Để giúp HS hiểu rõ tác phẩm, ngoài việc tìm hiểu văn bản, GV cần giới thiệu cho các em về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của các nhà văn, nhà thơ. Những tri thức ngoài văn bản đó giúp các em hiểu sâu hơn tác phẩm được học.
2.1.3.1. Cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Lý Bạch và Hạ Tri Chương
*Lý Bạch (701 – 762), nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường, tự là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên cư sĩ, Quê ở Cam Túc; lúc mới 5 tuổi gia
đình về định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc Miên Châu (Tứ Xuyên) nên nhà thơ vẫn thường coi Tứ Xuyên cũng là quê hương của mình.
Lý Bạch là người có tư chất, thông minh, tài hoa. Tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn. Ông thích cuộc sống tự do, giao lưu bạn bè, đi du ngoạn đó đây, ít chịu gò bó theo khuôn phép.
Năm 25 tuổi Lý Bạch từ biệt mẹ cha vác kiếm đi ngao du: “Trượng kiếm khứ quốc/Từ thân viễn du”. Ông cùng năm người bạn vui thú “ẩm tửu đàm ca” và được mệnh danh là “Trúc khê lục dật” (sáu người ẩn dật trong khe trúc).
Từ trẻ ông đã xa gia đình để đi du lịch tìm đường lập công danh sự nghiệp. Điều đáng quý ở con người ông là luôn ấp ủ một hoài bão lớn lao: phò vua trị quốc đem lại cuộc sống yên bình cho muôn dân. Ông khao khát được như cánh chim bằng bay cao giữa bầu trời, lập nên kì tích lớn lao. Dẫu muốn góp phần cứu đời giúp dân song chưa bao giờ ông được toại nguyện. Khát vọng không thành, chốn quan trường nhiều phen lận đận, ông đã từ quan, ngao du sơn thuỷ, thoả chí tang bồng.
Năm 762 ông chết bệnh ở nhà ông chú họ, kết thúc cuộc đời phiêu bạt đầy gian truân. Theo một truyền thuyết khác thì khi ông “thi tiên” đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, trong men rượu nồng nàn chếnh choáng, trông thấy bóng trăng dưới sông đẹp quá, ông đã nhảy xuống ôm trăng vào lòng và thác mệnh.
Lý Bạch là một trong 3 nhà thơ vĩ đại nhất đời Đường. Ông được mệnh danh là “tiên thơ”. Lý Bạch làm thơ từ năm 10 tuổi. Có thể nói thơ là toàn bộ cuộc đời, thơ là sự tuôn chảy tự nhiên của tâm hồn ông. Khi tỉnh làm thơ, khi say cũng làm thơ. Mà hình như càng say thơ lại càng hay:
“Hứng lên vung bút rung ngũ nhạc Thơ thành cát sóng biển biển khơi”
Lý Bạch để lại khoảng 1000 bài thơ với nhiều đề tài phong phú. Trong đó có những bài thơ, những câu thơ nổi tiếng lưu truyền thiên cổ:
“Trừ đao đoạn thuỷ, thuỷ cánh lưu Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh cầu”
(Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm)
Lý Bạch viết nhiều bài rất hay về chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn. Trong chương trình Ngữ văn 7, HS sẽ được học 2 tác phẩm nổi
tiếng của ông là: Vọng lư sơn bộc bố (Xa ngắm thác núi lư) và Tĩnh dạ tứ
(Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh).
* Hạ Tri Chương: Hạ Tri Chương (659 – 744), tự Quý Chận, hiệu Tứ Minh cuồng khách, quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang), đỗ tiến sĩ năm 695, sinh sống, học tập và làm quan trên 50 năm ở kinh đô Trường An, rất được Đường Huyền Tông vị nể. Lúc xin từ quan về quê làm đạo sĩ, vua có tặng thơ, thái tử và các quan đều đưa tiễn. Ông là bạn vong niên của thi hào Lý Bạch, từng gọi Lý Bạch là “trích tiên” (tiên bị đày). Ông thích uống rượu, tính tình hào phóng, ông còn để lại 20 bài
thơ, trong đó hai bài Hồi hương ngẫu thư là nổi tiếng nhất. Hạ Tri Chương không phải là một nhà thơ thật tiêu biểu đời Đường, nhưng thi phẩm Hồi hương ngẫu thi của ông thì lại được hậu thế ngàn đời xưng tụng.
2.1.3.2. Hoàn cảnh xã hội
*Lý Bạch (701 – 762) và Hạ Tri Chương (659-744), là 2 nhà thơ được sinh ra vào đời Đường, Trung Quốc. Thời đại 2 ông sống là thời đại đế quốc Đường đã đạt tới mức phồn thịnh nhất, nhưng từ điểm cao ấy, cục diện chính
trị nhà Đường đã xoay chuyển.
