Các biện pháp cụ thể

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm tiếp cận đồng bộ tác phẩm văn chương vào dạy học thơ đường trong trường trung học cơ sở (Trang 56)

2.2.2.1. Hướng dẫn học sinh đọc văn bản

* Đọc và vai trò của thao tác đọc: như một lẽ tự nhiên mang tính quy

luật, quá trình tiếp cận tác phẩm văn chương luôn bắt đầu bằng thao tác đọc.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Hùng “Đọc là sự thu nhận thông tin có nội dung ý nghĩa nào đó. Vì thế đọc lại liên quan đến khả năng nhận thức, đến nhu cầu sống và giao tiếp của con người với sự sáng tạo ngày càng cao” (Kỹ năng

đọc hiểu văn, tr.24 ). Bản thân đọc là một quá trình với nhiều mức độ, nhiều dạng thức và yêu cầu khác nhau. Từ đọc lướt đến đọc kỹ toàn bộ văn bản, đọc sâu những phần, những đoạn quan trọng, có giá trị tư tưởng nghệ thuật

cao, nó đòi hỏi người đọc phải có phương pháp, có kỹ năng phù hợp. Tùy thuộc từng đối tượng, mỗi hoàn cảnh, giáo viên có thể cho các em đọc thầm, đọc thành tiếng, đọc cho lớp nghe hoặc tự đọc. Tuy nhiên, dù ở hình thức và mức độ

nào thì việc đọc văn bản văn chương vẫn phải “có sự tham gia của bộ phận phát âm với cái tai thẩm âm, với năng lực thính giác, với cả trí tuệ, tình cảm và các hoạt động tâm lý của con người” (Kỹ năng đọc hiểu văn, tr.24).

Nói về vai trò của thao tác đọc trong tổng thể quá trình đọc văn,

GS.TS Trần Đình Sử viết “Đọc văn là quá trình đối thoại, đối thoại với tác

giả, với cách hiểu của người đọc trước, với “tiền lí giải” – tri thức, cách hiểu tích luỹ từ ban đầu của chính người đọc nữa . Đọc là quá trình liên hệ với các

văn bản có trước trong mối liên hệ liên văn bản rất rộng lớn và sâu sắc. Đọc là quá trình liên hệ với ngữ cảnh của văn bản – sáng tác của nhà văn, bối

cảnh lịch sử, xã hội”.

Trong chương trình ngữ văn của chúng ta lưu ý tới các hình thức đọc: đọc chính âm, đọc nhận biết, đọc diễn cảm, đọc thuộc lòng và đọc hiểu. Thực ra, đọc hiểu bao hàm cả đọc diễn cảm, đọc kĩ (chậm ), đọc lướt (nhanh ) và gắn với các kĩ thuật đọc chậm (đọc kĩ) và đọc nhanh (lướt ). Đọc hiểu là khâu bao trùm, hầu như chưa được coi trọng ở nhà trường chúng ta.

* Phương thức đọc văn bản “Tĩnh dạ tứ” và “Hồi hương ngẫu thư”: Trước hết, có thể nói ngay, không chỉ với thơ Đường mà với mọi văn bản,

các em học sinh phải có quá trình đọc trước khi tiếp cận văn bản với yêu cầu đọc đúng, đọc hay.

Đọc đúng có thể hiểu một cách đơn giản là đọc rõ ràng, khúc chiết, đúng ngữ pháp. Đọc hay là đọc đúng và diễn cảm, đọc có nhịp điệu, có cảm

xúc của chủ thể. Vì nhịp điệu của câu thơ câu văn cũng thể hiện cảm xúc của con người.

Với văn bản Tĩnh dạ tứ cần đọc với giọng tha thiết, trầm lắng thể hiện được tình yêu quê hương của tác giả, văn bản Hồi hương ngẫu thư cần đọc

với giọng ngậm ngùi thể hiện được sự xót xa, buồn tủi của tác giả khi bị coi là khách lạ ngay chính trên quê hương của mình.

2.2.2.2. Sử dụng hệ thống câu hỏi phù hợp, đa dạng

* Vai trò của hệ thống câu hỏi với quá trình tiếp cận tác phẩm: hệ thống

câu hỏi có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình tiếp cận tác phẩm. Nó vừa là phương pháp, phương tiện, cũng là mục đích của giờ dạy học văn. Câu hỏi phù hợp với nội dung, phù hợp với học sinh sẽ giúp cho quá trình tiếp cận đạt hiệu quả cao nhất. Câu hỏi rõ ràng, ngắn mà hay góp phần đánh thức năng lực tư duy của người học, tạo tâm thế chủ động, sáng tạo cho thầy và trò, tạo không khí văn chương cho lớp học. Câu hỏi phải đa dạng, phong phú nhưng cũng cần chọn lọc, vừa bao quát “diện” vừa nhấn mạnh “điểm”, vừa bám sát làm rõ nội dung tư tưởng vừa nhấn mạnh đặc điểm nổi bật của phong cách nghệ thuật. Theo chúng tôi, hệ thống câu hỏi cần được xây dựng dựa trên cơ sở: (1) Mục tiêu bài học; (2) Quan điểm đổi mới phương pháp dạy học; (3) Bám sát kiểu loại bài dạy học và (4) Tiến trình bài dạy. Trên cơ sở định hướng đó, chúng tôi đưa ra một số dạng câu hỏi điển hình để các thầy cô giáo tham chiếu.

