Ảnh hưởng của các tình tiết giảm nhẹ trong việc quyết định hình phạt

Một phần của tài liệu Chuyên đề về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong pháp luật hình sự Việt Nam (Trang 108)

II – Một số vấn đề cần chú ý khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

3. Ảnh hưởng của các tình tiết giảm nhẹ trong việc quyết định hình phạt

Phân tích các quy định của BLHS năm 1999 có liên quan đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cũng như việc áp dụng chúng trong thực tiễn, chúng ta có thể nhận thấy vai trò của chúng trong việc quyết định hình phạt ở một số bình diện dưới đây.

- Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ý nghĩa làm cho tội phạm đã thực hiện và nhân thân của người phạm tội ít nguy hiểm hơn so với những trường hợp phạm tội mà không có tình tiết giảm nhẹ đó, đồng thời khi có nó người phạm tội được Tòa án áp dụng loại và mức hình phạt ít nghiêm khắc hơn. Tất nhiên, trong một vụ án nếu có càng nhiều tình tiết giảm nhẹ thì mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự càng lớn và nhiều trường hợp chúng tạo ra sự thay đổi phá vỡ giới hạn tối thiểu và giới hạn tối đa của khung chế tài.

- Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một phạm trù pháp lý đặt ra để xác định làm giảm mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội, giảm nhẹ mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Một mức hình phạt lựa chọn loại hình phạt nhẹ hơn, khung hình phạt nhẹ hơn, mức hình phạt ít nghiêm khắc hơn hoặc thậm chí lựa chọn giữa hình phạt tù chung thân và hình phạt tử hình một phần phụ thuộc vào việc người phạm tội có hay không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có một hay nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, để từ đó Tòa án quyết định.

- Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi kết hợp với nhau, đáp ứng những điều kiện luật định khác thì chúng ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đến việc quyết định hình phạt (hay nói cách khác là đến vấn đề trách nhiệm hình sự và hình phạt của người phạm tội), mà cụ thể là:

+ Ở mức độ thứ nhất, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có khả năng làm giảm mức hình phạt trong giới hạn (phạm vi) một khung hình phạt. Các tình tiết giảm nhẹ này vừa được quy định trong luật (khoản 1 Điều 46), vừa được quy định trong các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật2 và có thể là tình tiết do Tòa án tự cân nhắc, xem xét và ghi rõ trong bản án. Tuy nhiên, chúng chỉ có giá trị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong từng trường hợp cụ thể và đối với từng người phạm tội cụ thể trong một khung (cấu thành) tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

+ Ở mức độ thứ hai, đối với từng vụ án và người phạm tội cụ thể khi có sự kết hợp của nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với các điều kiện luật định khác, thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt dưới mức tối thiểu của chế tài – hoặc có thể quyết định hình phạt dưới mức tối thiểu của khung hình phạt hoặc quyết định một loại hình phạt nhẹ hơn. Cụ thể, “khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; và trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất

của khung hoặc chuyển sang một loại hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án” (Điều 47). Tuy nhiên, chỉ áp dụng quy định này khi đáp ứng hai điều kiện: Thứ nhất, phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 36 BLHS và thứ hai, hành vi phạm tội tương xứng với mức thấp nhất của khung hình phạt khi xét đến tính chất và mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể đó3. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng luật quy định Tòa án có thể được quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định, chứ không bắt buộc (nhất thiết) phải áp dụng. Việc quyết định có áp dụng hay không là thuộc về Hội đồng xét xử sau khi đã cân nhắc tổng hợp cả các yếu tố (căn cứ) khác nữa.

+ Ở mức độ thứ ba, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tạo khả năng để Tòa án có thể làm giảm khung hình phạt. Đây là một mức độ ảnh hưởng cao của các tình tiết giảm nhẹ đến trách nhiệm hình sự, nó “không chỉ có tác dụng phá vỡ giới hạn tối thiểu mà còn cả giới hạn tối đa của chế tài theo hướng giảm nhẹ”4. Theo quy định của BLHS hiện hành, chỉ có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm liên quan đến các giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và người phạm tội là người chưa thành niên mới có giá trị giảm nhẹ ở mức độ này và sự ảnh hưởng giảm nhẹ này được thể hiện tại các Điều 52, 72, 73 và 74 BLHS năm 1999.

