4.1.1.1. Vị trí địa lý
Xã Thanh Sơn nằm ở phía Tây Nam của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên 2.304,1 ha, năm 2013 dân số của xã là 3.200 người đang sinh sống trong 8 thôn trên địa bàn xã. Ranh giới hành chính xã Thanh Sơn có phía giáp:
- Phía Bắc giáp xã Tân Lập và xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng - Phía Đông giáp xã Minh Tiến và xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng - Phía Nam giáp xã Vân Nham và xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng - Phía Tây giáp xã Đồng Tiến và xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng Xã có tỉnh lộ 242 chạy dọc từ Đông sang Tây có chiều dài là 4km.
4.1.1.2. Địa hình
Xã Thanh Sơn là một xã miền núi có địa hình khá phức tạp trong đó phần lớn là diện tích đồi núi. Hướng núi chủ yếu chạy từ Tây Bắc xuống Đông Nam xen kẽ là các con suối và khe nước nhỏ.
4.1.1.3. Đất đai
Đất đai xã Thanh Sơn được chia thành 2 loại chính:
Đất đồi chiếm khoảng 45% tổng diện tích đất tự nhiên. Tầng đất tương đối dày, thành phần cơ giới là đất thịt nhẹ đến trung bình, nghèo dinh dưỡng, đây phần lớn là các đồi gò được nhân dân sử dụng xây dựng nhà ở và trồng cây ăn quả cũng như cây công nghiệp lâu năm và trồng rừng.
Đất ruộng chiếm khoảng 15% tổng diện tích đất tự nhiên, đất ruộng chủ yếu là do tích tụ phù xa sông suối, tầng đất dày, màu xám đen, hàm lượng mùn, đạm ở mức khá, hàm lượng lân, kali ở mức trung bình đến khá, loại đất này thích hợp trồng cây lương thực và các loại cây hoa màu.
Bảng 4.1: Tình hình sử dụng đất của xã Thanh Sơn Thứ tự Mục đích sử dụng đất Mã Diện tích (ha) Tỷ lệ (%) Tổng diện tích tự nhiên 2.304,1 100 1 Đất nông nghiệp NNP 1.235,78 53,6
1.1 - Đất sản xuất nông nghiệp SXN 891,08 38,6 1.2 - Đất lâm nghiệp LNP 317,40 13,8 1.3 - Đất nuôi trồng thủy sản NTS 27,30 1,2
2 Đất phi nông nghiệp PNN 212,48 9,3
2.1 - Đất ở OTC 29,83 1,3
2.2 - Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp
CTS 0,60 0,02
2.3 - Đất quốc phòng CQP 132 5,7
2.4 - Đất chuyên dùng CDG 27,65 1,2 2.5 - Đất nghĩa trang, nghĩa địa NTD 0,80 0,03 2.6 - Đất sông suối và mặt nước
chuyên dùng
SMN 21,6 1,05
3 Đất chưa sử dụng CSD 855,84 37,1
(Nguồn: UBND xã Thanh Sơn)
Tổng diện tích đất tự nhiên của Xã là 2.304,1 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp là 1.235,78 ha, chiếm 53,6% tổng diện tích đất tự nhiên của Xã Trong tổng số 1.235,78 ha đất nông nghiệp thì đất sản xuất nông nghiệp chiếm 891,08 ha; đất lâm nghiệp: 317,40 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 27,30 ha. Xã có 212,48 ha đất phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá nhỏ 9,3% trong đó: Đất ở là 29,83 ha; Đât xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp: 0,60 ha; Đất quốc phòng: 132 ha; Đất chuyên dùng: 27,65 ha; Đất nghĩa trang, nghĩa địa: 0,80 ha; Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng: 21,6 ha. Còn lại: 855,84 ha là đất chưa sử dụng của Xã và chủ yếu là núi đá vôi chiếm tỷ lệ tương đối lớn 37,1% tổng diện tích đất tự nhiên.
4.1.1.4. Khí hậu
Khí hậu xã Thanh Sơn mang đặc trưng của khí hậu miền núi phía bắc, nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm chịu ảnh hưởng của gió Đông nam, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, chịu ảnh hưởng của gió Đông bắc. Nhiệt độ cao nhất khoảng 34ºC đến 36ºC (tháng 7- 8), nhiệt độ thấp nhất từ khoảng 4ºC đến 10ºC (tháng 11 - 12). Nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 22,5 ºC, lượng mưa trung bình hàng năm là 1.488,2 mm, độ ẩm tương đối cao trung bình 82,5%. Khu vực chịu ảnh hưởng của 2 luồng gió thịnh hành là gió Đông nam và gió Đông bắc.
Nhìn chung điều kiện tự nhiên của xã tương đối thuận lợi cho sự phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên những năm gần đây tình trạng hạn hán, rét đậm, rét hại xảy ra trên địa bàn cũng đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống kinh tế của người dân trong xã.
4.1.1.5. Hệ thống thủy văn
Trên địa bàn xã có hệ thống đập lưu nước, sông suối khá dày đặc, có độ dốc dòng chảy lớn và lưu lượng nước thay đổi theo từng mùa, mùa khô nước cạn còn mùa mưa nước nhiều có thể gây ra lũ lụt, ngập úng.
4.1.1.6. Tài nguyên
Tài nguyên rừng:
Năm 2013 xã Thanh Sơn có tổng diện tích đất rừng đạt 317,40 ha, toàn bộ diện tích này là rừng sản xuất, bên cạnh vai trò bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, giữ nước, chống xói mòn, rửa trôi thì diện tích rừng này của xã là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành trồng rừng, phát triển cây bạch đàn và rừng hỗn loài bảo tồn đa dạng sinh học góp phần tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt với trữ lượng nước đến hơn 500.000 m3, bao gồm có hệ thống các hồ, các đập trên địa bàn xã như: đập Mỏ Kỵ I, đập Mỏ Kỵ II, đập Lày Đung, đập Suối Đen, Ao Lịm, Cầu Thin, Hố Tát, cùng với hệ thống các giếng khơi ở các cánh đồng Lay I, Lay II và hệ thống mương nội đồng đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhân dân.
Nguồn nước ngầm chưa được khảo sát cụ thể, nhưng qua thực tế sử dụng của nhân dân cho thấy, chủ yếu nước phục vu nhu cầu sinh hoạt của người dân là sử dụng nước ngầm, giếng khoan, giếng đào với trữ lượng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, vào mùa khô vẫn còn tình trạng thiếu nước dùng ở một số nơi trên địa bàn xã.
Tài nguyên khoáng sản:
Xã có một mỏ quặng Boxit đang khai thác tại thôn Bàng dưới và trữ lượng đá vôi tương đối lớn cũng đang được khai thác tại các thôn Lay I và Lay II.