* Câu hỏi khái quát: đây là dạng câu hỏi mang tính định hướng, gợi mở

cho các em học sinh xác định các luận điểm của bài học. Với mỗi bài giảng, mỗi tiết dạy và từng phần, người giáo viên có thể lựa chọn câu hỏi dạng này để hướng dẫn các em xác định vấn đề trọng tâm của bài học, của tiết học và mỗi phần.

Ví dụ: Bài thơ đã biểu hiện tình cảm gì của tác giả? Tình cảm đó được thể hiện như thế nào?

Dạng câu hỏi này yêu cầu học sinh phải có tư duy khái quát, mang

tính hệ thống về tác giả, tác phẩm. Đối với bài Tĩnh dạ tứ đó là tình cảm: nhớ

quê, yêu quê của một người sống xa nhà trong đêm trăng thanh tĩnh còn đối

người sống xa quê lâu ngày được bộc lộ trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân

trở về quê cũ. Trong bài Tĩnh dạ tứ tình yêu quê được thể hiện một cách nhẹ nhàng, thấm thía còn bài Hồi hương ngẫu thư tình yêu quê lại được thể hiện

một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Để trả lời được những câu hỏi này, học sinh phải khái quát được về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Để hiểu được nội dung tình cảm, cảm xúc trong thơ HS phải liên hệ với cuộc đời nhà thơ, đặt bài thơ trong hoàn cảnh sáng tác:

- Lý Bạch: Năm 25 tuổi, Lý Bạch xa quê và xa mãi. Bài thơ Tĩnh dạ tứ được

làm khi ông sống xa quê hương.

- Hạ Tri Chương: Ông sống, học tập và làm quan ở kinh đô Trường An trên 50 năm và đó cũng là quãng thời gian xa quê của ông, đến khi già ông mới

trở về quê hương. Bài thơ Hồi hương ngẫu thư được viết ngay khi ông đặt

chân về quê hương sau 50 năm xa cách.

* Câu hỏi chi tiết: nếu câu hỏi khái quát có tính chất định hướng, xác

lập hệ thống luận điểm cho bài dạy thì câu hỏi chi tiết lại là bước cụ thể hoá những ý lớn đó thành đơn vị kiến thức cụ thể, giúp các em học sinh có hiểu biết sâu hơn, kỹ hơn về tác phẩm. Trong mỗi bài giảng, mỗi tiết dạy, sẽ có hệ thống nhiều câu hỏi chi tiết khác nhau. Có câu được người dạy chuẩn bị trước, nhưng cũng có tình huống câu hỏi nảy sinh bất ngờ. Điều đó làm có tác dụng làm cho giờ dạy học sinh động hơn nhưng cũng đòi hỏi người dạy phải có năng lực chuyên môn, có bản lĩnh nghề nghiệp để câu hỏi lô gic, phù hợp với luận điểm.

Ví dụ: Cảnh thiên nhiên trong 2 câu thơ đầu bài “Tĩnh dạ tứ” hiện lên như thế nào?Hai câu thơ đầu có phải thuần túy tả cảnh không?

Dạng câu hỏi này yêu cầu các em học sinh phải nắm đọc kỹ văn bản, nắm rõ các chi tiết, có khả năng tư duy hình tượng để phân tích, liên tưởng, tưởng tượng, từ đó rút ra nhận xét. Trong trường hợp này, các em cần đưa ra

được các ý cơ bản sau: Trong đêm khuya yên tĩnh, nhà thơ (nhân vật trữ tình) nhìn thấy ánh trăng sáng ở đầu giường mà tưởng rằng sương trên mặt đất. Điều đó cho chúng ta thấy: trăng rất sáng. Điểm nhìn của tác giả đã di chuyển từ trong phòng ra bên ngoài nên mới thấy được mặt đất như phủ sương. Những tia sáng của trăng chập chờn mờ ảo đã làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ mặt đất, nhìn trăng mà lòng buồn vời vợi, ngỗn ngang trăm mối tơ lòng … Sương và Trăng làm nỗi bật sự trống vắng vô tận, làm tăng thêm khung cảnh u uất đìu hiu của trời đêm cô liêu, đã đem lại những cảm giác mông lung hư hư thực thực … quanh quất đâu đây : sương là trăng hay trăng là sương? Cái tĩnh lặng của không gian bàng bạc trong bài thơ đã tràn ngập cảm xúc, nội tâm và tư duy khó mà diễn tả. Hình ảnh màn sương "ngờ ngợ" phủ trắng nền đất trong trời đêm đã mở ra một khoảng không gian tịch liêu cô quạnh mông lung, làm gia tăng nỗi cô đơn của người thơ. Nhà thơ đã dùng những hình tượng dựng cảnh, nhưng thật ra là muốn ngụ tình, gửi gắm những tâm sự thầm kín của tác giả. Như vậy, hai câu thơ đầu không phải là thuần túy tả cảnh.

