân thủ và thực hiện nghiêm túc, song cần áp dụng một cách linh hoạt trên cơ sở vừa đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết, vừa tính đến nhu cầu và điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam theo các mục tiêu đã đề cập ở trên.
Hai là, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về vấn đề này phải nhằm duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không được gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực/ngành nghề.
Ba là, các biện pháp thực hiện cam kết của Việt Nam về vấn đề này,
nếu không có khả năng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của các nhà đầu tư/doanh nghiệp thì nhất thiết không được làm xấu đi các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được pháp luật hiện hành thừa nhận và/hoặc đã áp dụng trên thực tế. Theo đó, khi áp dụng những hạn chế về tiếp cận thị trường của nhà đầu nước ngoài, cần tính đến hiện trạng và nhu cầu phát triển trong tương lai của từng ngành, lĩnh vực mà đề xuất giải pháp thực hiện thích hợp, không cứng nhắc và/hoặc lạm dụng cam kết để gây cản trở cho sự phát triển và sức cạnh tranh của lĩnh vực/ngành nghề đó.