Năm 712, Long Cơ được vua cha nhường ngôi, trở thành Đường Huyền Tông. Sau khi đăng cơ, Huyền Tông thanh trừng các phe cánh chống đối của Công chúa Thái Bình, chấm dứt gần 30 năm biến động của nhà
Đường. Sau đó, ông bắt tay vào việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trọng dụng nhân tài, ngăn chặn quan liêu lãng phí, mở ra thời kì Khai Nguyên thịnh trị kéo dài hơn 30 năm. Năm 695, Hạ Tri Chương đỗ tiến sĩ và làm quan ở kinh đô Trường An. Ông rất được Đường Huyền Tông vị nể. Sau 50 năm sinh sống, học tập và làm quan ở kinh đô Trường An, đến năm 744, tức lúc 86 tuổi, Hạ Tri Chương mới về quê. Hành động từ giã triều đình, từ giã kinh đô của một vị đại thần để trở về quê hương của ông thật đáng trân trọng. Và hành động đó là hành động hợp với quy luật: “Hồ tử tất thủ khâu, quyện điểu quy cựu lâm” (Cáo chết tất quay đầu về phía núi gò, chim mỏi tất bay về rừng cũ)
Lý Bạch là bạn vong niên với Hạ Tri Chương (kém Hạ Tri Chương 42 tuổi), sinh ra trong thời đại Khai Nguyên – Thiên Bảo, thời đại thịnh vượng về mặt kinh tế, thống nhất lãnh thổ; nhưng trong lòng chế độ ấy đã mang yếu tố giải thể, mâu thuẫn giai cấp đang diễn ra gay go. Bọn thống trị phong kiến sống trong cảnh thịnh vượng, lo ăn chơi xa xỉ. Đường Huyền Tông sinh ra mê đắm trong tửu sắc, không chú ý đến nền chính trị ngày càng bại hoại suy vi, bên trong sủng ái Dương Quý Phi, bỏ bê việc nước, bên ngoài trọng dụng gian thần Lý Lâm Phủ, khiến cho nền thống trị ngày càng xuống dốc. Các phiên trấn do người Hồ cai quản được trọng dụng quá mức, trong đó có mạnh nhất là tặc thần An Lộc Sơn. Năm 755, An Lộc Sơn chính thức phát động loạn An Sử sau đó nhanh chóng tiến về kinh đô. Tình thế nhà Đường lâm vào bờ vực của sự diệt vong, Huyền Tông và triều đình phải bỏ chạy khỏi kinh thành Lạc Dương, đi đến Thành Đô. Cùng năm 756, con trai ông là thái tử Lý Hanh xưng đế, tức là Đường Túc Tông, Huyền Tông buộc phải thừa nhận ngôi vị của Túc Tông, lên làm Thái thượng hoàng.
Cuối năm 757, khi quân Đường giành lại được Trường An, Thái thượng hoàng Huyền Tông mới được đón về kinh đô nhưng không còn quyền lực và bị gian thần Lý Phụ Quốc ức hiếp. Những ngày cuối cùng của ông
sống trong u uất và thất vọng cho đến lúc qua đời vào ngày 3 tháng 5 năm 762, ở tuổi 79.
Lý Bạch đã sống trong sự bạo động của xã hội nhưng thời đại này cũng là thời đại phong trào thơ ca lãng mạn tích cực phát triển. Những nhà thơ có tiếng như Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán, Vương Hàn, Thôi Hiệu, Vương Duy… đã sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng với tính lãng mạn tích cực.
Phong trào viễn du thời Đường rất thịnh, nhiều nhà thơ như Cao Thích, Sầm Tham, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… đều sống qua những ngày viễn du. Chính vì vậy, từ lúc còn rất trẻ Lý Bạch đã viễn du. Cảnh núi non và thiên nhiên kỳ thú, tươi đẹp bao la đã gieo vào lòng thi nhân những tình cảm man mác bay bổng. Năm 25 tuổi, ông từ biệt mẹ cha để đi du lịch và tìm đường lập công danh sự nghiệp.
Hầu hết các Nho sĩ đương thời đều qua thi cử để bước vào con đường công danh sự nghiệp, nhưng Lý Bạch thì không làm như thế. Lý Bạch không muốn nhốt mình vào lồng thi cử, nhưng lại muốn giúp đời, giúp nước. Muốn giúp đời, giúp nước ắt phải tham gia chính trị. Rời khỏi quê hương mang theo khao khát được tiến cử vào triều, tham gia chính trị để thực hiện hoài bão của mình. Thế nhưng chí nhớn không thành. Từ đó ông làm thân lữ khách tha hương và xa quê mãi mãi.
2.1.3.3. Hoàn cảnh sáng tác
Biết được hoàn cảnh sáng tác, HS mới hiểu và cảm nhận được tác phẩm một cách sâu sắc.
- Bài thơ Tĩnh dạ tứ được nhà thơ Lý Bạch sáng tác khi xa quê hương. Xa quê
để thực hiện ước mơ lập công danh sự nghiệp nhưng ước mơ không thành. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu được tâm trang cô đơn của một kẻ lữ khách tha hương trong đêm khuya thanh tĩnh với ánh trăng mờ ảo, hư hư, thực thực và để từ đó nỗi nhớ quê hương trào dâng một cách tự nhiên mà sâu sắc.
- Bài thơ Hồi hương ngẫu thư được viết ngay lúc vừa mới đặt chân tới quê
nhà sau bao năm xa cách. Thời gian xa cách đã lâu nên khi trở về cũng thật bùi ngùi, xúc động. Và thời gian xa quê cũng đã quá lâu nên mới xảy ra một tình huống bi hài, cười ra nước mắt: “Nhi đồng tương kiến bất tương thức/ Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?”. Trở về quê hương mà bị coi là khách lạ. Thật đáng buồn cười cho lũ trẻ, vì chúng là những kẻ sinh sau đẻ muộn nên không biết đến nhà thơ. Nhưng cũng phải thôi, giờ về quê cũng chẳng ai còn nhận ra mình nữa vì những người cùng trang lứa với mình đã mất cả rồi. Thật buồn tủi, thật ngậm ngùi, cô đơn, lạc lõng. Tình yêu quê được thể hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi.