Các dịch vụ kinh doanh

Một phần của tài liệu Điều kiện đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh gia nhập WTO (Trang 51)

a) Dịch vụ pháp lý

Dịch vụ pháp lý theo các cam kết của Việt Nam với WTO không bao gồm việc cho phép tổ chức luật sư nước ngoài tham gia vào tiến trình tố tụng pháp lý với tư cách là người bào chữa hoặc đại diện cho khách hàng trước các tòa án Việt Nam cũng như các dịch vụ lập hồ sơ và chứng nhận pháp luật Việt Nam.

Tổ chức luật sư nước ngoài được phép hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức: chi nhánh, công ty con của tổ chức luật sư nước ngoài, liên danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh của Việt Nam. Các tổ chức luật sư nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam được phép tư vấn luật Việt Nam với điều kiện luật sư tư vấn đã tốt nghiệp trường đại học luật của Việt Nam hoặc đáp ứng các yêu cầu như quy định đối với người hành nghề luật Việt Nam.

b) Dịch vụ kế toán, kiểm toán, dịch vụ thuế

Đối với dịch vụ kế toán, kiểm toán và ghi sổ kế toán, nhà đầu tư nước ngoài được tự do lựa chọn hình thức đầu tư (trừ chi nhánh) phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và được đối xử bình đẳng như các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam. Đối với dịch vụ thuế, trong vòng 1 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, việc cấp phép sẽ được thực hiện trên cơ sở xét duyệt theo từng trường hợp và số lượng nhà cung cấp dịch vụ sẽ do Bộ Tài chính quyết định tùy thuộc vào nhu cầu và tình hình phát triển của thị trường. Cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các công ty có vốn nước ngoài và các dự án có sự tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam.

c) Dịch vụ kiến trúc, dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị

Đối với dịch vụ kiến trúc và dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng bộ, nhà đầu tư nước ngoài được tự do lựa chọn hình thức đầu tư (trừ chi nhánh). Trong vòng 2 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ được quyền quyết định việc cấp phép cho các hoạt động liên quan đến khảo sát địa chất, địa hình công trình, địa chất thủy văn, khảo sát

môi trường, khảo sát kỹ thuật phục vụ quy hoạch phát triển đô thị-nông thôn, quy hoạch phát triển ngành.

Đối với dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị, kiến trúc sư phải có bằng, chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hay công nhận.

d) Dịch vụ máy tính

Nhà đầu tư nước ngoài được tự do lựa chọn hình thức đầu tư, kể cả hình thức chi nhánh để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chi nhánh chỉ được phép thành lập sau 3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và với điều kiện trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam. Các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

e) Dịch vụ quảng cáo

Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đầu tư dưới hình thức liên doanh; không được cung cấp dịch vụ quảng cáo thuốc lá và chỉ được phép quảng cáo rượu khi pháp luật hiện hành cho phép các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tương tự.

f) Dịch vụ nghiên cứu phát triển, dịch vụ nghiên cứu thị trường, dịch vụ tư vấn quản lý

Nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư dưới các hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ nghiên cứu - phát triển trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Đối với dịch vụ nghiên cứu thị trường, nhà đầu tư nước ngoài không được phép cung cấp dịch vụ trưng cầu dân ý. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép thành lập từ ngày 1/1/2009. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài được phép mở chi nhánh cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý

tại Việt Nam sau 3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và với điều kiện trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam.

g) Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý

Trong vòng 1 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp liên doanh hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh để cung cấp dịch vụ quản lý dự án.

Đối với dịch vụ trọng tài và hoà giải, nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép cung cấp dịch vụ dưới các hình thức nêu trên sau 3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Ngoài ra, đối với cả 02 phân ngành dịch vụ nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài còn được phép thành lập chi nhánh để cung cấp dịch vụ sau 3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO với điều kiện trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam.

h) Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật

Nhà đầu tư nước ngoài không được phép cung cấp dịch vụ kiểm định và đăng kiểm phương tiện vận tải. Theo quy định của GATS, Việt Nam không có nghĩa vụ phải mở cửa các dịch vụ được cung cấp để thực thi thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu Việt Nam cho phép các doanh nghiệp trong nước cung cấp các dịch vụ này thì sau một thời gian nhất định, nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép tham gia.

i) Dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, săn bắn và lâm nghiệp, dịch vụ thú y

Đối với dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, săn bắn và lâm nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp liên doanh với phần vốn góp tối đa 51%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không được cung cấp dịch vụ đánh giá và khai thác rừng tự nhiên, săn bắn, đánh bẫy động vật quý hiếm hoang dã, chụp ảnh hàng không, quản lý quỹ gien cây trồng, vật nuôi v.v..và

không được phép tiếp cận một số địa bàn nhất định. Đối với dịch vụ thú y, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ với tư cách cá nhân sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.

j) Dịch vụ liên quan đến khai thác mỏ, dịch vụ liên quan tư vấn khoa học kỹ thuật

Sau 5 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để cung ứng các dịch vụ hỗ trợ cho khai thác dầu khí, trừ các dịch vụ nêu trên. Các doanh nghiệp này không được cung cấp dịch vụ bay, cung cấp trang thiết bị và các vật phẩm cho dàn khoan xa bờ v.v. .

k) Dịch vụ liên quan đến sản xuất, dịch vụ sửa chữa thiết bị

Đối với dịch vụ liên quan đến sản xuất, sau 3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập liên doanh với phần vốn góp không qúa 50%, và sau 5 năm được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn ĐTNN.

Đối với dịch vụ sửa chữa thiết bị, nhà đầu tư nước ngoài không được cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu biển và các phương tiện vận tải khác (sửa chữa máy bay có cam kết riêng). Các doanh nghiệp liên doanh được phép thành lập với phần vốn góp nước ngoài không qúa 49% vốn nước ngoài để cungcấp dịch vụ sửa chữa thiết bị. Sau 3 năm kể từ khi gia nhập WTO, các liên doanh được nâng tỷ lệ vốn góp trong liên doanh lên 51% và được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài sau đó 2 năm.

Một phần của tài liệu Điều kiện đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh gia nhập WTO (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)