Theo ý kiến của các chuyên gia về tội phạm môi trường, hiện nay, quy định của BLHS hiện hành về tội gây ô nhiễm môi trường chưa thật đầy đủ và cụ thể. Bên cạnh đó, nhận thức về loại tội phạm này còn chưa nhất quán về chủ thể, phạm vi ô nhiễm, hình thức lỗi cũng như xác định mức độ thiệt hại.v.v... Vì vậy, việc đưa ra một khái niệm chung về tội gây ô nhiễm môi trường để thống nhất về đường lối xử lý hình sự đối với loại tội phạm này trong thời gian tới là rất cần thiết. Theo quan điểm của chúng tôi, việc nhận thức và xây dựng khái niệm về tội gây ô nhiễm môi trường cần chú ý tới hai nội dung chính, cụ thể:
Thứ nhất, phải dựa trên các dấu hiệu chung của tội phạm
Tội phạm gây ô nhiễm môi trường cũng giống như bất kỳ loại tội phạm nào khác là đều có những dấu hiệu chung của tội phạm, bao gồm: thực hiện
những hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm gây ô nhiễm môi trường với tính
chất, mức độ (đáng kể); được quy định trong BLHS; do người có năng lực
TNHS và đủ tuổi chịu TNHS thực hiện một cách có lỗi (đối với loại tội phạm gây ô nhiễm môi trường là lỗi cố ý) và xâm phạm đến các quan hệ xã hội về bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm được pháp luật hình sự bảo vệ. Do vậy, việc xây dựng khái niệm về tội gây ô nhiễm môi trường trên cơ sở các dấu hiệu chung của tội phạm là phù hợp, là cơ sở cho việc phân biệt tội gây ô nhiễm môi trường với các tội phạm khác về môi trường, đồng thời, thể hiện được những dấu hiệu đặc thù của loại tội phạm này.
Thứ hai, việc xây dựng khái niệm phải phù hợp với chính sách hình sự của Việt Nam trong thời gian tới cũng như yêu cầu của công tác đấu tranh với tội phạm gây ô nhiễm môi trường.
Chính sách hình sự của Nhà nước ta trong thời gian tới đối với các tội phạm về môi trường nói chung, tội phạm gây ô nhiễm môi trường nói riêng tập trung và thể hiện ở một số khía cạnh, nội dung như: mở rộng phạm vi, lĩnh vực bảo vệ môi trường và tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội phát sinh (độ rung, tiếng ồn, âm thanh, ánh sáng); tăng nặng TNHS và bảo đảm sự tương xứng giữa các chế tài; nghiên cứu quy định cấu thành tội phạm trong lĩnh vực môi trường dưới dạng cấu thành tội phạm hình thức, lỗi vô ý v.v….. Đối với phạm vi của tội gây ô nhiễm môi trường trong BLHS hiện hành, việc xử lý tội phạm xâm phạm tới môi trường hiện nay chỉ được tiến hành trong 03 lĩnh vực là môi trường nước, không khí và đất. Điều này sẽ hạn chế thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong các thành phần khác của môi trường khi mà đã bắt đầu xuất hiện những hành vi xâm phạm tới các lĩnh vực môi trường đó trong thực tiễn hiện nay. Mặt khác, hiện nay BLHS hiện hành vẫn chỉ truy cứu đối với trường hợp lỗi cố ý sẽ dẫn tới nhiều trường hợp bỏ lột tội phạm cũng như
khó chứng minh được tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Hiện tại, qua tham khảo BLHS của một số nước trên thế giới có quy định tương tự về tội gây ô nhiễm môi trường thì các nước đó cũng đã quy định cả trường hợp lỗi vô ý thực hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo tác giả, việc quy định cả hình thức lỗi vô ý là rất cần thiết, không những nâng cao được trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức mà còn nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm gây ô nhiễm môi trường.v.v...
Vì vậy, để bảo đảm phục vụ hiệu quả đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc xây dựng khái niệm về tội gây ô nhiễm môi trường vừa phải đáp ứng các dấu hiệu chung của tội phạm theo quy định của BLHS vừa phải phù hợp hoặc không trái với chính sách hay định hướng của pháp luật hình sự Việt Nam trong những năm tới đối với nhóm tội phạm về môi trường. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các quan điểm của các chuyên gia về tội phạm môi trường, theo chúng tôi có thể khái niệm của tội gây ô nhiễm
môi trường như sau: tội gây ô nhiễm môi trường là một tội phạm, được quy định trong BLHS, do người có năng lực TNHS, có lỗi và đạt độ tuổi luật định khi thực hiện hành vi, xâm phạm đến các quan hệ xã hội bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm bằng hành vi thải vào môi trường các chất gây ô nhiễm.