Phù hợp với trình độ tiếp nhận và tâm lý lứa tuổi học sinh

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm tiếp cận đồng bộ tác phẩm văn chương vào dạy học thơ đường trong trường trung học cơ sở (Trang 39)

2.1.1.1. Đôi nét về tâm lý lứa tuổi học sinh THCS

Lứa tuổi học sinh THCS có những biến chuyển mạnh mẽ về tâm – sinh lý, vì vậy, muốn việc tiếp cận tác phẩm trong giờ dạy học có hiệu quả, người dạy cần nắm rõ các đặc điểm tâm lý học sinh. Lứa tuổi này có một vị trí đặc biệt và tầm quan trọng trong thời kỳ phát triển của trẻ em, vì nó là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành và được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau như: “thời kỳ quá độ”, “tuổi khó bảo”, “tuổi khủng hoảng”, “tuổi bất trị”... Ở độ tuổi mới lớn, học sinh bậc THCS hết sức nhạy cảm, tò mò, khả năng tư duy nhanh và luôn mong muốn được tìm tòi, thể hiện, khẳng định bản thân. Người giáo viên cần nắm rõ đặc điểm chung này, trên cơ sở đó, chia nhóm, phân loại đối tượng để có câu hỏi, hướng tiếp cận phù hợp nhằm phát huy thế mạnh, hạn chế nhược điểm của các em. Tuy nhiên, sự hiểu biết, vốn văn hóa của học sinh giai đoạn này cũng còn hạn chế, khả năng hứng thú say mê chỉ duy trì trong một khoảng thời gian nhất định, vì vậy, người giáo viên lại phải căn cứ vào tính chất bài giảng, khối lượng kiến thức, thời lượng tiếp nhận để bảo đảm tính vừa sức cho các em. Sức cuốn hút của giờ học không nằm ở chỗ người giáo viên đưa ra những vấn đề khó, có tính chất đánh đố người học mà ở chỗ vấn đề đó có phù hợp với tâm lý, trình độ, năng lực người tiếp nhận không, có giàu tính nghệ thuật và có giá trị thực tiễn không.

Ở lứa tuổi này, các em có ý thức về mình, có nhu cầu được khẳng định, được tôn trọng. Ở nhiều em đã có yếu tố tự học, có hứng thú bền vững đối

với môn học, say mê học tập. Tuy nhiên, tính tò mò, ham hiểu biết nhiều khi khiến hứng thú của học sinh bị phân tán và không bền vững. Chính vì vậy, GV cần phải duy trì được hứng thú học tập của HS. Trong giáo dục, giáo viên cần thấy được mức độ phát triển cụ thể ở mỗi em để kịp thời động viên, hướng dẫn học sinh khắc phục những khó khăn trong học tập và hình thành nhân cách một cách tốt nhất. Bài học cần được giáo viên gắn với cuộc sống, làm cho HS hiểu rõ ý nghĩa của môn học để HS có hứng thú học tập. GV cũng phải giúp đỡ các em biết cách học, có phương pháp học tập phù hợp. Bên cạnh đó, người giáo viên cũng cần tạo cho lớp học môi trường thân thiện, gần gũi; tạo tâm thế cho các em trước, trong giờ học, quá trình tiếp cận sẽ hiệu quả hơn. Những ý kiến nhận xét của thầy cô giáo về học sinh cần khéo léo, tế nhị nhằm động viên, khích lệ tinh thần, ý thức học tập của các em.

2.1.1.2. Trình độ, năng lực tiếp nhận của học sinh lớp 7

Càng lớn lên, hoạt động học tập càng có vị trí quan trọng trong cuộc sống của HS và vai trò của nó trong sự phát triển của HS ngày càng to lớn. Học tập là hoạt động chủ đạo nhưng vào tuổi này, việc học tập của các em có những thay đổi cơ bản.Việc học tập ở trường THCS là một bước ngoặc quan trọng trong đời sống của HS. Ở các lớp dưới, các em học tập các hệ thống các sự kiện và hiện tượng, hiểu những mối quan hệ cụ thể và đơn giản giữa các sự kiện và hiện tượng đó. Ở trường THCS, việc học tập của các em phức tạp hơn một cách đáng kể. Các em chuyển sang tìm hiểu có hệ thống những cơ sở của các khoa học, các em học tập có phân môn… Mỗi môn học gồm những khái niệm, những quy luật được sắp xếp thành một hệ thống tương đối sâu sắc. Điều đó đòi hỏi các em phải tự giác và độc lập cao.