+ Ngoài ra, các tình tiết giảm nhẹ còn có ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự và hình phạt người phạm tội mà từ đó họ có thể được loại trừ khả năng bị áp dụng hình phạt đặc biệt nghiêm khắc như hình phạt tù chung thân (Điều 34), hình phạt tử hình (Điều 35); hoặc được áp dụng các chế định nhân đạo của luật hình sự như: miễn hình phạt (Điều 54), án treo (Điều 60), v.v…

- Mỗi tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có ảnh hưởng khác nhau đối với những người phạm tội khác nhau trong cùng một vụ án hình sự đối với một tội phạm cụ thể. Cụ thể, trong một vụ án hình sự có thể có một tội phạm hoặc nhiều tội phạm, một người phạm tội hoặc nhiều người phạm tội, nên việc xác định tình tiết định tội, tình tiết định khung và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ trong phạm vi một tội phạm cụ thể

mà không được sử dụng tình tiết định tội hay tình tiết định khung của tội phạm này làm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tội phạm khác, cũng như tình tiết giảm nhẹ của người phạm tội này làm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khác. Việc xác định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Trách nhiệm này không được hiểu là các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định đủ các loại tình tiết: tình tiết định tội, tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu hiểu như vậy sẽ vi phạm nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Trong vụ án hình sự với một tội phạm cụ thể có thể có hoặc không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có thể có một hoặc nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có thể có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm được quy định trong luật và có thể không được quy định trong luật. Điều này phụ thuộc vào các tình tiết khách quan của vụ án mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

- Trường hợp người phạm tội vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này khi đánh giá (quyết định hình phạt), Tòa án phải có quan điểm toàn diện, đánh giá khách quan ý nghĩa của từng tình tiết và nhất là không được nghiêng về tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự. Điểm 4 mục B phần II của Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/1/1989 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn như sau: “Trong trường hợp một vụ án có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án phải đánh giá, cân nhắc toàn diện, đầy đủ trong một tổng thể, không được đánh giá, cân nhắc một chiều tức là coi trọng tình tiết này, xem thường tình tiết khác, nhất là các tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội hoặc ngược lại. Thông thường nếu tính chất của các tình tiết tăng nặng tương đương với tính chất của các tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án không được áp dụng khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985. Nhưng nếu các tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn thì Tòa án vẫn có thể áp dụng khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985”. Ngược lại, nếu tình tiết tăng nặng có ý nghĩa tăng nặng đáng kể, tình

tiết giảm nhẹ không đáng kể thì đây là trường hợp tăng nặng và phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

- Việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không được quy định trong luật do Tòa án tự cân nhắc và xem xét và ghi rõ trong bản án đòi hỏi không những phải phù hợp với chính sách hình sự và các chính sách khác của Nhà nước nói chung, với đạo đức – tâm lý chung của xã hội, mà còn thích hợp với từng vụ án tương ứng cụ thể nhằm tránh xu hướng tiêu cực đôi khi thường gặp trong thực tiễn xét xử – các Tòa án mở rộng một cách quá tùy tiện làm ảnh hưởng đến việc đấu tranh phòng và chống tội phạm5. - Mỗi tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong luật (khoản 1 Điều 46) chỉ có ý nghĩa áp dụng đối với một hoặc một số hành vi phạm tội hoặc đối với một số người phạm tội chứ không thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm hoặc đối với tất cả người phạm tội. Chẳng hạn, tình tiết “phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (điểm c, khoản 1 Điều 46) chủ yếu áp dụng đối với các tội giết người (Điều 93), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104).

- Khi xem xét, cân nhắc để áp dụng chính xác các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự liên quan đến một người phạm tội nào trong vụ án có đồng phạm, thì Tòa án chỉ được phép áp dụng các tình tiết giảm nhẹ ấy đối với riêng bản thân người này, chứ không được áp dụng đối với những người đồng phạm khác. Nói cách khác, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc về người phạm tội nào, thì chỉ có người đó được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

- Việc xem xét, cân nhắc để áp dụng chính xác các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự cụ thể và đối với mỗi người phạm tội cụ thể chính là đảm bảo sự phù hợp giữa mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội so với mức hình phạt của khung hình phạt tương ứng được quy định tại Điều luật cụ thể của Phần các tội phạm BLHS, đồng thời còn phù hợp với các yếu tố khác như: phương thức, thủ đoạn phạm tội, công cụ, phương tiện phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, địa điểm, hoàn cảnh phạm

tội, thời gian, không gian phạm tội, tính chất của hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội và cả của nhân thân người phạm tội nữa.