* Câu hỏi hướng dẫn học sinh tìm hiểu về nghệ thuật, nội dung:

- Chứng minh hai câu đầu bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” đã dùng phép đối trong câu (hay còn gọi là tiểu đối).

- Nêu tác dụng của việc dùng phép đối ấy. Sự biểu hiện của tình quê hương ở hai câu đầu và hai câu cuối có gì khác nhau về giọng điệu?

Trả lời được câu hỏi này, HS sẽ thấy được nghệ thuật thường được sử dụng trong thơ Đường là phép đối. Bên cạnh việc sử dụng thành công nghệ

thuật đối, bài thơ Hồi hương ngẫu thư còn thành công ở sự thay đổi giọng

điệu. Từ việc phân tích giá trị nghệ thuật của HS sẽ hiểu được nội dung của bài thơ.

Thiếu tiểu li gia >< lão đại hồi: Phép đối này đã gắn tuổi già với tuổi trẻ, ngày ra đi với ngày trở về và cho chúng ta thấy: quãng thời gian xa quê đã rất lâu rồi

Hương âm vô cải >< mấn mao tồi: một cái là thay đổi và một cái là không thay đổi. Tác giả sử dụng nghệ thuật đối để khẳng định một điều: Theo thời gian, con người có thể già đi, tóc mai đã rụng dần nhưng giọng quê, hồn quê, tình quê thì mãi mãi không thay đổi. Qua đây cho chúng ta thấy tình cảm thủy chung, son sắt của tác giả đối với quê hương mình.

- Giọng điệu bài thơ:

+ Hai câu đầu: giọng kể và tả xen lẫn sự bồi hồi.

+ Hai câu sau: giọng kể và tả hóm hỉnh mà ngậm ngùi, xót xa.

Sự thay đổi về giọng điệu cho ta thấy: tâm trạng ngỡ ngàng, chua xót, buồn tủi cười ra nước mắt của nhà thơ. Qua đây, ta cảm nhận được tình yêu quê hương sâu sắc trong lòng lão quan Hạ Tri Chương

2.2.2.3. Dùng thao tác phân tích, bình giảng

Phân tích, bình giảng là một trong những thao tác chủ đạo của phương pháp dạy học Ngữ văn truyền thống. Trong bối cảnh đổi mới của ngành giáo dục, thao tác này được coi là cũ, là đặc trưng của lối dạy truyền thống: thầy đọc – trò chép.

Bên cạnh nhược điểm đó, các thao tác phân tích, bình giảng vẫn có những tác dụng khá lớn trong quá trình dạy học Ngữ văn hiện nay. Nó giúp giờ dạy có chất văn chương, tạo ra sự khác biệt với các bộ môn khác. Đúng như cố nhà thơ Xuân Diệu đã nói: “Mỗi áng văn, lời thơ là một cá lội, con bướm bay, con chim hót. Việc nghiên cứu giảng dạy thơ văn là phải đưa được vào trái tim người đọc cái kỳ diệu của chim hót, bướm bay, cá lội, chứ không phải làm cho bướm ép dẹp, chim nhồi rơm và cá chết khô”. Một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài

thơ, khơi dậy ở trái tim non trẻ của các em tình yêu người, yêu đời để các em biết ghét cái ác, cái xấu mà hướng tới chân, thiện, mỹ.

Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng những phương pháp mới vào dạy học. Nhưng đối với môn Văn vẫn cần có sự kết hợp các phương pháp dạy học hiện đại với các thao tác phân tích, giảng bình để học sinh hiểu hơn, thấy lí thú hơn đối với các tác phẩm văn chương. Đặc biệt, đối với thơ Đường – những tác phẩm ra đời cách đây hàng nghìn năm, HS khó có thể hiểu và cảm nhận được cái hay của tác phẩm. Bởi vậy, trong Luận văn này, dựa trên thực tế việc học của học sinh, khi đề xuất các giải pháp thực hiện, ngoài việc sử dụng đa dạng hệ thống câu hỏi, chúng tôi vẫn chủ trương dùng các thao tác trên. Tuy nhiên, áp dụng như thế nào, còn phụ thuộc vào từng bài, từng phần, các chủ thể của hoạt động dạy học. Sau khi giúp học sinh khám phá giá trị tư tưởng – nghệ thuật của văn phẩm, giáo viên có thể chốt lại từng vấn đề, đưa ra một số ý phân tích, giảng bình.

