Dựa trên nguyên tắc suy đoán pháp lý về xác định cha, mẹ cho con tại Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Điều 21 Nghị định 70/2001/NĐ – CP thì con được xác định là con trong giá thú bao gồm những trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất: Con do người vợ thụ thai và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân.
Việc xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp này không có nhiều phức tạp, vì nam nữ yêu nhau, kết hôn theo quy định của pháp luật và sau đó vợ chồng có con chung là điều tất yếu. Mặt khác, sự kiện sinh đẻ của phụ nữ từ lúc mang thai cho đến khi sinh con đều được biểu hiện ra bên ngoài nên rất dễ dàng để nhận biết. Người phụ nữ sinh ra đứa trẻ được xác định là mẹ, người chồng được xác định là cha. Vì thế, trong thời kỳ hôn nhân nếu người vợ có thai và sinh con thì đứa trẻ được sinh ra sẽ đương nhiên được thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Trường hợp thứ hai: Con do người vợ thụ thai trước thời kỳ hôn nhân và được
Đây là trường hợp pháp luật dự liệu phù hợp với tình hình thực tế, ngày nay rất phổ biến hiện tượng hai bên nam nữ yêu đương, “sống thử” đã có quan hệ sinh lý và thụ thai trước khi kết hôn, dẫn đến việc người phụ nữ mang thai. Lúc này, hai bên nam nữ cũng đã ý thức được rằng đứa con sau này được sinh ra chắc chắn là con chung của vợ chồng. Về sau, nếu hai bên kết hôn thì đứa con được sinh ra vào bất kỳ thời điểm nào trong thời kì hôn nhân (do pháp luật không quy định thời gian mang thai tối thiểu nên không bắt buộc phải xác định trong khoảng thời gian bao nhiêu ngày kể từ khi kết hôn, đứa trẻ được sinh ra mới được xem là con chung) cũng sẽ đương nhiên được thừa nhận là con chung.
Trường hợp thứ ba: Con được sinh ra trước thời kỳ hôn nhân nhưng được sự thừa
nhận của cha, mẹ.
Đứa trẻ được sinh ra trước thời kỳ hôn nhân về nguyên tắc sẽ không được công nhận là con trong giá thú, bởi lúc này hai bên nam nữ vẫn chưa kết hôn nên không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp. Tuy nhiên về sau, nếu hai bên nam nữ kết hôn và đứa trẻ được sự thừa nhận của cha, mẹ thì vẫn được xác định là con chung của vợ chồng. Tương tự như trường hợp thứ ba, pháp luật quy định như vậy mục đích là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ sau này khi chúng được sinh ra khi cha, mẹ vẫn chưa là vợ chồng hợp pháp trước pháp luật.
Trường hợp thứ tư: Con do người vợ thụ thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng được
sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt theo quy định của pháp luật trong thời hạn luật định tối đa là 300 ngày.
Có nhiều trường hợp, người vợ đã thụ thai trong thời kỳ hôn nhân, nhưng đứa trẻ chưa được sinh ra thì hôn nhân giữa cha, mẹ đã chấm dứt vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Lúc này, trước pháp luật hai bên nam, nữ không còn là vợ chồng hợp pháp nữa. Tuy nhiên, căn cứ vào Khoản 2 Điều 21 Nghị định 70/2001/NĐ – CP, đứa trẻ sau này nếu được sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày hôn nhân chấm dứt vẫn được xác định là con chung của vợ chồng. Sở dĩ pháp luật quy định thời hạn là 300 ngày là vì trên cơ sở y tế và khoa học, đây là khoảng thời gian tối đa tính từ khi người phụ nữ mang thai cho đến khi sinh con. Do đó, kể cả trong trường hợp người vợ thụ thai vào ngày cuối cùng của thời kỳ hôn nhân thì khoảng thời gian này vẫn được áp dụng để làm căn cứ xác định cha, mẹ cho con.
Trường hợp thứ năm: Con do người vợ thụ thai trước thời kỳ hôn nhân nhưng được sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt theo quy định của pháp luật trong thời hạn luật định tối đa là 300 ngày.
Trong trường hợp này, đứa trẻ được sinh ra được xác định là con chung của vợ chồng, vì căn cứ tại Khoản 1 Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định về việc con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Ở đây, “có thai trong thời kỳ hôn nhân” có hai trường hợp xảy ra, có thể thụ thai trước thời kỳ hôn nhân hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Và nếu con được sinh ra trong vòng 300 ngày thì đứa trẻ sinh ra được xác định là con chung. Nguyên tắc suy đoán pháp lý về xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp này tương tự như trường hợp thứ tư, đều căn cứ vào quy định “có thai trong thời kỳ hôn nhân”, chỉ khác biệt ở thời điểm thụ thai trước và trong thời kỳ hôn nhân.