Những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội gây ô nhiễm mô

Một phần của tài liệu Tội gây ô nhiễm môi trường trong luật hình sự việt nam luận văn ths luật (Trang 50)

trường trong Bộ luật hình sự hiện hành

2.1.1.1. Khách thể của tội gây ô nhiễm môi trường

Đối với các tội phạm về môi trường, khách thể của loại tội phạm về môi trường là những quan hệ xã hội về giữ gìn môi trường trong sạch, sử dụng hợp lý những tài nguyên của nó và đảm bảo an toàn môi trường cho dân cư. Đối tượng của tội phạm về môi trường chính là những đối tượng của các hành vi xâm hại đến môi trường như: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên, khu sản xuất v.v… Hiện nay, pháp luật hình sự của Nhà nước ta mới chỉ quy định tội phạm gây ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực nhất định. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 182 về tội gây ô nhiễm môi trường, nhà làm luật mới chỉ giới hạn phạm vi ô nhiễm môi

trường trong 03 thành phần của môi trường, bao gồm: không khí, nguồn nước và đất. Điều này có thể được lý giải được một phần, xuất phát từ nguyên nhân

là nội dung Điều 182 BLHS hiện hành được hình thành trên cơ sở của việc nhập 03 điều (182, 183, 184 của BLHS năm 1999). Mặt khác, đây cũng là 03 thành phần quan trọng và chiếm phần đa số so với các thành phần khác cấu thành nên môi trường và hiện đang đối mặt với những nguy cơ ô nhiễm hết sức nghiêm trọng. Do vậy, khách thể của tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay (BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ

sung năm 2009) là: Các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể là sự trong sạch của không khí (hay bầu khí quyển hoặc không khí trong lòng đất), nguồn nước (không phân biệt nước biển, sông, suối, ao hồ, kênh, rạch, kể cả nguồn nước ngầm dưới lòng đất v.v..) đất (không phân biệt đất thổ cư, đất canh tác, đất rừng hay các loại đất khác) trong môi trường sống của con

người và thiên nhiên do hành vi gây ô nhiễm bị coi là tội phạm xâm hại. Hay nói một cách ngắn gọn, khách thể của tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định của BLHS hiện hành là: các quy định của Nhà nước về sự trong sạch của nước, đất, không khí do hành vi gây ô nhiễm bị coi là tội phạm xâm hại.

Nhằm tăng cường bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm, hiện nay, một số quan điểm của các nhà nghiên cứu đang tập trung xoay quanh vấn đề, có hay không việc mở rộng phạm vi của khách thể tội gây ô nhiễm môi trường. Một số chuyên gia cho rằng, nếu đối chiếu theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì không chỉ quy định phạm vi ô nhiễm môi trường trong không khí, nước, đất mà còn phải quy định tất cả những thành phần khác của môi trường như “âm thanh, ánh sáng, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên, khu sản xuất v.v… khi mà những lĩnh vực này đang ngày càng có nguy cơ bị ô nhiễm và không thực sự được chú ý bảo vệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, suy cho cùng, ô nhiễm môi trường dù xảy ra ở nơi nào trên lãnh thổ của nước ta cũng chỉ là ô nhiễm không khí, nước hoặc đất mà thôi, đồng thời các chuyên gia cũng cho rằng, việc quy định như vậy là bao quát và toàn diện các thành phần của môi trường. Hiện nay, pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới cũng đã quy định thêm một số lĩnh vực ô nhiễm môi trường ngoài môi trường đất, nước, không khí như BLHS Đức (Điều 325a về tiếng ồn, gây chấn động và gây ra tia không phóng xạ), Bộ luật hình sự Malaisia (Điều 23 về ô nhiễm tiếng ồn).v.v...Vì vậy, trong thời gian tới, vấn đề này cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc

để tránh việc quy định rườm rà, không cần thiết và trùng lặp các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, nâng cao được hiệu quả áp dụng của pháp luật hình sự đối với những hành vi này.

2.1.1.2. Mặt khách quan của tội gây ô nhiễm môi trường

Đối với bất kì một loại tội phạm nào, bản chất của chúng cũng đều được thể hiện một cách tập trung thông qua mặt khách quan, hay nói cách khác, tội phạm được phản ánh rõ thông qua những biểu hiện khách quan bên ngoài mà con người có thể nhận biết được. Bên cạnh đó, mặt khách quan của tội phạm còn là căn cứ để xây dựng các chế định khác nhau về tội phạm và hình phạt như: phân loại tội phạm, định tội danh, quyết định hình phạt. Bởi vậy, việc nghiên cứu mặt khách quan của tội gây ô nhiễm môi trường sẽ góp phần phân tích và đánh giá một cách đầy đủ để các nhà làm luật, chuyên gia nghiên cứu có một cái nhìn sâu sắc và cụ thể hơn về loại tội phạm này.