- Trong việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội, cần phân biệt tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào là tình tiết định tội, tình tiết định khung hay là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chung, cũng như thấy được mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ giữa chúng với nhau trong một vụ án hình sự. Mặt khác, để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, Tòa án phải xác định rõ tội danh, khung hình phạt và các tình tiết giảm nhẹ (và tăng nặng) trách nhiệm hình sự. Các loại tình tiết này có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình định tội, lượng hình đối với người phạm tội. Như vậy, đối với một vụ án hình sự cụ thể, chỉ sau khi xác định được tình tiết định tội mới xác định được tình tiết định khung. Ngược lại, tình tiết định khung có tác dụng trở lại đối với tình tiết định tội. Tình tiết định khung là căn cứ xác định, đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội một cách cụ thể hơn. Sau khi đã xác định tội danh và khung hình phạt cụ thể mới có cơ sở xem xét các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

- Việc xem xét, cân nhắc để áp dụng chính xác tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự chính là biểu hiện sự tôn trọng của các cơ quan tư pháp hình sự và Tòa án đối với các nguyên tắc tiến bộ của luật hình sự Việt Nam (như: nguyên tắc pháp chế, công minh, bình đẳng v.v… trước luật hình sự trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nói chung, cũng như đối với nguyên tắc quyết định hình phạt nói riêng (nguyên tắc cá thể hóa hình phạt) trong thực tiễn xét xử nói riêng.

Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong BLHS Việt Nam năm 1999, trong văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật hiện hành và thực tiễn áp dụng chúng, chúng tôi có một số kiến nghị cụ thể sau:

- Trong BLHS năm 1999 hiện hành còn thiếu một loạt các định nghĩa pháp lý cần được bổ sung đó là: như thế nào là tình tiết định tội, tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để làm cơ sở giúp cho các cơ quan tư pháp hình sự

và Tòa án phân biệt cũng như áp dụng chúng thống nhất trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự.

- Việc sử dụng thuật ngữ trong các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự còn chưa thống nhất trong BLHS năm 1999. Cụ thể, khoản 3 Điều 46 dùng thuật ngữ “dấu hiệu” còn khoản 2 Điều 48 lại sử dụng thuật ngữ “yếu tố”; khoản 3 Điều 46 dùng thuật ngữ “định khung”, nhưng khoản 2 Điều 48 lại sử dụng thuật ngữ “định khung hình phạt” và nhược điểm này cần được nhà làm luật kịp thời khắc phục.

- Luật quy định khi quyết định hình phạt, quyết định miễn hình phạt, cho người bị kết án hưởng án treo, Tòa án phải căn cứ vào “các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” (Điều 45, 54 và 60 BLHS năm 1999). Tuy nhiên, nhà làm luật nước ta cũng chưa quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được cân nhắc ở bước (giai đoạn) quyết định hình phạt, có được Tòa án xem xét và áp dụng khi cho miễn hình phạt, khi cho người bị kết án hưởng án treo hay không.

- Và cuối cùng, theo chúng tôi nhà làm luật nước ta cần ghi nhận tình tiết người phạm tội đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999. Lý do, thực tiễn vẫn áp dụng coi nó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2/6/1990 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TANDTC, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú đã không phân định rõ hai khái niệm tự thú và đầu thú mà gộp chung chúng lại với nhau. Và hơn nữa, nó cũng đáp ứng được yêu cầu của một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự giống như tình tiết giảm nhẹ người phạm tội tự thú (quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999). Vì có như vậy mới khuyến khích người phạm tội ra đầu thú và cũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động người phạm tội ra đầu thú.

Trịnh Tiến Việt - Khoa luật ĐH quốc gia Hà Nội Nguồn: Tạp chí khoa học pháp lý 01/2004

...

1 Xem cụ thể hơn: Lê Cảm – Trịnh Tiến Việt, Nhân thân người phạm tội: Một số vấn đề

Một phần của tài liệu Chuyên đề về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong pháp luật hình sự Việt Nam (Trang 108)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(119 trang)
w