Thái độ tự giác đối với học sinh lớp 7 cũng tăng lên rõ rệt. Đối với HS lớp 7, thái độ đối với môn học do nội dung môn học và sự đòi hỏi phải mở rộng tầm hiểu biết chi phối. Thái độ đối với môn học đã được phân hóa khá rõ.

Học sinh lớp 7 có nhiều tiến bộ trong việc ghi nhớ tài liệu trừu tượng, từ ngữ. Các em có những kỹ năng tổ chức hoạt động tư duy, biết tiến hành các thao tác như so sánh, hệ thống hóa, phân loại nhằm ghi nhớ tài liệu.

Khả năng chú ý của HS lớp 7 cũng tăng lên rõ nét. Một mặt chú ý có chủ định diễn ra, mặt khác vẫn bị ảnh hưởng bởi các ấn tượng, những rung động mạnh mẽ của lứa tuổi nên sự chú ý vẫn chưa bền vững. Vì thế, HS có những giờ học rất tập trung chú ý nhưng cũng có những giờ học lại lơ đãng. Sự chú ý có chủ định bước đầu được phát triển nhưng sự di chuyển sang chú ý sau chủ định (HS chú ý cao độ) còn mờ nhạt.

HS lớp 7 có sự phát triển ngôn ngữ khá rõ nét: vốn từ của các em tăng nhanh, việc học tập môn văn đã giúp các em phát triển ngôn ngữ chính xác, giàu tính hình tượng,… Tuy nhiên nhiều khi các em là thích sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, không khoa học, bắt chước ngôn ngữ người lớn mà không hiểu hết nghĩa của chúng.

Hoạt động tư duy của HS lớp 7 cũng có những bước tiến mới: tư duy khái quát độc lập được phát triển mạnh thông qua việc phân tích, chứng minh, so sánh, tổng hợp một cách lôgic chặt chẽ. Tư duy trừu tượng dần chiếm ưu thế, phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò quan trọng trong học tập của các em. Cùng với đó, tư duy phê phán của HS lớp 7 được hình thành và phát triển. Ở các em thường xuất hiện những ý kiến đánh giá, phê phán những thông tin trong học tập và trong đời sống. Tư duy sáng tạo độc lập bước đầu được phát triển. Các em có ý thức tìm ra cách giải bài tập theo hướng của riêng mình, có nhiều em thích sáng chế, phát minh. Vì vậy, để phát triển được sự sáng tạo của HS, GV cần tạo để cho HS trình bày những suy nghĩ, những cảm thụ của riêng mình đối với các tác phẩm văn chương.

Trí tưởng tượng của HS lớp 7 cũng có bước phát triển vượt bậc. Nếu ở độ tuổi mẫu giáo, nhi đồng, trí tưởng tượng nhiều khi li kì không thật thì sang lớp 7 - ở giai đoạn chuyển tiếp sang tuổi thiếu niên này, trí tưởng

tượng đã được các em kiểm soát và soi chiếu nhờ những kinh nghiệm hiểu biết thực tiễn.

Tuy nhiên, ở lứa tuổi này kinh nghiệm sống và vốn hiểu biết, vốn văn hóa chưa nhiều. Đây cũng là những hạn chế khi học sinh tiếp cận với các tác phẩm thơ văn cổ như thơ Đường. Giáo viên cần cung cấp cho HS một số kiến thức ngoài văn bản để giúp học sinh hiểu – hiểu văn bản và từ đó cảm thụ tốt các tác phẩm thơ Đường.

Một phần của tài liệu Vận dụng quan điểm tiếp cận đồng bộ tác phẩm văn chương vào dạy học thơ đường trong trường trung học cơ sở (Trang 39)