2.1.2.1. Vài nét về phương pháp dạy học, phương pháp dạy học Ngữ văn theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh
Vấn đề phát huy tính tích cực học tập của học sinh đã được đặt ra trong ngành giáo dục Việt Nam từ những năm 1960. Ở thời điểm này, các trường sư phạm đã có khẩu hiệu: “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai, năm 1980, phát huy tính tích cực đã là một trong các phương hướng cải cách, nhằm đào tạo những người lao động sáng tạo, làm chủ đất nước. Từ đó, trong nhà trường xuất hiện ngày càng nhiều tiết dạy tốt của các giáo viên giỏi, theo hướng tổ chức cho học sinh hoạt động, tự lực chiếm lĩnh tri thức mới.
Phương pháp dạy học tích cực là cách thức dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Phương pháp dạy học tích cực hướng tới việc hoạt động hoá, tích cực hoá hoạt động nhận thức của người học. Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của HS có nghĩa là phải thay đổi cách dạy và cách học. Chuyển cách dạy thụ động, truyền thụ một chiều “đọc- chép”, GV làm trung tâm sang cách dạy lấy HS làm trung tâm hay còn được gọi là dạy và học tích cực. Trong cách dạy này học sinh là chủ thể hoạt động, giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học. Dạy và học tích cực là điều
kiện tốt khuyến khích sự tham gia chủ động, sáng tạo và ngày càng độc lập của học sinh vào quá trình học tập.
Tính tích cực trong học tập thể hiện ở khát vọng hiểu biết, cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức, luôn có nhu cầu tìm kiếm “khám phá” ra những hiểu biết mới cho bản thân. Qua đó sẽ thông hiểu, ghi nhớ những gì đã nắm được qua hoạt động chủ động, nỗ lực của chính mình.
Tính tích cực trong học tập liên quan với động cơ học tập. Động cơ đúng tạo ra hứng thú. Hứng thú là tiền đề của tự giác. Hứng thú và tự giác là hai yếu tố tâm lí tạo nên tính tích cực. Tính tích cực sản sinh ra nếp tư duy độc lập. Suy nghĩ độc lập là mầm mống của sáng tạo và ngược lại.
Tính tích cực trong học tập biểu hiện ở những dấu hiệu như: hăng hái, chủ động, tự giác tham gia các hoạt động học tập, thích tìm tòi khám phá những điều chưa biết dựa trên những cái đã biết. Sáng tạo vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống
2.1.2.2. Đặc trưng của PPDHTC
* Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động học tập của học sinh
Trong phương pháp dạy học tích cực, người học - đối tượng của hoạt động "dạy", đồng thời là chủ thể của hoạt động "học" - được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp đặt. Được đặt vào những tình huống của đời sống thực tế, người học trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình, từ đó nắm được kiến thức kĩ năng mới, vừa nắm được phương pháp "làm ra" kiến thức, kĩ năng đó, không rập theo những khuôn mẫu sẵn có, được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo.
Dạy theo cách này thì giáo viên không chỉ giản đơn truyền đạt tri thức mà còn hướng dẫn hoạt động. Chương trình dạy học phải giúp cho từng học sinh biết hành động và tích cực tham gia các chương trình hành động của cộng đồng.
* Dạy và học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học
Phương pháp tích cực xem việc rèn luyện phương pháp học tập cho học sinh không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là một mục tiêu dạy học.
Dạy học cần chú trọng phương pháp tự học. Tri thức thì vô hạn và ngày càng phát triển, trong khi đó hoạt động dạy học thì có hạn, vì vậy, cần phát huy được phương pháp tự học cho HS để HS có thói quen tự học mọi lúc, mọi nơi và tự học suốt đời. Mặt khác phương pháp tự học là cầu nối giữa học tập và nghiên cứu khoa học, nếu rèn luyện cho HS có phương pháp, thói quen, kĩ năng tự học, biết linh hoạt vận dụng những kiến thức đã học vào các tình huống mới, biết tự lực phát hiện vấn đề, đặt ra và giải quyết những vấn đề trong thực tiễn thì sẽ tạo cho các em lòng ham học, khơi dậy tiềm năng vốn có ở mỗi HS. Để phát huy phương pháp tự học ở HS, GV cần phải thường xuyên giao bài tập, đặt ra cho các em những tình huống, mâu thuẫn trong thực tế cuộc sống xung quanh, từ đó làm cho các em luôn luôn có nhu cầu hiểu biết, do đó các em sẽ tự học, tự tìm hiểu. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng, thói quen, ý chí tự học thì sẽ tạo cho họ lòng ham học, khơi dậy nội lực vốn có trong mỗi con người, kết quả học tập sẽ được nhân lên gấp bội. Vì vậy, ngày nay người ta nhấn mạnh mặt hoạt động học trong qúa trình dạy học, nỗ lực tạo ra sự chuyển biến từ học tập thụ động sang tự học chủ động, đặt vấn đề phát triển tự học ngay trong trường học từ những năm đầu đi học.
* Tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác
Trong một lớp học, tư duy của học sinh không thể đồng đều: có những học sinh học tốt, tiếp thu nhanh nhưng cũng có những học sinh học còn chậm. Giáo viên cần chú ý đến đối tượng học sinh để đưa ra những yêu cầu phù hợp, có như vậy mới phát huy được tính tích cực của học sinh.
Tuy nhiên, lớp học là môi trường giao tiếp thầy - trò, trò - trò, tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trên con đường chiếm lĩnh nội dung học tập. Tri thức, kĩ năng, thái độ sẽ được hình thành bằng những hoạt động tập thể. GV cần tổ chức các hình thức thảo luận trong tập thể để học sinh được trình bày, được thể hiện. Học tập hợp tác làm tăng hiệu quả dạy học, nhất là lúc phải giải quyết những vấn đề khó, những tình huống có vấn đề.
Như khi dạy bài thơ Tĩnh dạ tứ GV có thể đưa ra vấn đề cho HS thảo luận như: Trong hai câu thơ đầu của bài thơ Tĩnh dạ tứ có phải thuần túy tả cảnh? Có người nói:” nhà thơ Lý Bạch ngẩng đầu lên là để kiểm nghiệm xem là sương hay là trăng”, em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao? Khi GV
tổ chức cho HS hoạt động nhóm thì không nên phân nhóm qua đông mà chỉ nên để nhóm từ 4 – 6 HS, thậm chí là nhóm 2 để tránh hiện tượng ỷ lại. Qua hoạt động nhóm tính cách năng lực của mỗi thành viên được bộc lộ, tập thể có sự gắn kết, HS có tinh thần tương trợ lẫn nhau.
* Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò
Việc đánh giá luôn cho ta thông tin hai chiều, trò tiếp thu như thế nào và thầy dạy như thế nào? Và trước đây GV giữ độc quyền đánh giá, trong phương pháp tích cực HS được tham gia đánh giá chính mình và đánh giá lẫn nhau. Có như vậy, HS mới thấy được khả năng đích thực của mình để có cách học phù hợp.
Trong phương pháp dạy học tích cực, giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh phát triển kĩ năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học. GV cần tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được tham gia đánh giá lẫn nhau. Khi GV
đưa ra câu hỏi và yêu cầu HS trả lời, GV cần mời HS khác nhận xét câu trả lời của bạn, sau đó GV mới nhận xét, đánh giá và chốt lại các đơn vị kiến thức. GV có thể tổ chức cho HS thảo luận nhóm. Các nhóm trao đổi thảo luận rồi lên trình bày. Các nhóm khác theo dõi và đưa ra ý kiến nhận xét của mình. Thông qua các hình thức như vậy, HS sẽ rèn được kĩ năng đánh giá và tự đánh giá.
Theo hướng phát triển các phương pháp tích cực để đào tạo những con người năng động, sớm thích nghi với đời sống xã hội, thì việc kiểm tra, đánh giá không thể dừng lại ở yêu cầu tái hiện các kiến thức, lặp lại các kĩ năng đã học mà phải khuyến khích trí thông minh, óc sáng tạo trong việc giải quyết những tình huống thực tế.
Từ dạy và học thụ động sang dạy và học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức, giáo viên trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập. Để đảm nhiệm được vai trò đó, GV cũng phải tự bồi dưỡng chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm. Có như vậy GV mới có thể linh hoạt tổ chức các hoạt động, giải đáp được những thắc mắc của học sinh hoạt động của học sinh mà nhiều khi diễn biến ngoài tầm dự kiến của giáo viên. Với vai trò là người gợi mở, cố vấn, là trọng tài, người cố vấn và động viên trong hoạt động học sẽ khiến cho các hoạt động học trở nên hào hứng, sôi nổi.