Xác định đúng mức độ tăng nặng, giảm nhẹ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Một phần của tài liệu Chuyên đề về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong pháp luật hình sự Việt Nam (Trang 65)

II – Một số vấn đề cần chú ý khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

3. Xác định đúng mức độ tăng nặng, giảm nhẹ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

trách nhiệm hình sự.

Đây là một vấn đề khó nhưng lại là vấn đề rất quan trọng, nếu không xác định mức độ tăng nặng, giảm nhẹ của các tình tiết thì khi áp dụng hình phạt sẽ không tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện.

Việc xác định mức độ tăng nặng của tình tiết tăng nặng và mức độ giảm nhẹ của tình tiết giảm nhẹ hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử tuỳ thuộc vào mức độ tăng nặng và giảm nhẹ của các tình tiết đó.

Mức độ tăng nặng hoặc giảm nhẹ của các tình tiết còn phụ thuộc vào thái độ của bị cáo và các yếu tố khách quan khác. Không ít trường hợp mức độ như nhau nhưng thái độ của bị cáo và các yếu tố khách quan khác nhau thì mức tăng nặng, giảm nhẹ cũng khác nhau.

Ví dụ: Một bị cáo gây thiệt hại 500 triệu đồng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã bán hết các tài sản có giá trị, vay mượn người khác để bồi thường thiệt hại nhưng cũng chỉ được 300 triệu thì mức độ giảm nhẹ sẽ nhiều so với một bị cáo cũng gây thiệt hại 500 triệu đồng và cũng bồi thường được 300 triệu đồng trong khi hoàn cảnh gia đình giầu có, thu nhập hàng tháng trên một tỷ đồng.

3.1. Xác định mức độ tăng nặng đối với tình tiết tăng nặng

Các tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự có nội dung khác nhau nên mức độ tăng nặng cũng khác nhau. Ví dụ: tình tiết “phạm tội có tổ chức” mức độ tăng nặng khác với tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ”; cùng một tình tiết tăng nặng mức độ tăng cũng khác nhau. Ví dụ: đều là “phạm tội nhiều lần” nhưng bị cáo A phạm tội 6 lần, trong khi đó bị cáo B chỉ phạm tội 2 lần thì mức độ tăng nặng đối với A nhiều hơn đối với B; cùng một tình tiết tăng nặng nhưng đối với tội phạm khác nhau thì mức độ tăng nặng cũng khác nhau. Ví dụ: đều là tình tiết “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” nhưng đối với hành vi phạm tội giết người mức độ cao hơn đối với hành vi phạm tội trộm cắp tài sản.

Thông thường, khi quyết định hình phạt, nếu các căn cứ quyết định hình phạt khác tương tự như nhau, thì người phạm tội có số tình tiết tăng nặng nhiều hơn sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn. Tuy nhiên, do mức độ tăng nặng của các tình tiết tăng nặng khác nhau, nên có thể có trường hợp người có ít tình tiết tăng nặng lại bị xử phạt nặng hơn người có nhiều tình tiết tăng nặng. Ví dụ: A và B đều là sinh viên, đều 20 tuổi, đều phạm tội trộm cắp tài sản có giá trị 2.000.000 đồng, các căn cứ quyết định hình phạt khác của A và B được đánh giá là tương đương nhau, nhưng A có 2 tình tiết tăng nặng là “xâm pham tài sản của nhà nước” và “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng”, còn B chỉ có một tình tiết tăng nặng là “lợi dụng thiên tai để phạm tội”, nhưng vì tình tiết “lợi dụng thiên tai để phạm tội” mức độ tăng nặng cao hơn hai tình tiết tăng nặng mà A thực hiện nên hình phạt của B cao hơn hình phạt của A. Trường hợp này cũng tưng tự như đối với việc áp dụng tình tiết là yếu tố định khung (khung tăng nặng) hình phạt, không phải cứ có nhiều tình

tiết là yếu tố định khung hình phạt thì phải áp dụng hình phạt nặng hơn người có ít tình tiết là yếu tố định khung hình phạt.

3.2. Xác định mức độ giảm nhẹ đối với tình tiết giảm nhẹ

Tương tự như việc xác định các tình tiết tăng nặng, đối với các tình tiết giảm nhẹ cũng vậy. Cùng một tình tiết giảm nhẹ nhưng đối với tội phạm khác nhau thì mức độ giảm nhẹ cũng khác nhau; cùng phạm một tội và cùng có tình tiết giảm nhẹ như nhau, nhưng đối với bị cáo khác nhau thì mức độ giảm nhẹ cũng khác nhau; mức độ giảm nhẹ của mỗi tình tiết còn phụ thuộc vào những điều kiện khách quan khi hành vi tội phạm được thực hiện… Vì vậy, khi xác định mức độ giảm nhẹ của các tình tiết giảm nhẹ cần phải căn cứ vào hành vi phạm tội mà bị cáo thực hiện, vào các yếu tố về nhân thân người phạm tội và các yếu tố khách quan khác có liên quan đến vụ án để áp dụng mức hình phạt cho phù hợp.

Các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự có nội dung khác nhau nên mức độ giảm nhệ cũng khác nhau. Ví dụ: tình tiết “người phạm tội tự thú” mức độ giảm nhẹ khác với tình tiết “người phạm tội thành khẩn khai báo”; cùng một tình tiết giảm nhẹ nhưng mức độ giảm nhẹ cũng khác nhau. Ví dụ: A và B đều gây thiệt hại tài sản cho người khác 600 triệu, nhưng A đã bồi thường được 500 triệu còn B chỉ bồi thường được 200 triệu, thì A được giảm nhẹ nhiều hơn B; cùng một tình tiết giảm nhẹ nhưng đối với tội phạm khác nhau thì mức độ tăng nặng cũng khác nhau. Ví dụ: đều là tình tiết “người phạm tội là người già” nhưng đối với hành vi phạm tội cố ý gây thương tích, mức độ giảm nhẹ nhiều hơn so với hành vi phạm tội hiếp dâm trẻ em.

Thông thường, khi quyết định hình phạt, nếu các căn cứ quyết định hình phạt khác tương tự như nhau, thì người phạm tội có số tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn sẽ được giảm nhẹ nhiều hơn. Tuy nhiên, do mức độ giảm nhẹ của các tình tiết giảm nhẹ khác nhau, nên có thể có trường hợp người có ít tình tiết giảm nhẹ vẫn được xử phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ. Ví dụ: A và B đều phạm tội giết người, A có hai tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo” và “có thành tích xuất sắc trong công tác” (được tặng huy chương

vì có thành tích trong cuộc thi tiếng hát do Đài phát thanh và truyền hình của thành phố tổ chức), còn B chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là “tự thú”. Nếu các căn cứ quyết định hình phạt khác tương tự như nhau thì hình phạt đối với B có thể nhẹ hơn hình phạt đối với A, mặc dù A có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn B, vì mức độ giảm nhẹ của tình tiết “người phạm tội tự thú” của A nhiều hơn mức độ giảm nhẹ của cả hai tình tiết “thành khẩn khai báo” và “có thành tích xuất sắc trong công tác” của B.

Một phần của tài liệu Chuyên đề về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong pháp luật hình sự Việt Nam (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(119 trang)
w