5. Bố cục đề tài
2.3.1 Quyết định truy tố bị can
Quyền công tố do Viện kiểm sát thực hiện gồm tổng hợp nhiều quyền năng tố tụng, trong đó có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự bị can trước Tòa án là quyền đặc trưng của Viện kiểm sát. Quyền này được thực hiện bằng quyết định truy tố của Viện kiểm sát sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cùng bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra. Quyết định truy tố là biểu hiện rõ nhất của chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến hình thức, thời hạn, thẩm quyền của quyết định truy tố lại thuộc về chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do vậy trong trường hợp này, Viện kiểm sát thực hiện đồng thời cả hai chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Mặt khác, Viện kiểm
sát lại tự kiểm sát chính mình trong việc chấp hành các trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2003 quy định.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 Quy chế số 07, nếu có đủ căn cứ để quyết định việc truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bị can bằng bản cáo trạng theo đúng nội dung tại Điều 167 BLTTHS năm 2003. Nội dung của bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can; những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự hiện hành được áp dụng.
Riêng đối với những vụ án được tiến hành theo thủ tục rút gọn thì việc truy tố bị can không phải làm bản cáo trạng. Trong những trường hợp này, Viện kiểm sát sẽ truy tố bị can ra trước Tòa án bằng quyết định truy tố (Điều 323 BLTTHS năm 2003).
Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử khi có quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Nếu Viện kiểm sát không truy tố thì Tòa án không có cơ sở pháp lý để quyết định mở phiên tòa. Quyết định truy tố của Viện kiểm sát xác định giới hạn xét xử của Tòa án. Việc truy tố của Viện kiểm sát xác định kịp thời, chính xác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền (khoản 4 Điều 166 BLTTHS năm 2003).