Trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, góp vốn thành lập doanh nghiệp là quyền của nhà đầu tư. Nhưng tự do kinh doanh không đồng nghĩa với việc bất cứ người nào, cơ quan, tổ chức nào cũng có quyền thành lập doanh nghiệp trong kinh doanh. Để đảm bảo quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong kinh doanh, bảo vệ lợi ích cộng đồng, xã hội, Nhà nước quy định mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền góp vốn, thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp, trừ các trường hợp mà các hoạt động kinh doanh của họ có nguy cơ phá vỡ sự bình đẳng của các doanh nghiệp và lợi ích xã hội. Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định các đối tượng sau đây không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
Một là, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình. Đây là điều cấm chung mọi trường hợp dùng tiền công để thành lập các công ty thu lợi cho một số lợi ích cục bộ, dù được tiến hành dưới danh nghĩa cơ quan, tổ chức hay dưới danh nghĩa cá nhân.
Hai là, cán bộ, Công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Mặc dù họ có thể góp vốn vào công ty TNHH2, Công ty cổ phần bằng hình thức bỏ tiền để mua cổ phần vốn góp nhằm mục đích thu lợi nhuận, cổ tức. Trường hợp nếu là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đầu cơ quan, hoặc là vợ hoặc chồng, bố,mẹ, con của họ thì không được đầu tư kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào kể cả việc góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi nghành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý
Nhà nước. [52; Điều 1]. Quy định này nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa của người có chức vụ quyền hạn để kinh doanh kiếm lời, trục lợi cá nhân của một số cán bộ quản lý Nhà nước, gây mất bình đẳng giữa các doanh nghiệp do sự thiếu khách quan trong quản lý. Cũng với mục đích nhằm tránh sự xung đột lợi ích giữa một bên là Nhà nước và một bên là lợi ích cá nhân, gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, ngoài cán bộ, công chức bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp, pháp luật còn quy định cấm cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp Nhà nước thành lập và quản lý doanh nghiệp thuộc vốn dân doanh. Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở đây được hiểu là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc phó giám đốc và các Trưởng phó phòng ban trong Doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên điều cấm này không áp dụng đối với các đại diện quản lý phần vốn cuả Nhà nước ở các doanh nghiệp, bởi vì người đó thực hiện chức năng quản lý phần vốn Nhà nước chứ không phải là đại diện cho sở hữu cá nhân của mình.
Ba là, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam là những nguời luôn gánh trên vai nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh nhân dân, do đó luật cũng quy định không để họ tham gia làm kinh tế tư nhân làm phân tán nhiệm vụ.
Bốn là, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác.
Năm là, người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự là những người không đủ khả năng kinh doanh trên thương trường. Để tránh những rủi ro kinh doanh cho họ và cho khách hàng, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, Nhà nước cũng cấm đối tượng này thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Trường hợp không được thành lập còn có những người đang bị chấp hành hình phạt tù hoặc bị tòa án tước quyền hành nghề, do những người này đã vi phạm các tội như buôn lậu, làm hàng giả, trốn thuế, lừa dối khách hàng,…
Sự thành lập và quản lý doanh nghiệp của họ không đảm bảo trật tự trong kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, đi ngược lại lợi ích của Nhà nước và cộng đồng, vì vậy, pháp luật cũng loại họ ra khỏi quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này thiếu cơ chế để kiểm tra, giám sát thực hiện, đo đó trên thực tế công tác này vẫn đang được buông lỏng.
Các trường hợp theo quy định của pháp luật về phá sản. Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, hội thành viên của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, không được là người quản lý doanh nghiệp trong thời hạn từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Trừ các trường hợp mà nguyên nhân gây ra sự phá sản vì lý do bất khả kháng hoặc giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị tự nguyện đệ đơn cho các chủ nợ hoặc Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên Hội đồng quản trị không trực tiếp chịu trách nhiệm về lý do doanh nghiệp bị phá sản.
Như vậy, theo LDN năm 2005, loại trừ một số trường hợp Nhà nước quy định không được thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp, mọi người đều có thể đầu tư kinh doanh bằng cách góp vốn rồi đăng ký kinh doanh tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình.
LDN năm 2005 và Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật viên chức năm 2010 không cho phép cán bộ công chức, viên chức Nhà nước được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Theo tinh thần pháp luật hiện hành, các cán bộ công chức, viên chức chỉ có quyền góp vốn và gián tiếp tham gia quản lý doanh nghiệp.
Ngoài các quy định chung về chủ thể góp vốn trong Luật Doanh nghiệp năm 2005, Chủ thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Việt Nam được quy định trong Luật Đất đai năm 2003bao gồm:
Một là, Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất được quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 110 Luật Đất đai năm 2003;
Hai là, Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 111 Luật Đất đai năm 2003;
Ba là, Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê được quy định tại Khoản 8 Điều 113 Luật Đất đai năm 2003;
Bốn là, Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất được quy định tại Khoản 2 Điều 117 Luật Đất đai năm 2003;
Năm là, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 119 Luật Đất đai năm 2003.
Các chủ thể trên nếu đáp ứng đủ các điều kiện: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất thì có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Như vậy, có thể nhận thấy rằng các quy định về chủ thể kinh doanh của doanh nghiệp là sự thể hiện một bước tiến trong việc ghi nhận quyền của Nhà đầu tư từ chỗ “chỉ làm những gì Nhà nước cho phép” sang “được làm tất cả những gì Nhà nước không cấm”. Điều này góp phần tạo cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư nhận thức đựợc khả năng của mình, tự hoàn thiện các điều kiện kinh doanh để lựa chọn cho mình một phương án kinh doanh phù hợp. Cũng như các quy định trên đây đã hạn chế tình trạng mỗi ngành mỗi cấp tùy tiện đưa ra các điều kiện kinh doanh đối với nghành, nghề của mình quản lý. Thông qua các quy định về điều kiện của chủ thể kinh doanh, Nhà nước thực hiện sự quản lý, điều tiết sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của đất nước.