Tội gây ô nhiễm môi trường trong BLHS hiện hành đã bỏ điều kiện “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền” [48, Điều 182-184] trong nội

dung của các tội gây ô nhiễm không khí (Điều 182), tội gây ô nhiễm nguồn nước (Điều 183) và tội gây ô nhiễm đất (Điều 184) của BLHS năm 1999. Do vậy, việc nghiên cứu mặt khách quan của tội gây ô nhiễm môi trường tập trung vào hai nội dung chính là hành vi gây ô nhiễm môi trường và hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Thứ nhất, đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Theo quy định tại khoản 1 Điều 182 BLHS hiện hành, hành vi gây ô nhiễm môi trường được thực hiện dưới hình thức “thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ...”

[49, Điều 182]. Bức xạ gồm bức xạ ion và không ion hóa mà khi tác dụng lên cơ thể sống với liều lượng vượt quá giới hạn cho phép có thể gây tổn thương

và nguy hiểm cho cơ thể như tia Ronwgen, tia X, bức xạ laze, sóng âm, hạ âm và siêu âm; chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt động phóng xạ riêng lớn. Các phóng xạ có thể được phát ra trong quá trình cất giữ, vận chuyển, sử dụng các nguồn phóng xạ tại các lò phản ứng hạt nhân, cơ sở nghiên cứu hạt nhân, thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ v.v.. Còn đối với các chất gây ô nhiễm môi trường, tính cho tới thời điểm hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn Điều 182 BLHS hiện hành để quy định nội dung, danh mục các chất gây ô nhiễm môi trường là những chất nào mà điều này phải dựa hoàn toàn vào pháp luật bảo vệ môi trường. Theo quy định của pháp luật bảo

vệ môi trường, có thể hiểu các chất gây ô nhiễm môi trường là “là các chất hóa học, các yếu tố vật lý và sinh học khi xuất hiện trong môi trường cao hơn ngưỡng cho phép làm cho môi trường bị ô nhiễm” [53, Điều 3]. Ứng với mỗi loại môi trường “không khí, nước, đất” thì có những chất, yếu tố vật lý gây ô

nhiễm môi trường khác nhau, cụ thể:

- Đối với môi trường không khí, tội phạm thực hiện hành vi như sau: phát tán phóng xạ, bức xạ; thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác như gây tiếng ồn, mùi hôi thối v.v.... Những khói bụi này thường bắt nguồn từ nhà máy, công trường, các phương tiện giao thông cơ giới, xử lý rác, thi công các công trình xây dựng, khai thác, trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng v.v….;

- Đối với môi trường nước, tội phạm thực hiện những hành vi như: thải vào nguồn nước phóng xạ, dầu mỡ, hóa chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép; đổ các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại hoặc các yếu tố độc hại khác xuống nguồn nước v.v.. Tuy nhiên, khác với tội gây ô nhiễm không khí và tội gây ô nhiễm nguồn nước, đối với tội phạm gây ô nhiễm đất, người phạm tội chỉ thực hiện hành vi khách quan duy nhất là chông vùi hoặc thải vào đất các chất độc hại. Các chất

độc hại bị chôn vùi hoặc thải vào đất là các chất khi chưa bị chôn vùi hoặc thải vào đất đã được xác định là chất độc hại chứ không phải sau khi chôn vùi hoặc thải vào đất bị phân hủy thành các chất độc hại. Các chất này là các chất hữu cơ hoặc vô cơ được cơ quan có thẩm quyền xác định là chất độc hại như các chất hóa học có chứa độc tố, các chất phóng xạ, các loại thuốc bảo vệ thực vật, các động vật, thực vật bị nhiễm độc chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền xử lý hoặc chôn cất không theo quy định của cơ quan vệ sinh dịch tễ. v.v...

Biểu hiện hành vi của tội gây ô nhiễm môi trường dù trong môi trường không khí, môi trường nước hay môi trường đất, đều thực hiện dưới dạng hành động. Bởi vậy, điều kiện cần thiết đầu tiên của tội phạm gây ô nhiễm môi trường là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải thực hiện một trong các hành vi thải hoặc phát tán vào các loại môi trường này những

chất gây ô nhiễm môi trường, bức xạ, phóng xạ.v.v...

Thứ hai, hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường

Đối với tội gây ô nhiễm môi trường, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Theo khoản 1 Điều 182 BLHS hiện hành, hậu quả của hành vi gây ô nhiễm môi trường gồm 03 trường hợp:

- Gây ô nhiễm môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng;

- Hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng; - Hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.

