5. Bố cục đề tài
2.2.3.2 Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn khác
Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 91 BLTTHS năm 2003 )
Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can có nơi cư trú rõ ràng trong trường hợp bị can không bị bắt để tạm giam hoặc đã được trả tự do nhưng việc điều tra chưa kết thúc hoặc chưa bị đưa ra xét xử mà xét thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp này nhằm phòng ngừa bị can trốn và bảo đảm sự có mặt của bị can khi Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát triệu tập. Khi áp dụng biện pháp này Viện kiểm sát phải buộc bị can làm giấy cam đoan thực hiện đầy đủ những điều kiện sau đây:
+ Khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát triệu tập thì bị can phải có mặt đúng thời gian, địa điểm đã ghi trong giấy triệu tập;
+ Không được đi khỏi nơi cư trú của mình (nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú);
+ Khi cần phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì bị can phải báo cáo và được phép của Viện kiểm sát.
Trong trường hợp bị can vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì Viện kiểm sát có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Bảo lĩnh (Điều 92 BLTTHS năm 2003)
Trong trường hợp không cần thiết để tạm giam, nhưng thấy cần phải ngăn ngừa bị can tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can theo giấy triệu tập thì Viện kiểm
sát có thể xem xét yêu cầu của người thân thích của bị can hoặc tổ chức Công đoàn, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ … cho nhận bảo lĩnh.
Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân (ít nhất 2 người) hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan với Viện kiểm sát là sẽ giáo dục, quản lý bị can không tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật và bảo đảm bị can phải có mặt khi Cơ quan điều tra, Viện kiệm sát triệu tập. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh. Cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc nhận bảo lĩnh của cá nhân phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì phải có sự xác nhận của người đứng đầu tổ chức. Nếu cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm cam đoan thì bị can được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm (Điều 93 BLTTHS năm 2003 )
Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân than và tình trạng tài sản của bị can, Viện kiểm sát có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của bị can theo giấy triệu tập.
2.2.4 Yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can
Khoản 2 Điều 37 Quy chế số 07 hướng dẫn: Khi phát hiện bị can trốn hoặc không xác định được bị can ở đâu thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ điều tra theo quy định tại Điều 161 BLTTHSnăm 2003.
Truy nã bị can là một hoạt động của Cơ quan điều tra nhằm tìm kiếm để xác định bị can đang ở đâu và bắt giữ những bị can đang lẩn trốn, phục vụ cho việc điều tra, xử lý tội phạm. Điều 161 BLTTHS năm 2003 quy định hai trường hợp, theo đó Viện kiểm sát sẽ yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.
+ Trường hợp thứ nhất: “Khi bị can trốn”. Điều luật không quy định bị can trốn trong hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có thể có các tình huống: Người phạm tội đã bỏ trốn trước khi khởi tố bị can, người đó trốn ngay sau khi bị khởi tố về hình sự trước khi Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố hình sự đối với người đó
hoặc trước khi bị bắt (trong trường hợp phải áp dụng biện pháp ngăn chặn này) hay có thể người bị khởi tố trốn khỏi nơi tạm giam, tạm giữ.
+ Trường hợp thứ hai: “Khi không biết bị can đang ở đâu”. Có thể tại thời điểm đó, người bị khởi tố không có thông tin về việc bị khởi tố về hình sự. Có thể người bị khởi tố đã nhận được thông tin về việc bị khởi tố nhưng chưa nhận được quyết định của Cơ quan điều tra hoặc các thông tin chính thức khác về sự cần thiết phải xuất hiện trước Cơ quan điều tra và không có ý định bỏ trốn. Mặc dù vậy, Cơ quan điều tra không biết được người bị khởi tố đang ở đâu, vì vậy Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.