Một số ví dụ:

- Bình về từ “vọng” trong hai câu thơ cuối của bài thơ Tĩnh dạ tứ: Cử đầu vọng minh nguyệt (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đê đầu tư cố hương

Từ “vọng” đã cho chúng ta thấy: nhà thơ đã mang tâm trạng, nỗi niềm trong ánh nhìn. “Vọng” gợi cho chúng ta nhớ đến hình ảnh của một cậu bé đứng trên núi Nga Mi đưa ánh mắt với tâm hồn phóng khoáng lên chiếm lĩnh không gian rộng lớn ngập tràn ánh trăng... Trăng đã trở thành người bạn tri âm tri kỉ, là nơi cất giữ những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, những ước mơ khát vọng của thời trai trẻ. Và giờ đây, khi “vọng minh nguyệt” nhà thơ như tìm lại những kí ức đẹp về quê cũ của mình. Thì ra, bao tâm trạng nỗi niềm đã được gửi vào câu thơ.

- Bình giảng về từ “minh nguyệt” và “cố hương”: Đây là hai hình ảnh đẹp, vĩnh hằng, bất tử. Hình ảnh “minh nguyệt” vĩnh hằng, bất tử cùng thiên nhiên vũ trụ còn “cố hương”: vĩnh hằng, bất tử trong lòng người.

- Bình về từ “cố hương”: Thơ xưa hay nói tới “cố” với tất cả sự gắn bó, hoài niệm sâu nặng, thiêng liêng máu mủ ruột rà: cố quốc, cố nhân, cố viên, cố tri...Và ở đây bao yêu thương, gắn bó, lưu luyến được gói ghém trong hai chữ “cố hương”. Đó là sự sâu nặng, thiêng liêng của tình quê và nó sống mãi trong lòng nhà thơ. Hai chữ “Cố hương” đã khép lại bài thơ nhưng lại mở ra trường liên tưởng mới – trường liên tưởng về quê cũ. Bài thơ kết thúc nhưng vẫn ngập tràn cảm xúc, ngập tràn nỗi nhớ quê hương (bút dừng mà ý không dừng, lời hết mà ý chưa hết...)

- Bình giảng về 2 câu thơ đầu bài thơ Hồi hương ngẫu thư để thấy được tình yêu quê hương của Hạ Tri Chương: Một con người mà suốt cuộc đời sống li

hương, hơn nửa thế kỉ làm quan tại kinh đô Trường An, đứng trên đỉnh cao của danh vọng, sống trong cảnh vàng son, ấy vậy mà đến phút cuối đời vẫn không quên được giọng quê, chất quê, hồn quê. Đó chính là tấm lòng thuỷ

chung, son sắt với quê hương.

- Bình giảng về 2 câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư để làm rõ tình yêu

quê hương sâu nặng trong lòng tác giả: Qua lời được kể tưởng như là khách quan vô tư ấy, ta cảm nhận được tình yêu quê hương sâu sắc trong lòng lão quan Hạ Tri Chương. Không yêu quê hương thì không thể có những phút giây chạnh lòng với những điều tưởng như rất nhỏ, rất vô cớ ấy. Tình yêu quê hương ở đây giống như một sợi dây đàn căng hết mức chỉ có thể chạm nhẹ là vang ngân lên mãi.

CHƯƠNG 3 THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM 3.1. Giáo án thực nghiệm GIÁO ÁN THỰC NGHIỆM Ngữ văn 7 Tiết 37: Tĩnh dạ tứ (Lý Bạch)

Tiết 38: Hồi hương ngẫu thư (Hạ Tri Chương)

Người soạn: Nguyễn Thị Thanh

Đơn vị công tác: Trường THCS Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội Lớp dạy: Lớp 7A1 và lớp 7A2

Ngày dạy: ngày 15 tháng 10 năm 2014 Tiết 37: Văn bản:

CẢM NGHĨ TRONG ĐÊM THANH TĨNH (TĨNH DẠ TỨ)

Lý Bạch I. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT

Giúp HS:

- Thấy được tình cảm quê hương sâu nặng của nhà thơ.

- Thấy được một số đặc điểm nghệ thuật của bài thơ: hình ảnh gần gũi, ngôn ngữ tự nhiên, bình dị, tình cảnh giao hoà.

- Bước đầu nhận biết bố cục thường gặp (2/2) trong một bài thơ tuyệt

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm tiếp cận đồng bộ tác phẩm văn chương vào dạy học thơ đường trong trường trung học cơ sở (Trang 56)