* Về trường hợp gây ô nhiễm môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng.

Điều này có nghĩa, tiêu chí vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chính là cơ sở đầu tiên để thực hiện công tác phân biệt những hành vi nào mặc dù có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải là tội phạm, được xử lý bằng các biện pháp hành chính với những hành vi nguy hiểm cho xã hội

nào bị coi là tội phạm và phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự. Đối với các tội gây ô nhiễm môi trường trước đây trong BLHS năm 1999 (tội gây ô nhiễm không khí - Điều 182, tội gây ô nhiễm nguồn nước – Điều 183, tội gây ô nhiễm đất – Điều 184) hành vi nguy hiểm cho xã hội được căn cứ vào việc thải các chất gây ô nhiễm căn cứ vào tiêu chuẩn cho phép còn đối với tội gây ô nhiễm môi trường trong BLHS hiện hành việc căn cứ này lại dựa vào tiêu chí quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Quy định về ban hành và áp dụng tiêu chuẩn môi trường lần đầu được đưa vào hệ thống pháp luật của nước ta từ Luật bảo vệ môi trường năm 1993. Trên cơ sở này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đã lần lượt ban hành các TCVN về môi trường bắt buộc áp dụng tại các quyết định như: Quyết định số 171-QĐ/TĐC ngày 6-3-1995.v.v.... Tiếp đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã giành một chương riêng (Chương II) quy định về tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, với sự ra đời của Luật tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quy định thời hạn chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam - TCVN bắt buộc áp dụng thành quy chuẩn Việt Nam - QCVN trước 31/12/2008 (a, b, khoản 2, Điều 11). Ví dụ, Quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, Quy chuẩn này áp dụng để đánh giá và kiểm soát chất lượng của nguồn nước mặt, làm căn cứ cho việc bảo vệ và sử dụng nước một cách phù hợp. Nước mặt nói trong quy chuẩn này là nước chảy qua hoặc đọng lại trên mặt đất: sông, suối, kênh, mương, khe, rạch, ao, hồ, đầm. Quy chuẩn này áp dụng thay thế cho TCVN 5942-1995 chất lượng nước - Tiêu chuẩn chất lượng nước mặt trong danh mục các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường bắt buộc áp dụng ban hành kèm theo Quyết định số 35/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 25 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.v.v...Trên cơ sở này, BLHS hiện hành khi quy

định về tội gây ô nhiễm môi trường đã sửa đổi căn cứ tiêu chuẩn cho phép trong các tội gây ô nhiễm môi trường của BLHS năm 1999 thành: quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải. Kể từ thời điểm BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) chính thức có hiệu lực (ngày 01/01/2010), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải chính thức được sử dụng làm căn cứ để quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội gây ô nhiễm môi trường. Ngày 23/6/2014, Quốc hội đã ban hành Luật bảo vệ môi trường năm 2014 để thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Theo đó, Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải được quy định tại khoản 2, Điều 113 và bao gồm các nhóm quy chuẩn:

- Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp, dịch vụ, nước thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước thải sinh hoạt, phương tiện giao thông và hoạt động khác;

- Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về khí thải của các nguồn di động và cố định; - Nhóm quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nguy hại.

Ví dụ, đối với môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã

ban hành các quy chuẩn như: QCVN 19:2009/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật

quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ; QCVN 20:

2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với

một số chất hữu cơ; đối với môi trường nước, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành một số quy chuẩn như: QCVN 24:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; QCVN 25: 2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn; đối với môi trường đất, hiện có các quy chuẩn như: QCVN 15:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất - (thay thế TCVN 5941:1995).v.v..

ô nhiễm môi trường vượt bao nhiêu lần (hay mức độ như thế nào) mới được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội? Hiện tại, Bộ luật hình sự hiện hành chỉ quy

định chung với điều kiện “vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng” [49, Điều 182]. Như vậy, nếu căn cứ theo đúng nội dung

này của Bộ luật hình sự hiện hành thì chỉ cần người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thải các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải “ở mức độ nghiêm trọng” là thỏa mãn điều kiện này của BLHS. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng ở đây được vận dụng theo quy định nào của pháp luật? Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về tội phạm môi trường, việc xem xét mức độ vượt quá bao nhiêu lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải cần được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi lẽ, việc Bộ luật hình sự hiện hành quy định chung chung như vậy sẽ không khả thi trong quá trình áp dụng trên thực tiễn khi mà pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định khá chi tiết.

Một phần của tài liệu Tội gây ô nhiễm môi trường trong luật hình sự việt nam luận văn ths luật (Trang 50)